Thứ Bảy, 7/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 13/3/2023 15:17'(GMT+7)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): cập nhật thực tiễn, tháo gỡ điểm nghẽn

Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Các quy định của Luật đều lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đa dạng hóa các loại hình khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với các nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Đáng chú ý, điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Việc thay đổi này mang đến các lợi ích: tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn; tối ưu hóa việc đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch, tránh dàn trải, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chuyên môn. Cụ thể là những kỹ thuật cơ bản, mang tính phổ biến được cung ứng dịch vụ ngay tại cấp cơ bản và cấp ban đầu. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế sẽ từng bước chuẩn hóa chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở. Bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo đó việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn, không lệ thuộc vào cấp hành chính.

Luật cũng quy định phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.

Luật cũng cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Những quy định mới này không làm xáo trộn hệ thống khám bệnh, chữa bệnh hiện hành và có thể áp dụng ngay sau khi Luật được ban hành do vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 4 cấp hành chính gồm: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. 

Luật đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện như: nhiều bệnh viện hạng 2 (chủ yếu tuyến huyện) đã thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật của tuyến tỉnh; hoặc một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của tuyến trung ương ... nhưng không được nâng hạng hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên...

Xiết lại cấp giấy phép hành nghề 

Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề thông qua việc: (1) Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề trừ Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền; (2) Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề; (3) Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp là một trong những quy định mới so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 với mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn. Để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề nhằm duy trì và không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế của người hành nghề.

Để hạn chế gây xáo trộn hoạt động của người hành nghề hiện nay, Luật đã quy định lộ trình đối với việc gia hạn Giấy phép hành nghề. Bên cạnh đó, trong thời gian kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn đến ngày hết hạn ghi trên giấy phép hành nghề, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thực hiện việc gia hạn hoặc nếu không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không thực hiện việc gia hạn; Trường hợp đến ngày hết hạn ghi trên giấy phép hành nghề mà không có văn bản trả lời thì giấy phép hành nghề tiếp tục có hiệu lực là 5 năm.

 Điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Tự chủ, tính đúng tính đủ là chìa khóa nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó Luật khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao" đồng thời cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ trong quyết định nội dung chi, đặc biệt là trong quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Riêng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

 Việc bệnh viện được tự chủ nhân lực và giá dịch vụ theo yêu cầu là một nội dung quan trọng tạo điều kiện cho các cơ sở KBCB công lập tăng thêm quyền để tạo ra các dịch vụ có chất lượng cao hơn, đáp ứng hài lòng của người bệnh với mức chi phí phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở KBCB phát triển và có cơ hội mở rộng thêm dịch vụ gia tăng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Đây cũng là giải pháp để tăng thu hút nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho các cơ sở y tế công lập.

Luật bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế. Những quy định đầy đủ, chặt chẽ, xác định các nguyên tắc trong xã hội hóa như nguyên tắc bảo đảm công bằng, hiệu quả phát triển, công khai minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng. Trước đây, do vướng quy định về xã hội hóa, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã xin rút tự chủ sau gần 3 năm thực hiện. Với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các bệnh viện có thể hoàn toàn chủ động thuê, mua, liên doanh kiên kết các trang thiết bị quan trọng đang thiếu như chẩn đoán hình ảnh, thiết bị chuyên ngành ung bướu và y học hạt nhân.

Luật cũng quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm nguyên tắc: Bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh phù hợp; Hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh; Rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cần thiết. 

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Luật đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: sử dụng yếu tố phân hạng bệnh viện là căn cứ để xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến cao hơn thực hiện kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn nên chỉ được hưởng mức giá thấp. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế được xem là chìa khóa để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện.

Luật bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành và công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bên cạnh việc bổ sung quy định đánh giá chất lượng bắt buộc, Luật vẫn giữ nguyên quy định khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế.

Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

Với những điều chỉnh, bổ sung mới, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cập nhật phù hợp thực tiễn và tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho các cơ sở y tế, là hành lang pháp lý quan trọng để cả hệ thống y tế hoạt động, phục vụ người bệnh tốt nhất trong thời gian tới.

Trước khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực (từ 1/1/2024), Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết 30 sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị quyết 144 về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Những Nghị định này từng bước tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, giúp các cơ sở y tế nhanh chóng có được vật tư, thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân./.

Thảo Nguyên 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất