Chủ Nhật, 13/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 19/5/2024 13:20'(GMT+7)

Khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc

Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân lễ khánh thành.

Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và đông đảo nhân dân thành phố Phú Quốc.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ là sự kiện có nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng. Công trình nhằm tôn vinh Bác Hồ kính yêu và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc theo nguyện vọng, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc. Kiên Giang xác định công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử sâu sắc, đặc biệt là nơi tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được xây dựng tại phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc với quy mô 7,45 héc-ta. Tượng đài Bác Hồ cao 20,7m; trong đó, tượng Bác chất liệu hợp kim đồng cao 18m, đế tượng chất liệu hợp kim đồng cao 0,3m, bệ tượng chất liệu đá tự nhiên cao 2,4m. Tượng Bác đặt tay phải lên ngực trái thể hiện ý nghĩa “Miền Nam trong trái tim tôi”.

Tượng Bác và đế tượng đúc bằng chất liệu hợp kim đồng, được chế tác tại làng đúc đồng truyền thống của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tượng thể hiện thần thái của một vị lãnh tụ dân tộc, khỏe mạnh, đầy sức sống, chân dung đẹp, gương mặt biểu hiện nét suy tư tình cảm luôn hướng về miền Nam. Chiều cao của tượng hòa hợp với không gian biển đảo rộng lớn của Phú Quốc. Bệ tượng không quá cao để tạo khoảng cách gần gũi khách đến tham quan.

Phía sau lưng Tượng đài Bác Hồ là dãy phù điêu gồm 484 tấm đá ghép thành. Phù điêu gồm 2 mặt: Mặt trước là hình ảnh danh lam thắng cảnh, địa danh tiêu biểu từ vĩ tuyết 17 trở vào Nam gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Mặt sau là danh lam thắng cảnh, địa danh tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh) đến đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc.

Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 phần nội dung: Câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tình cảm thiêng liêng sâu nặng của Bác với đồng bào, chiến sĩ miền Nam và sự quan tâm của Người trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Kiên Giang và thành phố Phú Quốc là xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên về chính sách, nguồn lực, đặc biệt là về phát triển những dự án, công trình có tính chiến lược, tiêu biểu mang ý nghĩa chính trị, văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Chân dung Bác Hồ uy nghiêm giữa biển trời Phú Quốc với muôn vàn tình yêu dành cho miền Nam, cùng những phong cảnh tiêu biểu của biển đảo Việt Nam được khắc tạc sinh động trong bức phù điêu sẽ là điểm đến đặc biệt cho tất cả du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm ngưỡng, thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng và mong rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc sẽ luôn tự hào, trân quý, quan tâm giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị của công trình thật tốt, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Kiên Giang cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhu cầu văn hóa tinh thần, nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, tỉnh cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng, phát huy nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa điều mong muốn cuối cùng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Sau lễ cắt băng khánh thành Tượng đài Bác Hồ, các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, tham quan Nhà trưng bày, viết lưu niệm và trồng cây trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất