Thứ Năm, 7/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 27/8/2024 14:21'(GMT+7)

Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự có 365 học viên đến từ 49 đoàn của các tỉnh, thành phố là lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ; lãnh đạo các Hội Văn học, nghệ thuật, chuyên ngành ở Trung ương, địa phương; đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí xuất bản khu vực phía Nam và 9 tỉnh phía Bắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Sự ra đời của Kết luận này vừa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, vừa phản ánh sự sôi động, phong phú, mới mẻ nhưng cũng có những phức tạp nhất định, nhất là những tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng... đòi hỏi các cơ quan văn hóa, văn nghệ cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách toàn diện để nâng cao hiệu quả tư vấn...

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề nghị: Thời gian tới, các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, giáo dục - đào tạo, báo chí, xuất bản cần tăng cường việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách có hệ thống, chiều sâu để nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền văn học, nghệ thuật nước nhà những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, Hội nghị lần này không chỉ mang ý nghĩa lớn đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà mà còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu, những người làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, đặc biệt là của tỉnh Bình Định cùng chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm. Qua đó, tiếp tục thúc đẩy văn học, nghệ thuật trở thành một nguồn lực quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam.

Tại Bình Định, đội ngũ sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học trên địa bàn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh hiện có 19 Nghệ sĩ Nhân dân, 57 Nghệ sĩ Ưu tú, 7 Nghệ nhân Nhân dân và 35 Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài ra, địa phương còn có 3 cá nhân đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và 2 cá nhân đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhiều năm qua, Bình Định tập trung đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời kỳ mới. Tỉnh chú trọng đầu tư vào việc bảo tồn và phát huy các di sản văn học, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đặc biệt là văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; quan tâm đến việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể đã được quốc gia và UNESCO công nhận, luôn được địa phương duy trì và triển khai hiệu quả. Nhiều tác giả và tác phẩm có giá trị đã được kịp thời phát hiện và giới thiệu đến công chúng.

Tại Hội nghị, các học viên được nghe các giảng viên, báo cáo viên báo cáo những chuyên đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Văn học nghệ thuật sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: Thành tựu những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển; Văn học, nghệ thuật với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; Văn học, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài với sứ mệnh hàn gắn, kết nối và quảng bá các giá trị văn hóa, văn nghệ Việt Nam; Vai trò của kiến trúc tại Việt Nam với sự phát triển bền vững của đất nước - xu hướng đổi mới và hội nhập hiện nay...

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất