Thứ Tư, 11/9/2024
Hoạt động y tế
Thứ Bảy, 26/8/2017 8:45'(GMT+7)

Ban Chỉ đạo khẳng định thuốc diệt muỗi hiệu lực tốt, diệt 98% muỗi


Tại Việt Nam, hóa chất diệt muỗi trước khi đưa vào sử dụng đã được đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt về hiệu lực cũng như tính an toàn. 

Theo kết quả đánh giá sau 24 giờ phun hóa chất cho thấy có khoảng 98% muỗi trưởng thành đã bị diệt. Như vậy, hiệu lực của thuốc tốt. 

Phó Viện trưởng Trần Như Dương nhấn mạnh​ tuy nhiên sau khi phun hóa chất diệt muỗi vẫn có muỗi là do việc diệt bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi công cộng chưa được triệt để. 

Vì vậy, chỉ sau vài giờ bọ gậy lại nở thành muỗi và xâm nhập vào nhà; tiếp tục trở thành nguyên nhân gây bệnh cho người dân. Như vậy, muỗi sau phun hóa chất là do bọ gậy nở ra chứ không phải do chất lượng của hóa chất diệt muỗi. 

Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế cho thấy việc phun hóa chất và diệt bọ gậy tại Hà Nội chưa được triệt để. Cụ thể là: 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%. 

Mỗi đội phun chỉ có một người phun là không hợp lý, bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu, do đó người phun dễ dẫn đến ngại leo sau khi đã thấm mệt (theo quy định mỗi đội phun phải gồm 2 cán bộ phun và 1 cán bộ kỹ thuật). Nhiều đội viên đội xung kích diệt bọ gậy sức khỏe chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. 

Số trường hợp mắc ở Hà Nội có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.417 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người hợp nhập viện là 84.026 trường hợp. So với cung kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%, số trường hợp tử vong tăng 9 trường hợp. 

Số mắc tập trung cao nhất tại khu vực miền Nam (52,7%), sau đó là khu vực miền Bắc (29,1%), khu vực miền Trung (14,9%), khu vực Tây Nguyên (3,2%). Số tử vong tập trung cao nhất ở khu vực miền Nam (18 trường hợp), sau đó là khu vực miền Bắc (7 trường hợp), khu vực miền Trung (1 trường hợp). 

Theo đó, 10 tỉnh có số mắc cao nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Nam Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa Trong đó, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số mắc tuyệt đối cao nhất. 

Tuýp virus lưu hành hiện nay trên cả nước chủ yếu vẫn là D1, D2 (với tỷ lệ 95%), ngoài ra có D3, D4 chiếm tỷ lệ nhỏ. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1/1 đến 22/8, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện là hơn 2.300 người; xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình có 2.700 bệnh nhân/ngày). 

Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Hà Nội đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng, phun tại các trường học và phấn đấu trong tuần sẽ có 100% trường học được phun hóa chất diệt muỗi. 

Đồng thời, Hà Nội triển khai việc phun mù nhiệt cùng với phun xử lý ổ dịch nhỏ tại các khu vực có ổ dịch mới phát sinh. 

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. 

Nhân viên y tế pha chế hóa chất chuẩn bị chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Đống Đa. (Ảnh: Dương Ngọc/ TTXVN)


Cụ thể là​ còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất (khi biết thông tin xã, phường tổ chức phun hóa chất thì khóa trái cửa coi như đi vắng hoặc chỉ cho phun ở sân hay tại tầng 1, không phun cả nhà...); số lượng đội xung kích còn thiếu so với quy định nên một đội xung kích phải phụ trách nhiều hộ gia đình. 

Đặc biệt, các đội xung kích đã kiểm tra nhưng còn để sót ổ bọ gậy; có nơi đội xung kích chỉ vào nhà kiểm tra tầng 1, không lên các tầng trên; thành viên đội xung kích nhiều hơn chưa được phân công cụ thể hộ gia đình cần phụ trách nên không nắm rõ nhiệm vụ cần phải làm. Ngoài ra, tổ giám sát hoạt động chưa thường xuyên, thiếu cán bộ giám sát... 

Tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: Thời gian tới, ngành y tế tăng cường phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức phụ hóa chất diện rộng, lưu ý khu vực ngoại thành Hà Nội, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều người làm ăn sinh sống tại Hà Nội. 

Đồng thời, ngành y tế tiếp tục phân tuyến, phân loại điều trị bệnh nhân, tránh quá tải, giảm tử vong; tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy); tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực truyền thông để người dân tự giác phòng bệnh... 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội. 

Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến tình hình dịch bệnh không chỉ các quận nội thành mà còn tại các huyện ngoại thành (như Thanh Trì,Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh đang có xu hướng gia tăng số trường hợp mắc bệnh). Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết vẫn gia tăng là do không diệt triệt để bọ gậy. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Để phòng chống dịch hiệu quả, Hà Nội và các địa phương khác không được chủ quan và phải chủ động các biện pháp phòng bệnh. 

Đặc biệt, thời gian tới là thời điểm bắt đầu năm học mới nên Hà Nội phải kiểm soát tốt ở tất cả các trường học, không để học sinh, sinh viên bị mắc sốt xuất huyết. 

Đồng thời, Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống các dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng như tay chân miệng, dại, cúm... 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phối hợp tích cực với Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế cần kêu gọi mọi người dân tham gia phòng bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; huy động mạnh mẽ sự tham hơn nữa của các cấp chính quyền; tăng cường hiệu quả của đội xung kích phòng dịch.

Đồng thời, ngành y tế tiếp tục áp dụng phun hóa chất diệt muỗi một cách tổng thể; kêu gọi người dân hợp tác để phun mù nhiệt trong các gia đình sẽ phát huy hiệu quả diệt muỗi cao. 

Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục phân tuyến, phân luồng điều trị hợp lý, hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết.../. 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất