(TG) - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để giúp cho người lao động nông thôn hiểu, nắm được các chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, việc làm, chủ động tham gia học nghề để có nghề, có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống có vai trò quan trọng đối với kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
1. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và Quyết định 1956-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp cơ sở đóng vai trò quyết định trong việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Công tác tuyên truyền, tư vấn có nhiều chuyển biến tích cực, giúp cho người lao động nông thôn hiểu, nắm được các chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, việc làm, chủ động tham gia học nghề để có nghề, có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống có vai trò quan trọng đối với kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, chiến lược, kế hoạch triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và thực tiễn các vùng, miền để xác định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình phù hợp.
Trong quá trình thực hiện cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn với tạo việc làm, ứng dụng công nghệ mới; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn ở địa phương trong việc hướng dẫn triển khai, bố trí nguồn lực, tránh chồng chéo; công tác phối hợp phải được thực hiện thực hiện đồng bộ, kịp thời giữa các cơ quan liên quan.
|
Một tiết học nghề may ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa.
Đồng thời, việc lựa chọn được các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của vùng, địa phương và người dân, phát huy hiệu quả sản xuất, đáp ứng quy hoạch mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong tiền đề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
2. Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022 (giảm 1,2% so với dự báo tháng 01/2022); sự phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, gia tăng bất bình đẳng (Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO); tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi thế giới việc làm, thị trường lao động. Việc đào tạo lại và đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho hàng triệu công nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tự động hóa của cả lĩnh vực công và tư là hết sức cần thiết.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra nhanh, sâu rộng. Đến hết năm 2020, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương và đang đàm phán 2 hiệp định khác. Trong đó, có các hiệp định thế hệ mới như hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các hiệp định thế hệ mới không chỉ điều chỉnh về thuế quan, các biện pháp phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) mà còn đề cập đến các vấn đề như sở hữu trí tuệ, năng lực của người sản xuất, nguồn gốc suất xứ sản phẩm, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đây là các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức sản xuất và thương mại nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, đòi hỏi người sản xuất phải có thêm những hiểu biết, kỹ năng mới. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu phải đào tạo để chuyển đổi sản xuất cho một bộ phận người lao động bị mất ruộng đất chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, đồng thời phải đào tạo để người nông dân với diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp phải ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, điều này đặt ra yêu cầu vừa phải mở rộng quy mô đào tạo, vừa phải tập trung nâng cao chât lượng đào tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới chuyển dịch sản xuất theo hướng từ nền kinh tế năng suất thấp sang nền kinh tế năng suất cao; tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu của các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp cũng như đóng góp của mỗi ngành trong tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của nước ta thời gian tới.
Quá trình cơ giới hóa nông nghiệp dưới tác động của công nghệ 4.0 cũng có sự phát triển mới, hiệu quả sử dụng máy móc sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng phổ biến. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng đang và sẽ tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất để giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu và thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh mới. Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu cũng đặt ra yêu cầu phải đào tạo chuyển đổi cho một bộ phận người dân làm nông nghiệp sang các lĩnh vực khác.
Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh và chuyển sang giai đoạn mới với sự hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có quản trị và chương trình OCOP được mở rộng liên tục. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có thể chiếm 5-10% diện tích, chiếm 1/3 sản lượng nông nghiệp; quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp gắn với cơ giới hóa, tin học hóa, xu thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sản xuất theo quản trị chất lượng; phát triển du lịch nông nghiệp được thúc đẩy ở các địa phương; dịch vụ kinh doanh nông nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam còn thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn thấp chưa bằng ½ so với khu vực thành thị (17,8% so với 40,7% ở khu vực thành thị) điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng lao động khu vực nông thôn và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, tình hình lao động bị mất việc làm gia tăng, áp lực di cư lao động từ các thành phố lớn, các khu công nghiệp.
Đến quý II năm 2022, cả nước vẫn còn hơn 8,0 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015-2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.
|
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.
3. Một số khuyến nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Các cấp ủy và chính quyền chỉ đạo các tổ chức chính trị- xã hội cần quán triệt hơn nữa về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo và quản lý, thực hiện nghiêm túc các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành sơ kết, tổng kết các đề án đã được giao. Các tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện đi đầu trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, cấp ủy và chính quyền các cấp căn cứ vào việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đánh giá kết quả công tác và thành tích của địa phương, đơn vị, cá nhân.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; về đào tạo nghề nghiệp, phát triển nhân lực - một trong những giải pháp đột phá thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cũng là giải pháp quan trọng, nền tảng để thực hiện phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện xây dựng nông thôn mới bền vững. Các cấp ủy Đảng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức học tập việc thực hiện Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Triển khai tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng, biên soạn tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ của các hội đoàn thể. Tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sản xuất, doanh; tạo cơ hội để mọi người lao động, nhất là các đối tượng chính sách đều có cơ hội và điều kiện được học để có nghề, có việc làm và được tiếp tục học lên các trình độ cao hơn.
Tiếp tục đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các Bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc để quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, các nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề; thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện công tác hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động của nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và nội dung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Trọng tâm là gắn đào tạo với việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng việc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, gắn với đặt hàng đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông thôn./.
Hoàng Văn Năm