Thứ Sáu, 11/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 21/8/2019 9:53'(GMT+7)

Chấn chỉnh tình trạng nhiễu loạn “trường quốc tế”

(Ảnh minh họa: saigondautu.com.vn)

(Ảnh minh họa: saigondautu.com.vn)

Thời gian qua, quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận, tiếp nhận, ứng dụng các thành tựu tiên tiến của thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục, mô hình giáo dục của nhiều quốc gia phát triển đã nhanh chóng du nhập vào Việt Nam và được đón nhận. Cùng với đó là sự nở rộ các hình thức đào tạo đa dạng, có yếu tố nước ngoài, đưa tới sự xuất hiện ngày càng nhiều “trường quốc tế” từ bậc mầm non đến đại học.

Với các gia đình có điều kiện tài chính, việc cho con theo học tại các cơ sở đào tạo này được coi là đầu tư cần thiết giúp con tiệm cận với nền giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, và được coi như “bước đệm” để trẻ du học trong tương lai.

Nắm bắt được nhu cầu, không ít cơ sở đào tạo đã “lập lờ đánh lận con đen” khi đặt tên trường bằng cách gắn mác “nước ngoài”, treo biển “quốc tế”,... để thu hút học sinh. Ði đôi với các danh xưng này là mức học phí rất cao, có thể lên tới 600 đến 700 triệu đồng/năm, chưa kể các chi phí như tiền ăn uống, tiền ô tô đưa đón, tiền đồng phục, tiền sử dụng những tiện ích khác của nhà trường.

Ðiều đáng nói ở đây là tình trạng một số cơ sở giáo dục mang danh “trường quốc tế” mà chất lượng giáo dục lại không được như quảng cáo. Bởi, nếu chỉ với vài ba giáo viên là người nước ngoài có mặt trên bục giảng, học sinh được tăng cường học ngoại ngữ thì cũng không thể giúp các trường này đạt chuẩn quốc tế. Chưa kể, một số trường mang danh “quốc tế” nhưng còn tạm bợ, phải thuê địa điểm và cơ sở vật chất, giáo viên cơ hữu chưa bảo đảm theo quy định, giáo trình giảng dạy sao chép, chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau.

Hậu quả là, dù phải đóng một khoản học phí rất tốn kém song người học lại nhận được chất lượng đào tạo không như kỳ vọng, thậm chí yếu kém. Thế nên, đã có tình trạng khi vì lý do nào đó mà phải trở lại học trường công lập, học sinh một số “trường quốc tế” lại không theo kịp, do kiến thức hổng quá nhiều. Hoặc khi du học, các bằng cấp, chứng chỉ do trường gắn mác “quốc tế” cấp lại không hề có giá trị với yêu cầu của nhà trường nước sở tại, dẫn đến việc học sinh bị yêu cầu học lại chương trình phổ thông.

Vậy nhưng, vì thiếu thông tin, vì bị hấp dẫn từ quảng cáo của “trường quốc tế” và cả từ tâm lý “sính ngoại”, không ít phụ huynh vẫn hăm hở đăng ký để con cái theo học “trường quốc tế” dù thực chất chỉ là trường tư thục có yếu tố nước ngoài. Không chỉ mất tiền, con em bị thiếu kiến thức mà còn để lại hậu quả nặng nề trong tâm lý của một số học sinh sau khi theo học tại những ngôi trường như vậy.

Theo Khoản 2, Ðiều 109 “Khuyến khích hợp tác về giáo dục với Việt Nam” của Luật Giáo dục (năm 2005) thì: “Việc hợp tác đào tạo, mở trường hoặc cơ sở giáo dục khác của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam do Chính phủ quy định”. Như vậy, mọi cơ sở giáo dục hợp tác quốc tế, hay mang danh quốc tế, đều phải được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép.

Tuy nhiên, hiện nay việc gắn mác “quốc tế” của nhiều trường đang diễn ra tràn lan, tùy tiện theo kiểu “tự phong”. Ðây là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời hàng trăm “trường quốc tế” từ bậc mầm non đến đại học, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động công khai, tuyển sinh rầm rộ, thông tin quảng cáo mà các trường này đưa ra để chào mời thường hết sức hấp dẫn, nhưng chung chung, không rõ thực hư, như: trường đạt chuẩn quốc tế, đã được xếp hạng và cấp phép bởi các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới, giáo viên là người nước ngoài, học sinh được cấp bằng tương đương trình độ quốc tế, và khi du học, học sinh sẽ được các trường bản xứ tuyển thẳng.

Về hiện tượng này, ngày 12/8/2019, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: “Theo thống kê mới nhất, Hà Nội có 11 trường được gọi là trường quốc tế, còn các trường khác chỉ có yếu tố nước ngoài. Sở sẽ sớm công bố đích danh những trường này rộng rãi để người dân nắm được, tránh trường hợp mạo danh gây hiểu nhầm cho phụ huynh”.

Còn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, khẳng định: “Hiện nay, các trường tư thục được phép giảng dạy chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp, họ tự gắn mác trường quốc tế, nên nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần giảng dạy chương trình nước ngoài, đó sẽ là trường quốc tế. Trong khi đó, trường có yếu tố nước ngoài phải do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình do nước ngoài biên soạn… Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài, dạy theo chương trình nước ngoài nhưng các trường này vẫn chịu sự quản lý của UBND các cấp, của Sở Giáo dục và Ðào tạo”. Và theo cơ quan chức năng, hiện TP. Hồ Chí Minh có 21 trường phổ thông được cấp phép và công nhận là trường có yếu tố nước ngoài (hay còn gọi là trường quốc tế), do đó những trường không nằm trong danh sách này chỉ được gọi là trường tư thục.

Tương tự, dù trên toàn quốc hiện có không ít trường đại học, cao đẳng mang danh xưng “quốc tế” nhưng số trường thật sự đạt chuẩn quốc tế, được công nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như vậy, có thể thấy chữ “quốc tế” mà nhiều trường hiện cố ý tự gắn cho mình đang bị hiểu sai theo hướng trường có yếu tố nước ngoài như: giáo viên người nước ngoài, học sinh được chú trọng học ngoại ngữ, trường có sự liên kết với nước ngoài hoặc lập lờ nhằm đánh bóng, kích thích đánh lừa phụ huynh học sinh và xã hội. Chưa kể nhiều trường chọn đặt tên nước ngoài, dễ gây nhầm lẫn cho phụ huynh khi nhận diện, định tính.

Ðiều đáng nói, việc nhiều cơ sở đào tạo gắn “mác” sai như vậy lại chưa được thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng trường mang danh quốc tế xuất hiện khắp nơi, gây nhiễu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tác động tiêu cực tới các chuẩn mực giáo dục, khiến dư luận bức xúc.

Mới đây, sự kiện cháu bé tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt tại Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tại Hà Nội - mà thực chất văn bản thành lập trường này chỉ có tên là Trường tiểu học Gateway - đã dấy lên những vấn đề trong việc kiểm soát, điều hành hay quản lý các cơ sở đào tạo đang tồn tại với tên “trường quốc tế” từ các cấp độ gia đình, xã hội, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương... Ðó là lý do trực tiếp để trong chương trình thanh tra, kiểm tra tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đã đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cần sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Những bất cập từ tình trạng loạn danh xưng trường quốc tế cũng đặt ra yêu cầu với ngành giáo dục trong việc xác lập, minh bạch tiêu chuẩn của một trường đạt chuẩn quốc tế, cũng như công tác quản lý kiểm soát từ góc độ chuyên môn, bắt đầu từ việc công khai đăng tải danh sách các trường quốc tế đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Có thể tham khảo tiêu chuẩn của một trường phổ thông đạt chuẩn quốc tế mà nhiều nước đang áp dụng, như: chương trình giảng dạy được các tổ chức quốc tế công nhận; giáo viên đến từ nhiều quốc gia, học sinh học chủ yếu bằng tiếng Anh; đối tượng học sinh đa quốc gia và đa ngôn ngữ; học sinh theo học tại trường quốc tế có thể chuyển tiếp sang học tại trường quốc tế nhiều nước khác nhau...

Với trường đại học, yêu cầu về chuẩn quốc tế cần phải đạt các tiêu chí khắt khe như: chất lượng đội ngũ giảng viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và tỷ lệ bình quân sinh viên/giảng viên theo quy định; chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện…) phải đạt chuẩn; tổ chức tốt hoạt động văn hóa, đời sống…

Cùng với việc đáp ứng các tiêu chí do cơ quan chức năng ban hành, việc quản lý chất lượng đào tạo của các trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng cần có cơ chế giám sát thường xuyên, chặt chẽ. Bởi trong khi các trường công lập nằm trong hệ thống giáo dục của quốc gia, thực hiện chương trình đào tạo chuẩn được Nhà nước ban hành, thì việc quản lý hoạt động, nội dung giảng dạy, chất lượng giáo dục tại các cơ sở tư thục, hoạt động độc lập đang dấy lên nhiều nghi vấn trong cộng đồng. Chẳng hạn, liệu việc giảng dạy trong các trường ngoài công lập hay trường có yếu tố nước ngoài có bảo đảm thực hiện đúng chương trình được cấp phép hoặc như quảng cáo, công tác kiểm định chất lượng các chương trình quốc tế cũng như đội ngũ giáo viên nước ngoài...

Do đó, để kịp thời xử lý chấn chỉnh sai phạm tại nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo, tình trạng “bỗng nhiên biến mất” của một số trường mang danh quốc tế, việc cấp chứng chỉ bừa bãi, giáo viên không đủ trình độ... đòi hỏi cơ quan chức năng cần siết chặt và tích cực hơn trong kiểm định chất lượng đào tạo, xác lập giá trị đích thực cho các cơ sở giáo dục, có hình thức xử lý nghiêm khắc, thậm chí rút giấy phép hoạt động của cơ sở hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng...

Về phía phụ huynh, khi quyết định cho con em theo học tại cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về nhà trường (chương trình học tập, giáo viên, ngôn ngữ giảng dạy, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị...), phân biệt giữa chất lượng giáo dục với chất lượng phục vụ... để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp; đồng thời cần mạnh dạn lên tiếng trước sai phạm, tẩy chay các cơ sở đào tạo hoạt động có tính chộp giật, đặt nặng mục tiêu kinh doanh, coi giáo dục là nơi kiếm lời, thiếu quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người học.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu đào tạo các thế hệ công dân có khả năng đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, việc xây dựng và phát triển các trường học có chất lượng đẳng cấp quốc tế là hết sức cần thiết và cũng là xu thế chung của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhờ đó, cơ hội cho người học được mở rộng và góp phần nâng cao mặt bằng giáo dục cũng như vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để đạt tới mục tiêu này, cần có chiến lược, kế hoạch bài bản, dứt khoát không chấp nhận tình trạng đầu tư giáo dục bằng mọi giá, “ăn xổi”, nóng vội.

Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, sự tỉnh táo, sáng suốt của phụ huynh, học sinh, sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội là hết sức quan trọng, để xây dựng thành công hệ thống trường học có chất lượng cao, được quốc tế công nhận đánh giá cao, ngăn chặn tình trạng loạn trường quốc tế tự phong, từng bước lành mạnh hóa môi trường giáo dục./.

Ðông Á (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất