Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 14/11/2022 15:55'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức chính trị cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai

CNLĐ đã quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện chính trị, những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động do Công đoàn tổ chức...

CNLĐ đã quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện chính trị, những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động do Công đoàn tổ chức...

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC NÂNG CAO NHẬN THỨC CHÍNH TRỊ CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG Ở ĐỒNG NAI

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (khóa VIII) đã xây dựng Kế hoạch số 84-KH/TU, ngày 15/10/2008 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Năm 2009, tỉnh đã xây dựng Đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho công nhân lao động (CNLĐ) và cán bộ công đoàn các cấp. Ban Chủ nhiệm Đề án tỉnh đã bên soạn và phát hành tài liệu sổ tay dạng hỏi - đáp về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và pháp luật (Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…). Đồng thời, ghi đĩa CD hỏi - đáp “Một số hiểu biết về chính trị và pháp luật cho CNLĐ” dùng để phát trên hệ thống phát thanh nội bộ của doanh nghiệp và phát trên hệ thống Đài phát thanh của xã, phường, thị trấn nơi có đông CNLĐ ở trọ. Đồng thời, cũng đánh giá kết quả nhận thức của CNLĐ qua bài kiểm tra trắc nghiệm sau mỗi buổi học thông qua các bài kiểm tra trắc nghiệm.

Với sự phối hợp và triển khai đồng bộ, từ năm 2009 đến năm 2016, Ban Chủ nhiệm Đề án tỉnh đã cung cấp 465.579 cuốn tài liệu và 758 đĩa CD hỏi - đáp “Một số hiểu biết cơ bản về chính trị, pháp luật cho công nhân lao động”, 465.579 bài kiểm tra trắc nghiệm và 10.985 hướng dẫn bổ sung đối với việc sử dụng tài liệu. Các đơn vị trong toàn tỉnh đã triển khai cho 465.579 công nhân lao động và cán bộ công đoàn cơ sở. Số bài kiểm tra trắc nghiệm làm đúng từ 50% câu hỏi trở lên chiếm tỷ lệ cao (99,04%), trong đó số bài làm đúng từ 85% câu hỏi trở lên chiếm tỷ lệ trên 65%. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng việc đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh đã đào tạo và cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho hơn 1.000 cán bộ công đoàn cơ sở. Sau khi tốt nghiệp, nhận thức chính trị, năng lực của các cán bộ công đoàn được nâng lên, nhiều cán bộ công đoàn đã được sắp xếp, bố trí các chức vụ quản lý cao hơn trong doanh nghiệp.

Về phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 181 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 4.256 đảng viên đạt tỷ lệ 4,9% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ; 1.606 tổ chức tổ chức công đoàn cơ sở với 620.302 đoàn viên và 656.038 lao động; 217 tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước và khu vực nhà trọ với 6.944 đoàn viên; 201 tổ chức Hội với 4.171 hội viên; 6 Chi hội phụ nữ với 293 thành viên và 201 tổ phụ nữ với 4.588 thành viên trong khu vực nhà trọ.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và chính phủ nhất định thi hành được tốt”, thời gian qua, các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã phát huy tốt vai trò là những hạt nhân chính trị của Đảng trong các doanh nghiệp, các đảng viên đều phát huy được vai trò, vị trí tiên phong gương mẫu đi đầu các mặt công tác trong doanh nghiệp, một số đảng viên đã được bố trí vào công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp. Các chi bộ, tổ chức công đoàn đã làm tốt công tác tập hợp, giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ CNLĐ, thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng, phối hợp với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần hạn chế những tranh chấp hợp đồng lao động, đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp, thực sự trở thành điểm tựa cho người lao động.

Trong 8 năm qua (2013-2021), toàn tỉnh đã tổ chức gần 10.000 hội nghị học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Công đoàn cho hơn 4,2 triệu lượt CNLĐ, hơn 8.000 buổi tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho 2.970.862 lượt CNLĐ; 5.472 lớp học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho 2.414.409 lượt CNLĐ. Qua đó, hiểu biết, nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, về vị trí, vai trò của giai cấp mình đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của CNLĐ đã được nâng lên. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Nhận thức của CNLĐ trên địa bàn tỉnh về các tổ chức cũng như vai trò, vị trí của các tổ chức trong hệ thống chính trị đã được nâng lên, nhất là về Đảng, Nhà nước, Công đoàn... CNLĐ trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò lãnh đạo, mục tiêu, hoạt động của Đảng và đã tích cực phấn đấu, lao động, học tập, rèn luyện để trở thành đảng viên. Từ năm 2013-2021, đã có 12.950 CNLĐ ưu tú trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được kết nạp vào Đảng, đây chính là những con số thể hiện sinh động nhất sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao về ý thức giai cấp, nhận thức chính trị của CNLĐ ở Đồng Nai.

Nhận thức về sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước; niềm tin vào sự phát triển của đất nước trong CNLĐ đã được nâng lên. CNLĐ đã quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện chính trị, những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động do Công đoàn tổ chức; có ý thức lao động, học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

CNLĐ ở Đồng Nai đã hiểu được những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của mình với vai trò là người công dân cũng như người lao động trong doanh nghiệp. Ý thức chấp hành pháp luật cũng như nội quy của doanh nghiệp được nâng lên, số vụ tranh chấp lao động, đình công trong toàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Số lượng CNLĐ tham gia tổ chức Công đoàn đạt 94,09/% tỉ lệ tập hợp. Đồng thời, đã có gần 4.000 CNLĐ tham gia vào hệ thống Công đoàn với vai trò là báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp trên cơ sở và cơ sở. Đây chính là lực lượng quan trọng, thường xuyên và trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động CNLĐ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm các nội quy, quy định của doanh nghiệp và tích cực trong lao động và sản xuất.

Trên cơ sở những hiểu biết về quy định của pháp luật, của Bộ Luật lao động và các luật khác có liên quan thông qua các buổi học tập, tuyên truyền, CNLĐ ở Đồng Nai đã nhận thức đúng về vai trò, vị trí của bản thân trong doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ hài hòa với người sử dụng lao động thông qua tổ chức đại diện là Công đoàn. Đồng thời, đã tích cực trong lao động sản xuất, tích cực nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như bản thân mình. Đến nay, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp ký Thỏa ước lao động tập thể, đây chính là cơ sở quan trọng trọng việc xây dựng và duy trì mối quan hệ hài hòa giữa CNLĐ và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

CNLĐ ở Đồng Nai đã nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế trong xã hội, nhất là mối quan hệ cơ bản, tương hỗ giữa công nghiệp và nông nghiệp; mối quan hệ giữa công nhân - nông dân - trí thức. Tích cực tham gia các học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Từ năm 2013 đến nay đã có hơn 90.000 CNLĐ đăng ký tham gia các lớp học do các cấp công đoàn phối hợp tổ chức. Qua đó, trình độ học vấn, nhận thức cũng như tay nghề của CNLĐ được nâng lên, góp phần thực hiện tốt chủ trương trí thức hóa giai cấp công nhân của Đảng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ CNH, HĐH hiện nay.

Lãnh đạo Tỉnh ủy và Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai trao quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Tỉnh ủy và Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai trao quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT, CHĂM LO, BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG, HỢP PHÁP CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG

Để nâng cao nhận thức chính trị cho công nhân lao động ở Đồng Nai, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 13/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tiếp cận, tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp để họ hiểu được vai trò, lợi ích “song trùng” khi có tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp mình, từ đó họ có sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ. Việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ trong các loại hình doanh nghiệp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp. Nội dung phải được chọn lọc, biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu. Phương pháp, hình thức giáo dục phải được đa dạng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ trung cấp lý luận chính trị, nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ đảng viên và cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhất là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình, tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho CNLĐ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội, các ký túc xác, khu nhà ở cho CNLĐ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Thiết chế văn hóa cho CNLĐ đã được Thủ trướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh. Thường xuyên tổ chức các chương trình như “Ngày hội việc làm”, “Tư vấn hướng nghiệp”,… Tăng cường thương lượng, đối thoại nhằm xây dựng bản Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Tích cực vận động các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho CNLĐ tham gia các buổi học tập các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các lớp học văn hóa, học nghề. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, theo dõi, phối hợp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong quan hệ lao động; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của CNLĐ.

Bốn là, thực hiện quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trong các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực thỏa thuận, thương lượng, đưa vào quy chế, nội quy của doanh nghiệp các nội dung như việc tổ chức hội nghị người lao động hàng năm, đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, đăng ký tham gia việc xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Tăng cường tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của CNLĐ, phát huy hiệu quả của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh.

Việc thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp cơ bản nêu sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hơn nữa nhận thức chính trị cho CNLĐ. Qua đó, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng ngày càng lớn mạnh, giác ngộ về giai cấp, có nhận thức và bản lĩnh chính trị, thiết tha, gắn bó với lý tưởng độc lập gắn liền với CNXH, cùng với công nhân cả nước xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động không ngừng lớn mạnh, là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”./.

Nguyễn Hữu Thọ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất