Ngày 9/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng
Bảo an cho phép mở thêm các điểm nhận viện trợ nhân đạo qua biên giới
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ
của Liên hợp quốc tới các khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa động đất tại
Syria.
Phát biểu với báo giới, ông Guterress nêu rõ: "Đây là thời điểm cần
tới sự đoàn kết, không phải là thời điểm để chính trị hóa hay chia rẽ
nhưng rõ ràng là chúng tôi cần sự hỗ trợ to lớn". Ông bày tỏ hy vọng Hội
đồng Bảo an có thể đạt được sự đồng thuận cho phép sử dụng thêm cửa
khẩu biên giới nhằm tăng cường khả năng thực hiện các hoạt động vận
chuyển hàng cứu trợ từ Damascus vào Idlib.
Khoảng 4 triệu người sinh sống ở các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát ở Tây Bắc Syria đang dựa vào viện trợ nhân đạo được vận chuyển qua cửa khẩu Bab al-Hawa duy nhất trong khuôn khổ hoạt
động viện trợ xuyên biên giới được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp
thuận gần một thập kỷ trước.
Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển này đã bị ngừng lại sau khi xảy ra trận động đất mạnh hôm 6/2. Sau những gián đoạn do động đất,
hoạt động vận chuyển hàng viện trợ của Liên hợp quốc qua cửa khẩu Bab
al-Hawa cuối cùng đã được nối lại vào ngày 9/2, khi một đoàn gồm 6 xe
tải của Liên hợp quốc băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng thư ký Guterres cho biết Liên hợp quốc
vào tuần tới sẽ ra lời kêu gọi quyên góp cho những nạn nhân bị ảnh hưởng
trong động đất ở Syria. Ông nhấn mạnh thảm họa động đất tàn phá Thổ Nhĩ
Kỳ và Syria là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong thời
đại hiện nay. Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại cũng như
quy mô khủng hoảng nhân đạo mà động đất gây ra.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh thông báo cân nhắc tới độ lớn của trận
động đất và những khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng ở
miền Tây Bắc Syria, nước này cam kết viện trợ thêm ít nhất 3 triệu bảng
Anh (3,65 triệu USD) hỗ trợ cho công tác tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ khẩn cấp ở Syria.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sẽ triển khai
một bệnh viện dã chiến, đội chăm sóc khẩn cấp trên không và máy bay đến
Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác điều trị khẩn cấp cho những người sống
sót sau trận động đất.
Trong tuần này, Anh đã gửi hàng viện trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm lều,
chăn và 76 nhân viên tìm kiếm, cứu hộ cùng các thiết bị liên quan.
Cùng ngày, đội cứu hộ đến từ Venezuela đã tới sân bay Gaziantep, miền
Nam Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ công tác khắc phục thảm họa. Đội cứu hộ này
gồm các chuyên gia khắc phục hậu quả động đất và chó cứu hộ, sẽ tập
trung hoạt động tại quận Besni, thành phố Adiyaman.
Theo Bộ Nội vụ, Tư pháp và Hòa bình Venezuela, đến nay, hơn 50 chuyên
gia, kỹ thuật viên, bác sĩ, chuyên gia về chăm sóc trong thảm họa, nhận
dạng và tìm kiếm người cùng các thiết bị kỹ thuật liên quan đã được
triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong khi đó, Hy Lạp ngày 9/2 đã gửi hàng nghìn lều, giường và chăn
để giúp đỡ hàng trăm nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ bị mất nhà cửa do động
đất.
Theo Bộ Bảo vệ dân sự Hy Lạp, nước này có kế hoạch cung cấp tổng cộng
80 tấn hàng viện trợ như chăn, giường, lều và vật tư y tế cho Thổ Nhĩ
Kỹ./.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an với Đoàn công tác Bộ Công an đi cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: TTXVN)
* Chiều 9/2, tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức Lễ xuất quân cho Đoàn công tác Bộ Công an đi cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại lễ xuất quân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, xuất phát từ quan
hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, giữa Bộ Công
an Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng,
cũng như góp phần chia sẻ những khó khăn mà nước này đang gặp phải, Bộ
Công an Việt Nam chính thức cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ với mục
đích hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và cung cấp hỗ trợ nhân
đạo, giúp người dân khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống sau thảm
họa động đất.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc tham gia của đội cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam sẽ đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam với nhân
dân Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà
nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,
sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy
trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và
trên thế giới.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên thực
địa, với vai trò đại diện cho quốc gia và lực lượng Công an Việt Nam,
các thành viên của Đoàn công tác nỗ lực, cố gắng, tích cực phối hợp với
các lực lượng khác, không quản ngại khó khăn nguy hiểm và nêu cao tinh
thần đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau, phát huy bản lĩnh,
phẩm chất người chiến sỹ Công an cách mạng.
Phát biểu tại Lễ xuất quân, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci chia sẻ Thổ Nhĩ Kỳ là
đất nước xinh đẹp nhưng nằm trên khu vực giao thoa của 3 vùng địa chất,
thường xuyên xảy ra động đất. Nhưng trận động đất vừa qua có sức tàn phá
nặng nề, lớn nhất kể từ năm 1939; con số thương vong hàng nghìn người
và có thể tăng trong những ngày tới.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
"Ngay từ ngày 6/2, khi trận động đất xảy ra, chúng tôi đã nhận được
thông tin từ Bộ Công an Việt Nam muốn trợ giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ", Đại sứ
Haldun Tekneci cho biết. Dù tình trạng khu vực xảy ra động đất đang rất
nhiều khó khăn nhưng Bộ Công an đã cử những cán bộ, chiến sỹ tinh nhuệ
sang hỗ trợ.
"Một điều rất quan trọng là tính mạng của con người, chúng tôi đánh
giá cao, trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an, các bộ, ngành
của Việt Nam và từng thành viên trong đội cứu hộ sang tham gia trợ giúp
chúng tôi", Ngài Đại sứ nhấn mạnh.
Thay mặt các thành viên trong đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Minh
Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ, Bộ Công an, Trưởng đoàn công tác, bày tỏ lòng tự hào khi được
lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ quốc tế tìm
kiếm, cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trong vụ thảm họa động đất tại Thổ
Nhĩ Kỳ vừa qua.
Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cũng là lần đầu tiên
tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Đoàn công tác sẽ nêu cao tinh thần
tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó
khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho
các thành viên trong Đoàn trong suốt quá trình tổ chức công tác tìm
kiếm, cứu nạn.
Đồng thời giữ đúng lễ tiết, tác phong của người Công an Nhân dân Việt
Nam, để xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế; phối hợp
cùng các lực lượng chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quốc tế khác
để tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ một cách bài bản,
chặt chẽ, thể hiện được vai trò, vị thế của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn,
cứu hộ Việt Nam, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói
chung và của Bộ Công an trong công tác hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn,
cứu hộ, ứng phó thảm họa quốc tế.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại nước bạn, Đoàn công
tác sẽ kịp thời báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện các
nhiệm vụ được giao với lãnh đạo Bộ Công an./.
TTXVN