Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 20/1/2020 14:6'(GMT+7)

Bộ Giáo dục phê duyệt danh mục sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 180/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, có 6 cuốn sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 của 3 nhà xuất bản được phê duyệt.

Cụ thể, 2 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm Tiếng Anh 1 do tác giả Hoàng Văn Vân (tổng chủ biên) và Tiếng Anh 1 (Family and Friends) do tác giả Trần Cao Bội Ngọc chủ biên; 1 cuốn của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm là Tiếng Anh 1 (English Discovery) do tác giả Lưu Thị Kim Nhung (chủ biên); 3 cuốn của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gồm Tiếng Anh 1 (I-learn Smart Start) do Nguyễn Thị Ngọc Quyên chủ biên; Tiếng Anh 1 (Explore Our World) do Nguyễn Quốc Hùng chủ biên và Tiếng Anh 1 (Macmillan Next Move) do Hoàng Tăng Đức chủ biên.

Giống như sách giáo khoa các môn học khác, sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 đã trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, khách quan, khoa học của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh.

Hội đồng này gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và hơn 1/3 tổng số thành viên là giáo viên môn tiếng Anh đang giảng dạy tại các trường tiểu học ở các vùng miền đặc trưng của đất nước.

Việc có nhiều thành viên là giáo viên đang trực tiếp đứng lớp góp phần làm cho công tác thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh được sát sao, phù hợp với thực tiễn giảng dạy và nhu cầu học tập của học sinh các vùng miền.

Sau 2 vòng thẩm định về chuyên môn của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, 6 bản thảo sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 được các Hội đồng đánh giá  “Đạt”.

Tiếp nhận kết quả thẩm định của các Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các vụ, cục chuyên môn tham mưu thành lập tổ giúp việc gồm các chuyên gia am hiểu về chuyên môn, các nhà quản lý, các giáo viên để tổ chức đọc phản biện sách giáo khoa được Hội đồng đánh giá là “Đạt,” rà soát lại quy trình làm việc của Hội đồng, các vấn đề pháp lý…

So với sách giáo khoa các môn học khác, sách giáo khoa môn Tiếng Anh có nhiều đặc thù. Để biên soạn sách giáo khoa môn Tiếng Anh lớp 1, các tác giả đã nghiên cứu chương trình môn Tiếng Anh theo chuẩn đầu ra quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, tham khảo và sử dụng nhiều tài liệu của các tác giả uy tín trên thế giới thuộc các nhà xuất bản nước ngoài.

Các nhà xuất bản Việt Nam thực hiện việc liên kết, hợp tác đồng sở hữu bản quyền các xuất bản phẩm để được sử dụng nguồn học liệu theo quy định của pháp luật.

Để có sự quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật Việt Nam và các thông lệ quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các nhà xuất bản có sách giáo khoa môn Tiếng Anh lớp 1 đề nghị được thẩm định, thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật, bao gồm Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp... và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác trong quá trình liên kết, hợp tác bản quyền, phối hợp tổ chức biên soạn, xuất bản.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo, tham vấn các cơ quan chuyên môn, như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến tính pháp lý của sách giáo khoa. 

Tổng số 6 cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 đề nghị được thẩm định đều do các tác giả người Việt Nam biên soạn, có tham khảo và sử dụng nguồn học liệu của các xuất bản phẩm nước ngoài, có sự tham gia cố vấn về chuyên môn của các chuyên gia là người nước ngoài và được các nhà xuất bản Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết, tuân thủ đúng theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT để biên soạn sách giáo khoa môn Tiếng Anh lớp 1.

Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam.

Đồng thời, các bản thảo sách bảo đảm tính “mở,” linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất