Thứ Bảy, 7/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 15/3/2023 9:13'(GMT+7)

Nhà khoa học trẻ với khát vọng nghiên cứu, phát triển thuốc Việt

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng (1989, Hải Dương) hiện là trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên khoa Dược, ĐH Phenikaa. Ảnh: dantri.com.vn

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng (1989, Hải Dương) hiện là trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên khoa Dược, ĐH Phenikaa. Ảnh: dantri.com.vn

Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, dưới 35 tuổi, có thành tích nổi trội, xuất sắc, nhằm lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về những nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, thể dục, thể thao, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc…

Đam mê với ngành Dược

Từng là học sinh chuyên Hóa học của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), chàng trai sinh năm 1989 đã có định hướng đi theo Hóa dược ngay từ khi còn học phổ thông. 

Trương Thanh Tùng chia sẻ đã từng phân vân giữa Dược và Y. Anh cho rằng, nếu làm bác sĩ thì một lần chữa bệnh cứu được một người, nhưng theo ngành Dược, nếu thành công sẽ cứu được nhiều người hơn và quan trọng là thuốc mình làm ra có thể phục vụ cộng đồng lớn hơn. Chính suy nghĩ đó đưa anh từ sự đam mê Hóa học đến quyết định theo ngành Dược học của Trường Đại học Dược Hà Nội. 

Người ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của chàng trai trẻ năm ấy là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Nam, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội. Nhờ sự dìu dắt, hướng dẫn của thầy (khi đó là Trưởng bộ môn Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội), Trương Thanh Tùng mới có những thành công bước đầu khi còn là sinh viên.

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất trên con đường nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng cho biết: "Đó là bài báo ISI đầu tiên mà tôi là tác giả chính, được công bố khi còn là sinh viên đại học năm thứ tư. Đề tài của bài báo về các chất mới có tiềm năng điều trị ung thư. Với tôi, việc một sinh viên có bài báo khoa học trên tạp chí ISI chính là niềm hạnh phúc lớn, là động lực để tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Bởi thời điểm đó, thường các bạn đồng lứa sau khi ra trường sẽ lựa chọn kinh doanh Dược – một công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều so với theo đuổi nghiên cứu khoa học".

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Trương Thanh Tùng tiếp tục theo học tiến sĩ tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - một trong những cái nôi của khoa học Y - Dược. Đây cũng là khoảng thời gian anh bắt đầu nghiên cứu ức chế con đường giao tiếp của vi khuẩn (quorum sensing) để tìm thuốc thay thế kháng sinh. Những thành công bước đầu giúp anh hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2017, mở ra cơ hội tham gia nghiên cứu tại các nước phát triển khác như: Phần Lan, Anh, Mỹ. Anh nhận được tài trợ của Viện sức khỏe Mỹ (NIH) và nghiên cứu tại Mỹ với vai trò trợ lý giáo sư.

Trở về Việt Nam từ năm 2019, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng hiện là Trưởng Nhóm nghiên cứu thuốc mới và giảng viên khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa. Cùng với các cộng sự, anh là đồng tác giả bằng sáng chế quốc tế về các chất điều trị ung thư trúng đích, đã được bảo hộ toàn cầu. Kết quả của nghiên cứu đang được phát triển thành các thuốc "Make in Vietnam".

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Trương Thanh Tùng cũng đang phát triển tổng hợp các peptit kháng khuẩn tự nhiên dùng ngoài da để điều trị nhiễm khuẩn, làm liền sẹo. Sản phẩm này đang trong quá trình thử nghiệm để trở thành thuốc dùng ngoài da thay thế kháng sinh.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Tiến sĩ Trương Thanh Tùng đang được đánh giá cao, đó là phát minh thuốc điều trị HIV mới. Theo Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virus trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tức là, các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng "sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV". Vì vậy, hướng nghiên cứu của anh nhằm mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu bệnh AIDS (amfAR) - một quỹ nghiên cứu uy tín nhất thế giới về bệnh này. Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu là các dược chất có thể thức tỉnh virus HIV ở trạng thái "ngủ" trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng. Hiện nay, phương pháp điều trị theo hướng nghiên cứu này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Đức và cho kết quả bước đầu khả quan.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng cũng cho biết: Khó khăn nhất trong quá trình phát triển thuốc điều trị HIV mới là việc thử nghiệm phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của nước ngoài. Ở Việt Nam hiện chưa đủ các điều kiện để tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, tôi vẫn phải thực hiện bước thử nghiệm sinh học tại châu Âu. 

Mong muốn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh

Sau quá trình nghiên cứu cả ở trong nước và nước ngoài, đến nay, ở tuổi 34, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng đã có một bằng sáng chế quốc tế, 30 công trình khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ y dược công bố trên tạp chí quốc tế, chủ trì một đề tài cấp cơ sở, tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống các nhà xuất bản Nature, Springer Nature, Elesevier.

Anh cũng từng được vinh danh là "Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng" năm 2021, giành giải thưởng Quả cầu Vàng Khoa học công nghệ năm 2021, Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô Hà Nội 2022.

Đặc biệt, năm 2022, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên tại Việt Nam được bầu là thành viên chính thức của Hiệp hội khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi. Đây là Hiệp hội khoa học uy tín và lâu đời nhất trên thế giới có trụ sở tại Mỹ, hoạt động từ năm 1886. Thành viên chính thức được trao cho những nhà khoa học đã chứng minh được những thành tựu đáng chú ý trong nghiên cứu khoa học trên thế giới.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng bày tỏ: Được cộng đồng quốc tế ghi nhận là bước khởi đầu tốt cho sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ. Nhân cơ hội này, tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, kết nối với các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế trong hiệp hội để có những đóng góp thiết thực hơn cho nền khoa học Việt Nam cũng như thế giới. 

Từng có điều kiện sống, làm việc và nghiên cứu khá tốt ở Mỹ, đã rất nhiều người thắc mắc, tại sao Trương Thanh Tùng quay trở về Việt Nam, tham gia các hoạt động nghiên cứu trong nước khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Theo nhà khoa học trẻ này, có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về - đó là quê hương.

Với Trương Thanh Tùng, dù không phải một sân chơi có quá nhiều tiềm lực nhưng ở Việt Nam vẫn có thể nghiên cứu khoa học thành công; đặc biệt, sự cống hiến sẽ có ý nghĩa hơn. Tiến sĩ Trương Thanh Tùng nhận thấy, ngành Hóa Dược ở nước ta chưa phát triển, rất ít nhà khoa học trẻ hay nhóm nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực này. Vì vậy, anh muốn tiếp bước người thầy của mình là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Nam tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu Hóa Dược ở trong nước. Ngoài ra, với lượng kiến thức đã tích lũy được trong thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng muốn trở về với vai trò người thầy để hướng dẫn các sinh viên Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực khoa học Y Dược đang còn thiếu cho nước nhà.

Anh cho rằng: Đối với người trẻ, quan trọng nhất là được trải nghiệm và học hỏi không ngừng, điều đó giúp bản thân ngày càng hoàn thiện. Khi trở về, việc lựa chọn Trường Đại học Phenikaa là nơi bắt đầu cũng bởi thời điểm đó, nhà trường đang trong giai đoạn tái cấu trúc và tuyển giảng viên. Anh cũng được giới thiệu về Tập đoàn Phenikaa với nhiều nguồn hỗ trợ cho phòng thí nghiệm, các hoạt động nghiên cứu, đồng thời là nơi ứng dụng các phát minh và kết quả của các nhóm nghiên cứu. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: Nhà trường rất có niềm tin vào nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Trương Thanh Tùng và luôn tạo điều kiện hỗ trợ, tiến tới phát triển các sản phẩm thuốc đưa vào sử dụng trong thực tế. Đồng thời, nhà trường cũng khuyến khích sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu, để được truyền cảm hứng từ một người thầy, một nhà khoa học trẻ giàu nhiệt huyết, luôn cố gắng vượt qua thử thách để gặt hái thành công. 

Những ngày này, khi biết tên mình góp mặt trong danh sách được trao giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022", Tiến sĩ Trương Thanh Tùng bày tỏ, anh cảm thấy rất hạnh phúc, vinh dự, cùng với đó là trách nhiệm. "Là đại diện cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi sẽ cố gắng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa để có những thành tựu nghiên cứu ứng dụng được vào đời sống, phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân", Trương Thanh Tùng tâm sự. 

Trong tương lai gần, anh mong muốn mở rộng, phát triển nhóm nghiên cứu của mình để trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh, tiên phong trong lĩnh vực tổng hợp thuốc tại Việt Nam. Tiến sĩ Trương Thanh Tùng cũng hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ ở trong nước và nước ngoài tham gia góp sức phát triển nền khoa học, công nghệ của Việt Nam tiến xa hơn.

Việt Hà (TTXVN)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất