Thứ Sáu, 11/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Hai, 21/9/2015 10:51'(GMT+7)

Hải Dương: Tìm giải pháp để phát triển nguồn dược liệu

Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Trực, Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Hải Dương, nguồn dược liệu tại tỉnh hiện rất ít, các vườn thuốc nam bị mai một dần, hiện chỉ còn những vườn thuốc mẫu. Vì vậy, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập. Thực tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương cho thấy, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 4.000 lượt bệnh nhân nội trú, thường xuyên bị quá tải. Có thời điểm lên đến 390 bệnh nhân nội trú, trong khi bệnh viện chỉ có quy mô 200 giường bệnh. Một trong những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải là nguồn dược liệu chưa thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh. Mỗi năm bệnh viện phải sử dụng khoảng 25 tấn thuốc, chủ yếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hải Dương, Hải Dương là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây dược liệu phát triển. Tuy nhiên, hiện nay gặp một số khó khăn như việc nuôi trồng dược liệu còn manh mún, tự phát. Bên cạnh đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều loại dược liệu quý bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng.

Từ năm 2013, Sở Y tế Hải Dương đã xây dựng Dự án để trình Bộ Y tế. Dự án đã quy hoạch việc bảo tồn và phát triển cây thuốc được Sở Y tế Hải Dương xác định: Giai đoạn 1, từ năm 2013 đến 2015 điều tra xây dựng một số mô hình điểm về bảo tồn và phát triển cây thuốc tại địa phương; Giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2020 sẽ nhân rộng các mô hình đó để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Dự án cũng đã chỉ ra nhiều nhóm giải pháp cần thiết để bảo tồn và phát triển cây thuốc tại địa phương như nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu, giải pháp về tài chính, giải pháp về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Sở Y tế cũng cho rằng nếu triển khai tốt, dự án sẽ có hiệu quả nhiều mặt. Đối với kinh tế nông nghiệp, dự án sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Còn đối với công nghiệp dược, hạn chế được việc nhập khẩu dược liệu góp phần hạ giá thành sản phẩm thuốc; đồng thời cũng sẽ góp phần gìn giữ các gen dược liệu quý. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được duyệt để triển khai.

Cuối năm 2014, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 108-KH/TU thực hiện kết luận số 154 của Ban Bí thư về 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới. Theo đó, Hải Dương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện 25% và tuyến xã đạt 40%.

Để thực hiện được điều đó, bên cạnh các công tác đầu tư về trang thiết bị khám chữa bệnh, nâng cao trình độ đội ngũ y bác sĩ… một vấn đề quan trọng đặt ra đối với Hải Dương hiện nay là cần quan tâm phát triển nguồn dược liệu. Tại một Hội nghị mới đây về tăng cường khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền giữa Sở Y tế Hải Dương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương và Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Anh Quốc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Dương cho rằng, để kế thừa và phát huy vốn y học cổ truyền của địa phương, cần quy hoạch vùng trồng cây dược liệu của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Quang Phái, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Hải Dương từ lâu đã có vùng Dược Sơn thuộc thị xã Chí Linh được biết đến là một kho dược liệu từ đời nhà Trần, chuyên trồng cây thuốc để chữa bệnh cho quân và dân. Theo thời gian, vườn thuốc này đã mai một. “Việc cần làm hiện nay là phải đánh giá trữ lượng cây thuốc ở khu vực này, khảo sát lại xem còn những cây thuốc gì, những cây thuốc gì đã mất”, ông Phái nói. Hiện nay, Hội Đông y đang xây dựng đề án đề xuất triển khai việc khảo sát, đánh giá về nguồn dược liệu của tỉnh, đặc biệt là vùng núi thuốc ở Chí Linh trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, trên cơ sở đó mới có thể xác định được cây thuốc thế mạnh của Hải Dương và từ đó có kế hoạch phục hồi nguồn dược liệu này.

Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hải Dương, đối với nghề đông y, muốn nâng cao chất lượng chữa bệnh thì bên cạnh việc bác sĩ có trình độ, cần có cây thuốc bảo đảm chất lượng. Nếu tự chủ được nguồn dược liệu, không còn lệ thuộc vào dược liệu nhập khẩu, thì chất lượng cây thuốc sẽ được đảm bảo hơn, không những hiệu quả chữa bệnh cao hơn mà còn phát huy được nghề thuốc Nam theo phương châm “Nam dược trị Nam nhân”. “Hội đang gấp rút hoàn thành đề án để có thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 10/2015”, ông Phái cho biết./.

Mạnh Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất