Chủ Nhật, 6/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Năm, 30/7/2015 21:3'(GMT+7)

Chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Ninh Thuận

Khám bệnh cho gia đình chính sách và người nghèo tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). (Ảnh: Trang Nhung/VOV)

Khám bệnh cho gia đình chính sách và người nghèo tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). (Ảnh: Trang Nhung/VOV)

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, củng cố với 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, đội ngũ cán bộ y tế tăng cả về số lượng và chất lượng; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trong nhiều năm liên tục, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra; nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi. Các chỉ số sức khỏe của người dân đã được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên.

Toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị, thành phố có Trung tâm y tế, hầu hết được sửa chữa, nâng cấp và hoạt động nề nếp, có 26 phong xét nghiệm ở các cơ sở y tế công lập; toàn tỉnh có 1.490 cán bộ y tế dự phòng; 100% số trường học đều có nhân viên y tế dự phòng.

Mạng lưới khám, chữa bệnh được sắp xếp, thành lập mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng nâng cao trong việc thăm khám, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Toàn tỉnh có 16 bệnh viện; từ năm 2005 đến nay đã xây mới 16 cơ sở y tế công lập, tỷ lệ giường bệnh cơ sở y tế công lập/10.000 dân đạt hơn 30 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh hơn đạt 99%, tuyến huyện đạt hơn 85%. Trạm y tế ở tuyến xã, kể cả các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi đều có trụ sở khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bước đầu cho nhân dân,, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Hệ thống khám, chữa bệnh Đông y, Hội Đông y các cấp ngày càng được đầu tư phát triển, mở rộng. Bệnh viện Y dược học Cổ truyền của tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động khá ổn định; có 10/10 Hội Đông y cấp huyện, 109/127 hội đông y cấp xã với 1.028 hội viên, 322 cơ sở khám, chữa bệnh bằng Đông y, Tổ chẩn trị Đông y ở các trạm y tế đã duy trì việc trồng, sử dụng cây thuốc nam, thực hiện việc khám, điều trị bằng đông y.

Trang thiết bị y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư khá đồng bộ và mạnh mẽ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động khoa Ung bướu, đây là khoa lâm sàng tiếp nhận điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư mà trước đây phải nằm điều trị ở tuyến trên, đã góp phần giảm khó khăn cho người bệnh.

Từ năm 2014, nhờ được trang bị thêm trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật mới đưa vào phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phẫu thuật cũng như tăng cường kiểm tra và làm sạch môi trường bệnh viện nên tình hình nhiễm khuẩn vết mổ được khống chế. Những kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng đã được triển khai. Đây là những thiết bị kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện bệnh nhanh, chính xác và xử lý kịp thời tại địa phương.

Các bệnh viện khu vực, tuyến huyện còn lại đều được đầu tư trang thiết bị mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Ở tuyến cơ sở, phần lớn trạm y tế đã được trang bị và sử dụng tốt một số máy móc hiện đại trong khám, chữa bệnh cho nhân dân, cơ bản phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế luôn được tỉnh quan tâm, củng cố, kiện toàn và từng bước có phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Bằng nhiều hình thức, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ngành y tế, như cán bộ có trình độ đại học đi tu nghiệp chương trình chuyên môn sau đại học;  liên kết phối hợp với các trường, viện, bệnh viện tuyến trên về đào tạo chương trình nâng cao kiến thức chuyên môn cho thầy thuốc của bệnh viện...

Nguồn nhân lực y tế của tỉnh phát triển nhanh về số lượng, tỷ lệ bác sĩ công lập/vạn dân, từ 5,0 (năm 2010) đã tăng lên 5,18 vào năm 2014, tỷ lệ số dược sĩ trên vạn dân là 0,38; 96/127 trạm y tế cấp xã có bác sĩ, đạt tỷ lệ 75,6%, hầu hết các trạm y tế cấp xã đều có nữ hộ sinh, hoặc y sĩ sản nhi....

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế trên đại bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như một số nơi còn thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nảy sinh trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế không đồng đều, nhất là ở tuyến xã. Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện tỉnh thiếu bác sỹ chuyên khoa, bác sĩ có chuyên môn trình độ cao, bác sĩ, dược sĩ đại học, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, tiến sĩ, chuyên khoa cấp II...

Để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đạt kết quả cao hơn, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh và ngành y tế xác định phải thực hiện có hiệu quả là tập trung thực hiện tốt các giải pháp về tài chính, trong đó duy trì thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tỉnh cũng sẽ quyết tâm tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế, đảm bảo đủ nhân lực có trình độ cho tất cả các tuyến theo quy định; quan tâm xây dựng hệ thống thông tin y tế; xây dựng các chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút bác sĩ cũng như cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nhất là các huyện miền núi, vùng xa, hải đảo…/.

Lê Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất