Thông
điệp bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng, thúc đẩy toàn
Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, tập trung trí tuệ, tận dụng
thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng, phát triển nước Việt Nam xã
hội chủ nghĩa hùng cường.
Chúng ta biết rằng, nhân dân Việt
Nam đang phấn đấu xây dựng một xã hội có nền kinh tế phát triển cao; có
nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm
no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; có Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do
Ðảng Cộng sản lãnh đạo...
Ðể thực hiện được mục tiêu nêu trên, chúng ta đã và
đang nỗ lực cao độ: Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn
với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc
phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Từ ngày
thành lập đến nay, Ðảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và
hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh
giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội. Ðảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan
trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài
hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản
của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nói sâu sắc, ngắn
gọn như ý Bác Hồ là: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!
Thực tiễn
gần 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng, việc xây dựng và
phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan
trọng; trong đó, nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với công
tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao;
xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; bản sắc,
giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao
độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh.
Nhờ
thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng
trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức
tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Phát triển kinh tế đã giúp đất
nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm 80 và
cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Ðời sống văn hóa cũng được cải
thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng.
Hiện
Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có
tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã
công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực
hóa các mục tiêu thiên niên kỷ. Song bên cạnh đó, việc xây dựng và phát
triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa
đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đời sống văn hóa
tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa
được ngăn chặn, đẩy lùi...
Trang
bìa cuốn sách điện tử “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng,
quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn
hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ðại hội XIII của Ðảng xác định mục
tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng
đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và
nhân văn; đồng thời, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh
thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự
phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó cũng đặt ra yêu
cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Ðảng, toàn dân về vị
trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và
phát triển bền vững đất nước; tập trung nghiên cứu, xác định và triển
khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con
người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam
trong thời kỳ mới.
Nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa,
sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận
thức và năng lực lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực
văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt
Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục đổi mới phương
thức lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống
nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ
Trung ương đến cơ sở; cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn
hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Cần tập
trung khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước
ngoài cho phát triển văn hóa; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài
hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định
hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
TS. PHẠM HƯNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh