Chủ Nhật, 13/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 6/8/2022 6:5'(GMT+7)

Những chuyển biến trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn Bắc Kạn

Giờ học thực hành môn điện tại Trường cao đẳng Bắc Kạn. (Ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện tại Bắc Kạn)

Giờ học thực hành môn điện tại Trường cao đẳng Bắc Kạn. (Ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện tại Bắc Kạn)

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn

Các cấp, các ngành đã xác định vị trí, chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác đào tạo nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm. Do đó, công tác tuyên truyền luôn được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo thông qua nhiều hình thức và nội dung sát thực, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác dạy nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên định hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương, đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở tăng cường tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 19-CT/TW, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công tác dạy nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn; nội dung, chương trình đào tạo nghề; các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi;...

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động và tham gia tư vấn học nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên với nội dung, hình thức đa đạng như: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành có liên quan, cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cở sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chuyên mục, tổ chức tư vấn học nghề, in tờ rơi, sổ tay… tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thị trường lao động, việc làm, xuất khẩu lao động,… đến các xã, phường, thị trấn, các trưởng thôn, bản, tổ dân phố, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. T

ừ năm 2010 đến nay, các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh đã đăng tải 176 tin, bài tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 40.540 người được tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm. Xuất bản 300 áp phích tuyên truyền về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” phát hành đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó thu hút được số đông lao động nông thôn tham gia các lớp dạy nghề do các cấp, các ngành tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đổi mới dạy nghề cho lao động nông thôn

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 08 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (Trường Cao đẳng Bắc Kạn, 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên các huyện); 7 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 3 trường trung cấp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là những cơ sở nòng cốt trong triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Giờ thực hành lớp trồng rau an toàn tại huyện Bạch Thông

Giờ thực hành lớp trồng rau an toàn tại huyện Bạch Thông

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, người dân tại các địa phương được tham gia đào tạo nghề ở nhiều cấp độ khác nhau; việc mở rộng các hình thức dạy nghề trong doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện rộng rãi. Thông qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn của tỉnh được tiếp cận với các kiến thức khoa học tiên tiến, qua đó biết vận dụng vào thực tế đời sống, sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện dạy nghề, hiện nay số giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 168 người, ngoài ra, còn có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh, các nghệ nhân, người sản xuất giỏi, người thợ giỏi, có tay nghề cao ở các địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các trường tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm cho trên 550 lượt giáo viên. Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ của giáo viên được nâng lên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Hằng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn, kế hoạch tuyển sinh và mở các lớp đào tạo nghề; tổ chức tư vấn, định hướng cho hội viên nông dân lựa chọn nghề và nhận thức đúng đắn khi tham gia học nghề.

Cùng với chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tập huấn cho đoàn viên, hội viên, thanh niên. Hoạt động tập huấn, tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn tập trung vào các nội dung: Xây dựng các mô hình nông nghiệp khép kín, trang bị kiến thức khởi nghiệp về nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kỹ năng xây dựng hình ảnh, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP và các kỹ năng bán lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Học viên Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn trong giờ thực hành

Học viên Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn trong giờ thực hành

Ủy ban nhân dân tỉnh giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp của các sở, ngành, các hội đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các địa phương, đơn vị đã bố trí, phân công các phòng chuyên môn, công chức thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về dạy nghề.

Thực hiện Đề án 1956, từ cấp tỉnh đến cấp xã đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Ban chỉ đạo các cấp đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nội dung của Đề án.

Đổi mới chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn

 Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động sử dụng chương trình, giáo trình đào tạo nghề của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo các danh mục nghề quy định; đồng thời, chủ động biên soạn giáo trình, điều chỉnh thời gian chương trình cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và của người học; thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới.

Các chương trình, giáo trình được thực hiện theo Chương trình khung, đảm bảo nguyên tắc từ 75% - 80% thời lượng thực hành; thực hiện đổi mới cấu trúc chương trình đào tạo theo Modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp để học viên sau tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Những năm qua, tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề cho các Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của bản thân, gia đình.

Thực hiện chương trình dạy nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung dạy các nghề có thế mạnh của địa phương như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (gà thả đồi, vỗ béo bò, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, lợn); trồng các loại rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối,...); trồng lúa (gạo Japonica, nếp tài, Khẩu nua lếch); trồng chè và sản phẩm chế biến từ cây chè (chè trung du, chè Shan tuyết); trồng cây dược liệu và sản phẩm từ cây dược liệu (nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng, giảo cổ lam, sả, trà hoa vàng, cát sâm, hà thủ ô, gừng đá, kim ngân, khôi nhung,...).

Học viên Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn trong giờ thực hành

Thực hành đào tạo nuôi và phòng trị bệnh thú y cho lao động nông thôn tại xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

Để đáp ứng nhu cầu của người học và nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, bên cạnh việc đào tạo cho người lao động tại cơ sở đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tổ chức dạy nghề lưu động tới các xã, thôn. Trong công tác đào tạo, thường xuyên quan tâm đến các đối tượng học nghề trong độ tuổi lao động, có hộ khẩu thường trú tại các xã, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, đối tượng chính sách.

Việc tổ chức đào tạo nghề đã bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để từ đó hình thành các hợp tác xã, các cụm nghề tiểu thủ nông nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, thương mại, dịch vụ. Các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề, bố trí việc làm hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học nghề sau đào tạo.

Từ năm 2011 đến nay, tổng số lao động trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề là 25.486 người, trong đó, số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 17.627 người (chiếm 69,2% trong tổng số lao động được đào tạo nghề), 5.269 thanh niên nông thôn (chiếm 23%). Sau đào tạo nghề, có 430 lao động nông thôn được tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động; 1.758 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 15.112 lao động tiếp tục làm nghề trước khi được đào tạo nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên; 327 lao động thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nhóm sản xuất.

Trong những năm qua, nguồn lực thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các lớp đào tạo nghề theo đúng chương trình đào tạo, kế hoạch dạy nghề đã được cơ quan chức năng phê duyệt; lập các biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học đối với lớp dạy nghề theo hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học trong đào tạo nghề, trình độ sơ cấp nghề theo các quy định hiện hành của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; thực hiện các cam kết trong hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

Tại những nơi tổ chức mở lớp dạy nghề, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo; Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn sau học nghề; báo cáo tình hình, kết quả tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn của đơn vị theo quy định.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

 10 năm triển khai Chỉ thị 19 CT/TW, Bắc Kạn  đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh liên quan dạy nghề cho lao động nông thôn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hai là, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho lao động nông thôn học nghề, quan tâm các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công, người khuyết tật.

Ba là, thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, từ đó xậy dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với mô hình giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn.

Bốn là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyền truyền, vận động và tham gia tư vấn dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, có cơ chế giúp người lao động sau khi hoàn thành khóa học nghề thành lập các tổ sản xuất, nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác và hợp tác xã; tạo môi trường để các hộ trao đổi kỹ thuật, góp vốn và hỗ trợ cùng nhau sản xuất, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và bàn biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả tốt hơn, đem lại hiệu quả thiết thực cho người lao động.

Trong những năm tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”. Triển khai phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đầu tư xây dựng, phát triển chương trình, giáo trình phù hợp với mục tiêu, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030. Ưu tiên các ngành nghề trọng điểm của tỉnh như du lịch, chế biến nông, lâm sản…

 Theo đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp cụ thể sau:

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW và Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 27/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025” nhằm nâng cao nhận thức về vị trí của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, hội viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Chỉ đạo rà soát, xây dựng đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030. Gắn đào tạo nghề với quy hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương; gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với xây dựng nông thôn mới.

Dạy nghề chăn nuôi thú y cho nông dân ở Bắc Kạn

Dạy nghề chăn nuôi thú y cho nông dân ở Bắc Kạn

Đa dạng hóa hình thức, nội dung công tác tư vấn đào tạo nghề và việc làm cho người lao động ở nông thôn. Đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo nghề và tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở dạy nghề, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động; xây dựng cơ chế để cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện việc giám sát đối với công tác dạy nghề.

Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm tính thống nhất, liên thông từng ngành, nhóm ngành, nhóm nghề đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn lao động và nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu tiếp nhận các chương trình đào tạo nghề tiên tiến để áp dụng, đào tạo cho người dân.

Xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên dạy nghề đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng cơ chế thu hút các nghệ nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ cở dạy nghề.

Tiếp tục đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, tương xứng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phục vụ quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về dạy nghề cho lao động nông thôn; kiểm tra việc thực hiện chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo; hướng dẫn, chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhằm rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, đề ra các giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.

Trần Thị Lộc

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất