Thứ Hai, 14/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Ba, 28/7/2015 14:11'(GMT+7)

Kon Tum: Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh

Chi đoàn Thanh niên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kon Tum khám chữa bệnh tại cộng đồng. (Ảnh: Lưu Đình An)

Chi đoàn Thanh niên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kon Tum khám chữa bệnh tại cộng đồng. (Ảnh: Lưu Đình An)

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của các ban ngành, bằng chính nội lực và sự phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành y tế, chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ngày càng được nâng lên, đạt được những thành tích quan trọng.

Trong những kết quả đạt được, công tác khám chữa bệnh đã gặt hái được nhiều thành tựu, từ y tế tuyến tỉnh đến tuyến xã, từng bước đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong khám bệnh, chữa bệnh.

Từ một bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Gia Lai-Kon Tum trở thành một bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô hiện nay là 480 giường bệnh với số lượng các khoa phòng theo yêu cầu của bệnh viện hạng II, thành lập mới Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi (2008) với quy mô hiện nay là 170 giường bệnh, thành lập mới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (2012) với quy mô 50 giường bệnh...

Hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 02 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 07 bệnh viện đa khoa huyện (Trung tâm y tế huyện-TTYT), 14 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) và 102 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (chưa tính đến các cơ sở như Bệnh xá Đăk Kia, các đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh, các cơ sở khám chữa bệnh khác). Toàn tỉnh có 1820 giường bệnh, trong đó tuyến tỉnh 780 giường bệnh, bệnh viện huyện 430 giường, phòng khám đa khoa khu vực 170 giường bệnh và Trạm y tế 440 giường bệnh, tỷ lệ giường bệnh 27,9 giường bệnh/10.000 dân (không kể giường bệnh ở Trạm Y tế). Nhân lực của hệ khám chữa bệnh là 1.696 người, tuyến tỉnh 637 người (152 bác sĩ, trong đó Chuyên khoa cấp II: 5, Chuyên khoa cấp I và Thạc sĩ: 67), tuyến huyện 522 người (114 bác sĩ, trong đó chuyên khoa cấp I: 31), tuyến xã 537 người (93 bác sĩ).

Các cơ sở khám chữa bệnh đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh, đã chú trọng tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, đào tạo nâng cấp (cử nhân điều dưỡng, định hướng chuyên khoa, chuyên khoa cấp I, II) theo yêu cầu của nâng cao chất lượng bệnh viện, đào tạo bồi dưỡng theo ê-kíp chuyên môn nhất là trong lĩnh vực ngoại, sản, hồi sức cấp cứu; các hình thức đào tạo thông qua thực hiện đề án 1816 và chuyển giao các gói dịch vụ kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa tuyến trên (bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh…), bệnh viện vệ tinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế về lĩnh vực Ngoại chấn thương và Ung bướu); Thông qua công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện đề án 1816 từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến huyện đến tuyến xã,…

Tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh từng bước được cải thiện và nâng cao có chiều sâu, khắc phục các tồn tại, yếu kém. Việc thực hiện các quy chế chuyên môn được chú trọng, kỹ cương của cơ sở khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, công tác dược, trang thiết bị y tế trong bệnh viện không ngừng củng cố và hoàn thiện,…

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của tỉnh và trung ương, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đã tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh nhất là tại các bệnh viện. Các dự án nâng cấp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa tỉnh, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi, xây mới và đầu tư trang thiết bị các bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế,…đã đem lại những điều kiện quan trọng, cơ bản đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh được tốt hơn.

Do vậy, thời gian qua công tác khám chữa bệnh của tỉnh có sự khởi sắc, phát triển và đạt được nhiều thành công, nâng cao dần chất lượng chẩn đoán, điều trị, tăng tính hấp dẫn đối với các đối tượng khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở: ngày càng nhiều kỹ thuật mới được triển khai lần đầu, các dịch vụ kỹ thuật cao, các kỹ thuật của bệnh viện tuyến trung ương được triển khai tại tỉnh, phát triển đồng bộ các kỹ thuật y học hiện đại và y học cổ truyền, tăng cường và nâng cao chất lượng các kỹ thuật cận lâm sàng,… đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân khi bị ốm đau, bệnh tật. Các đơn vị đi đầu trong phát triển kỹ thuật y tế là Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Công suất sử dụng giường bệnh đạt cao ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa (TTYT) huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Tô. Một số phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế hoạt động có hiệu quả như: PKĐKKV Đăk Môn (Đăk Glei), PKĐKKV Đăk H’ring, Trạm Y tế xã Đăk La (Đăk Hà),…

Sự đáp ứng tốt các dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh đối với sức khỏe người dân được khẳng định bởi sự tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả mà các dịch vụ y tế này mang đến cho người bệnh với niềm mong đợi, đây cũng chính là điều kiện quan trọng để tăng cường chất lượng bệnh viện, là yếu tố “sống còn” của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, hệ thống khám chữa bệnh của tỉnh vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức, với những mặt tồn tại, yếu kém cần phải vượt qua để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về dịch vụ y tế, để làm tăng sức hấp dẫn đối với người dân khi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chất lượng bệnh viện và chăm sóc y tế luôn là vấn đề được cả xã hội đặc biệt quan tâm:

Trình độ nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế: trình độ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân chưa cao nhất là ở tuyến cơ sở; thiếu bác sỹ có trình độ chuyên môn tốt, chuyên môn sâu; chưa triển khai đầy đủ được các chuyên khoa theo phân hạng bệnh viện; trình độ quản lý điều hành của một bộ phận cán bộ quản lý bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập, hạn chế,… Quản lý điều hành ở một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu tính khoa học, chưa chủ động để đảm bảo cho sự phát triển;

Mặt bằng chung về trình độ chuyên môn kỹ thuật còn nhiều hạn chế; các kỹ thuật y tế triển khai theo phân tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh với số lượng chưa đạt và chất lượng chưa cao, còn rất nhiều cơ sở chưa thực hiện được 50% số lượng các kỹ thuật theo phân tuyến. Công suất sử dụng giường bệnh tại một số đơn vị đạt thấp như bệnh viện đa khoa huyện Tu Mơ Rông, Kon Plong, Kon Rẫy. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh còn hạn chế (đã thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, một phần tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, Bệnh viện đa khoa huyện Sa Thầy);

Cơ sở vật chất đầu tư chưa mang tính đồng bộ, thiếu tính quy hoạch phù hợp với phát triển quy mô giường bệnh, ngay cả Bệnh viện đa khoa tỉnh (cơ sở nhà cửa được xây dựng qua nhiều thời kỳ, một số tòa nhà xuống cấp, một số xây mới, chưa phù hợp với công năng sử dụng ngày càng cao của bệnh viện), bệnh viện đa khoa huyện Đăk Glei, nhiều trạm y tế xuống cấp nặng,… Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi với cơ sở chật hẹp, một số khoa phải sử dụng hành lang để bố trí giường bệnh, phòng chuyên môn,…;

Thủ tục hành chính về khám chữa bệnh một vài nơi, một vài lúc còn gây phiền hà cho người bệnh; tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt,… Đời sống của cán bộ y tế còn gặp nhiều khó khăn;

Qua kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2014 theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được Bộ Y tế ban hành (tiêu chuẩn đòi hỏi cao, gồm có 5 mức độ - mức cao nhất là 5 điểm), mức điểm trung bình chung của 11 cơ sở khám chữa bệnh (04 bệnh viện tuyến tỉnh, 07 bệnh viện huyện) là 2,18; cao nhất là Bệnh viện đa khoa tỉnh 3,01 điểm, 8 bệnh viện xếp loại trung bình và 03/11 cơ sở xếp loại yếu.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện giao thông thuận lợi, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, sự thay đổi trong mô hình bệnh tật,… đòi hỏi công tác khám chữa bệnh phải có những đổi mới, “lột xác” về cả hình thức và nội dung, về cả số lượng và chất lượng. Nâng cao chất lượng từ con người, đồng thời có quy trình hợp lý để từng bước nâng cao chất lượng cơ sở khám chữa bệnh nhằm thu hút người bệnh không phải thực hiện được ngay, nhưng càng không được chậm trễ trong thời đại hiện nay. Các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tỉnh phải được triển khai đồng bộ và hiệu quả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và quản lý điều hành:

Một là: Tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ và sâu sắc các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực y tế cho toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động các cơ sở khám chữa bệnh, chú trọng trong lĩnh vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hai là: Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, viên chức trong thực thi trách nhiệm, chức trách, tăng cường thực hiện tốt quy tắc ứng xử, gắn liền với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong từng việc làm cụ thể vì người bệnh và vì sự phát triển của cơ sở khám chữa bệnh, gắn liền chặt chẽ với nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý điều hành ở mỗi vị trí công tác. Triển khai “đường dây nóng” một cách có hiệu quả, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc; xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm và động viên, khen thưởng, nêu gương kịp thời các cán bộ tận tâm với nghề.

Chủ động thực hiện tốt công tác tổ chức và đào tạo trình độ nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển trong hệ thống khám chữa bệnh. Nâng cao trình độ quản lý điều hành của cán bộ quản lý lãnh đạo bệnh viện.

Ba là: Tích cực, chủ động việc triển khai các kỹ thuật dịch vụ y tế theo phân tuyến, khắc phục các khó khăn và hạn chế để phấn đấu triển khai ngày càng nhiều hơn các dịch vụ kỹ thuật và với chất lượng ngày càng tốt hơn tại từng cơ sở khám chữa bệnh, tập trung phát triển các kỹ thuật phổ cập, lựa chọn các mũi nhọn, các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao phù hợp. Triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới vào khám, chữa bệnh; phát triển kỹ thuật và phát triển bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thông qua việc đẩy mạnh thực hiện đề án 1816, chuyển giao gói dịch vụ và bệnh viện vệ tinh; phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực y học hiện đại, y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ tại từng tuyến lấy người bệnh làm trung tâm.

Bốn là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành công tác khám chữa bệnh, cải tiến và tổ chức tốt quy trình khám chữa bệnh đảm bảo tính thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ ngày từ khâu tiếp đón; tăng cường chất lượng quản lý và triển khai công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; quan tâm công tác chăm sóc người bệnh, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn; sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm; tăng cường nghiên cứu khoa học; đổi mới quản lý tài chính bệnh viện theo hướng đi đúng đắn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác khám chữa bệnh.

Năm là: Sự quan tâm của tỉnh và trung ương thông qua các dự án đầu tư nâng cấp để tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tiên tiến và hiện đại tại các bệnh viện tuyến tỉnh và phù hợp tại bệnh viện tuyến huyện, PKĐKKV, trạm y tế: đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh từ 400 lên 500 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi từ 100 lên 250 giường bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền từ 50 lên 100 giương bệnh, nâng cấp bệnh viện huyện Đăk Glei, đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện đa khoa huyện, đầu tư cơ sở vật chất của các trạm y tế,…đảm bảo các điều kiện quan trọng trong nâng cao chất lượng bệnh viện, cơ sở y tế.

Sáu là:
Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phải xác định việc bảo đảm và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động và phát triển và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và ổn định. Cần phải xây dựng kế hoạch, chương trình cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; có các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; giải quyết tốt các sự cố y khoa; xác định những vấn đề ưu tiên trong cải tiến chất lượng phù hợp với thực tế từng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,…

Nâng dần chất lượng của bệnh viện, phấn đấu đến năm 2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt hạng I, Bệnh viện Y học cổ truyền  và Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi đạt hạng II, Bệnh viện Phục hồi chức năng và nhiều bệnh viện đa khoa huyện thực hiện đầy đủ các kỹ thuật theo bệnh viện hạng 3, chuẩn bị tiền đề cho nâng lên hạng II./.

BS. Trần Ái

Phó giám đốc Sở Y tế Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất