Thứ Sáu, 11/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Bảy, 12/9/2015 9:34'(GMT+7)

Chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Ngày 11/9, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc và Sở Y tế tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo “Vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV".

Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên 1 vạn dân cao nhất cả nước. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS tính đến tháng 8/2015 là 7.600 người; trong đó 111/130 xã, phường của tỉnh có người nhiễm. Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã giảm. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn trước năm 2009 diễn ra rất nặng nề, người nhiễm bị sống cách ly, bị ngược đãi... Từ năm 2009 đến nay, do những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm đáng kể. Người nhiễm HIV/AIDS không còn tự ti, mặc cảm. Họ đã tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và kết hôn, sinh đẻ, ổn định gia đình và sống hòa nhập với cộng đồng. Đa số người nhiễm HIV/AIDS đã chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; trẻ em nhiễm HIV được đến trường học tập. Người nhiễm HIV/AIDS đã được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, vốn vay để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không phải là mới, nhưng đây là vấn đề rất cần quan tâm trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn tồn tại với nhiều mức độ khác nhau ở các môi trường: Trường học, gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền sống, lao động, học tập của người nhiễm HIV. Đây cũng là một trong những rào cản lớn khiến người nhiễm HIV, người nghi nhiễm HIV không tiếp cận được với các biện pháp dự phòng và điều trị.

Nếu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn tiếp tục thì Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm).

Hiện Cục Phòng chống HIV/AIDS đang xây dựng kế hoạch tổng thể trên toàn quốc với mục tiêu chấm dứt sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Cục Phòng chống HIV/AIDS đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm vượt qua mặc cảm. Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS cần có công văn chỉ đạo tăng cường quán triệt chống kỳ thị và phân biệt đối xử cụ thể ở từng địa phương; đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh tuyên truyền đến người nhiễm để hỗ trợ họ khi cần thiết.../.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất