Chủ Nhật, 8/12/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 14/11/2022 14:31'(GMT+7)

Đảng lãnh đạo thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) kiểm tra chất lượng một công trình xây dựng trên địa bàn

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) kiểm tra chất lượng một công trình xây dựng trên địa bàn

THỰC TRẠNG ĐẢNG LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM “DÂN BIÊT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN KIỂM TRA, DÂN GIÁM SÁT, DÂN THỤ HƯỞNG”

Trong thời gian qua, Đảng lãnh đạo thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã đạt được một số kết quả như sau:

Một là, Đảng đề ra chủ trương, đường lối về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là việc phát huy dân chủ ở cơ sở, đạt kết quả tích cực. Từ Chỉ thị số 53-CT/TW “Về tăng cường công tác quần chúng của Đảng” và đề ra chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đến Đại hội Đảng lần thứ XIII với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã thấy, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò của nhân dân; thể hiện sự quan tâm đặc biệt với chủ trương nhất quán, xuyên suốt các kỳ Đại hội và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế đối với việc xác lập và đảm bảo dân chủ cơ sở, đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Ý thức dân chủ và trình độ làm chủ của nhân dân được nâng lên; các thiết chế dân chủ được hoàn thiện; sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong các hoạt động đời sống xã hội được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước từng bước thể chế hóa Hiến pháp, pháp luật phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển và yêu cầu của đất nước. Chế độ dân chủ đại diện được phát huy; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được nâng cao; cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Dân chủ trực tiếp ở các cấp, dân chủ ở cơ sở được mở rộng, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt được kết quả quan trọng. Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân được chú trọng và đạt nhiều kết quả tốt: một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở; tích cực tham gia xây dựng các quy chế, quy định ở xã, quy ước, hương ước ở thôn, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do hội đồng nhân dân cấp xã bầu.

Có thể thấy, việc thực hiện phương châm đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo to lớn của nhân dân tham gia thảo luận, bàn những công việc của địa phương, đất nước; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, yêu nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, Đảng lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những vướng mắc chính đáng của Nhân dân. Để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đưa việc thực hiện và phát huy dân chủ vào cuộc sống, một trong những vấn đề quan trọng là các cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên phải luôn hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vướng mắc chính đáng của nhân dân thông qua các cuộc tọa đàm, đối thoại với nhân dân. Nhân dân tham gia tọa đàm phát biểu, đóng góp với cấp ủy, chính quyền về việc tổ chức triển khai và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư xây dựng cơ bản, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các cấp ủy luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”(1). Nghe ý kiến Nhân dân phản ánh về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ, những vấn đề mà Nhân dân đề nghị cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh từ cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy tốt trách nhiệm của người dân trong việc tham gia ý kiến xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống nhân dân, góp phần tạo sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ và Nhân dân, tạo lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. 

Ba là, Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để nhân dân phát huy trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh, sức sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người dân, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phong trào thi đua yêu nước đã thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người; góp phần phát triển tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho sự nghiệp cách mạng; khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bồi dưỡng nhân cách; nâng cao tính tích cực xã hội trong mỗi con người. Phổ biến và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong toàn quốc; tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai các nhiệm vụ chính trị, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Là hình thức quan trọng để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; hướng quần chúng hành động để đạt các mục tiêu cách mạng. Nhờ đó, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, mở rộng trên các lĩnh vực ở cơ sở.

Bốn là, Đảng lãnh đạo nhân dân tham gia vào công tác quản lý của Nhà nước. Để quyền làm chủ của nhân dân đi vào thực tế của đời sống xã hội, Đảng đã chỉ rõ, muốn phát huy sức mạnh và sự sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải tạo ra được những thể chế, chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kế thừa tư tưởng truyền thống “lấy dân làm gốc”, Đảng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạotiếp tục ghi nhận những quyền lợi cơ bản chính đáng của công dân bao gồm có quyền được tham hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói riêng. Trên cơ sở đó, nhà nước ta luôn coi trọng việc mở rộng và phát huy không ngừng quyền làm chủ của nhân dân. Điều 3  Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu:“Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…”. Điều này đã được khẳng định tại: 1.Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Thực tế nhân dân có thể tham gia trực tiếp vào cơ quan quyền lực nhà nước: Quốc hội ở Trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương; nhân dân có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động của các cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát, các cơ quan hành chính.

Năm là, Đảng lãnh đạo hoạt động của hệ thống chính trị phục vụ cho lợi ích của nhân dân và dân tộc; nhân dân được thụ hưởng các thành quả của cách mạng. Từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, nhất là quá trình đổi mới đất nước hơn 35 năm qua, Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung nội dung quan trọng và vô cùng ý nghĩa, đó là “Dân thụ hưởng”. Những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều này đã khẳng định Đảng ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối của mình với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp cách mạng.

Sáu là, Đảng lãnh đạo phát huy sức mạnh của nhân dân trong nâng cao tiềm lực và sức mạnh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng luôn quan tâm lãnh đạo việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong nâng cao tiềm lực và sức mạnh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, được đông đảo nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng nên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lồng ghép với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại ở từng địa phương. Xuất phát từ vị trí, vai trò và nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới.

 Xuất phát từ tình hình thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng với quan điểm mở rộng dân chủ, Nhân dân đã thụ hưởng tất cả các thành quả của sự nghiệp cách mạng, đổi mới mang lại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung 2 khâu “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” trong phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã khẳng định vai trò làm chủ, chủ thể nhân dân; mọi chủ trương, chính sách, pháp luật là vì lợi ích của nhân dân.

Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ và thực hiện quy chế dân chủ. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. 

 Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác Đảng lãnh đạo thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” còn tồn tại một số hạn chế như sau:

Một là, việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương châm chưa thực sự thường xuyên. Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chưa được chú trọng. Một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ ở cơ sở chậm được xây dựng và hoàn thiện. Thực hiện phương châm chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương, có tình trạng lợi dụng theo hướng tiêu cực, chống đối, xuyên tạc, gây mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm, tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân nhiều nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc thực hiện ở cơ sở chưa đồng đều ở các khu vực, loại hình cơ sở”. 

Hai là, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu tình hình mới, chưa thật sự sâu sát với cuộc sống của các tầng lớp nhân dân và bám sát cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội chưa đều. Trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở dịch vụ, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập… khó thực hiện

Ba là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng, coi nhẹ ý kiến, kiến nghị của nhân dân, giải quyết chưa kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Bốn là, các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trong đó nhân dân làm chủ - thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được thể chế hóa một cách cụ thể, đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Vai trò của quần chúng nhân dân chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là phát huy các nguồn lực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chất lượng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” còn chưa đồng đều, có nơi có lúc còn hình thức, chưa thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân.

Năm là, cơ chế công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở còn chưa đầy đủ. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn thiếu thực chất. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều hạn chế, vướng mắc; có lúc, có nơi còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Việc nắm tình hình và xử lý các vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời. Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan chức năng còn cao; việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa được như mong muốn; chưa khắc phục được tình trạng chính quyền ở không ít nơi chưa đối thoại với nhân dân...

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân là trung tâm, là chủ thể quyền lực. Mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đều có lực lượng nhân dân, đều vì mục đích phục vụ nhân dân. Vì vậy, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Cần phải tổ chức quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cấp ủy đảng về dân chủ và thực hành dân chủ một cách hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền và thực hiện tốt các văn bản của Trung ương về phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng. Thông qua đó để định hướng và phát huy sức mạnh của dư luận xã hội theo hướng tích cực; nhân dân thấy được sự đúng đắn trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương mà tự giác thực hiện.

Ba là, tiếp tục thể chế hóa phương châm dân chủ của Đảng và các quyền con người quy định trong Hiến pháp. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ” vừa là quyền công dân, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ công dân được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ và quy định. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (sửa đổi) năm 2013 Điều 1 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Mặt khác, Điều 15 Hiến pháp quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”. Đây là căn cứ, cơ sở pháp lý rất cơ bản cần được nhận thức và quán triệt sâu sắc trong giải quyết mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân; mối quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong điều kiện chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tạo điều kiện cho người dân có kiến thức, kỹ năng, thái độ, thói quen trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện quyền và trách nhiệm công dân. Đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế,…Trong bối cảnh đó, chúng ta có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta cần rất nhiều nguồn lực, nhưng nguồn lực to lớn nhất, quan trọng nhất là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, là lòng tin của nhân dân. Chính vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục chú trọng, tạo điều kiện cho nhân dân tích cực, chủ động tìm hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của công dân, góp phần quan trọng vào triển khai dân chủ, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ trong Đảng làm trung tâm, mở rộng dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; nêu cao vai trò, trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên trong thực hành dân chủ và tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trách nhiệm của chính quyền các cấp, thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, cơ sở gắn thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, cơ sở.

Xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm những quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm người đứng đầu có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, cơ sở hoặc có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật. Đồng thời, kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp và quyền làm chủ của nhân dân.

TS. Nguyễn Thị Tố Uyên

ThS. Nguyễn Thị Mai Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.248, 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất