Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 23/9/2020 8:59'(GMT+7)

Phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói chuyện với các cán bộ, giảng viên trong chuyến thăm và làm việc tại Học viện Lục quân (tháng 9-2017). Ảnh: THU HƯƠNG.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói chuyện với các cán bộ, giảng viên trong chuyến thăm và làm việc tại Học viện Lục quân (tháng 9-2017). Ảnh: THU HƯƠNG.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Quân đội có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các học viện, nhà trường Quân đội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước[1], kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giáo dục, đào tạo và công tác cán bộ trong Quân đội. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2523/QĐ-BQP ngày 15/7/2013 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), Quyết định số 4134/QĐ-BQP ngày 14/10/2014 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Quyết định 889/QĐ-BQP ngày 22/3/2018 về việc ban hành Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Đây là cơ sở, tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm phát triển đúng định hướng, phù hợp với các tiêu chí của nền giáo dục quốc dân.

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, công tác giáo dục, đào tạo và hệ thống nhà trường trong Quân đội đã có những bước phát triển, giữ vững chất lượng đào tạo, từng bước tiếp cận nền khoa học quân sự hiện đại, phương pháp giáo dục tiên tiến của quân đội các nước trong khu vực và thế giới. Công tác quy hoạch hệ thống nhà trường Quân đội có nhiều tiến bộ. Sau nhiều năm nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay, hệ thống nhà trường Quân đội đã được đầu tư, quy hoạch, xây dựng ngày càng chính quy, mẫu mực, hiện đại, bảo đảm tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, vừa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hiện tại, vừa đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong tương lai. Hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được đầu tư xây dựng ngày càng chuẩn hóa, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo có tính đặc thù của từng trường, đồng thời đi tắt, đón đầu các công nghệ hiện đại. Một số nhà trường Quân đội đã được quan tâm thí điểm đầu tư, xây dựng theo mô hình “Nhà trường thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; tiêu biểu là Học viện Quân y và Học viện Kỹ thuật quân sự đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là trường trọng điểm quốc gia.

Xác định nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quan trọng đối với chất lượng giáo dục, đào tạo và là “máy cái” trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Quân đội; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống nhà trường Quân đội triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ này bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu, độ tuổi phù hợp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm, kiến thức, năng lực chuyên môn đạt chuẩn theo yêu cầu chung của quốc gia và Quân đội. Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của các trường Quân đội có trình độ đại học trở lên tăng từ 76,37% lên 98,07% (tăng 21,70%), trong đó trình độ sau đại học tăng từ 20,96% lên 40,40% (tăng 19,44%). Đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, đào tạo cả trong, ngoài Quân đội và đào tạo ở nước ngoài, bảo đảm vừa có trình độ lý luận, ngoại ngữ, vừa có kiến thức thực tiễn, có năng lực, nghiệp vụ sư phạm. Các học viện, trường tích cực cử giảng viên, giáo viên đi thực tế ở các đơn vị để khảo sát, nắm bắt chất lượng học viên ra trường và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có sự tiến bộ, trưởng thành vượt bậc, tỷ lệ được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhà giáo giỏi cấp Bộ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Việc chăm lo về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, chế độ cũng được các học viện, nhà trường đặc biệt quan tâm, góp phần thu hút, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Quân đội.

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, quy trình đào tạo trong Quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các học viện, nhà trường trên cơ sở chương trình khung được phê duyệt, tích cực triển khai xây dựng chương trình chi tiết các môn học, biên soạn giáo trình, tài liệu và tổ chức giảng dạy hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị và bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, bậc học. Các chuyên ngành đào tạo mới được xây dựng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội. Quá trình triển khai thực hiện, các học viện, nhà trường Quân đội đã làm tốt công tác khảo thí, đánh giá chất lượng dạy học, làm tốt việc kết hợp giữa huấn luyện, đào tạo với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho người học, bảo đảm cho các đối tượng học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có đủ năng lực, trình độ, đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Quân đội. Công tác dạy và học ngoại ngữ trong các trường Quân đội đạt nhiều hiệu quả, thiết thực, tạo cơ sở, động lực để thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ trong toàn quân. Nhiều học viện, nhà trường đã trở thành điển hình trong phong trào học tập ngoại ngữ, như: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Thông tin... Đến nay, các đối tượng đào tạo đại học, sau đại học trong các học viện, trường Quân đội từng bước đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ; đó là cơ sở, nền tảng cơ bản để cán bộ Quân đội nghiên cứu, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, các học viện, nhà trường Quân đội đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích, thu hút cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nghiên cứu khoa học, viết báo, viết chuyên đề khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu. Các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận,... được tập trung đẩy mạnh. Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị Quân đội với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được mở rộng. Các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học ngày càng bám sát nhu cầu thực tiễn, góp phần tích cực vào giải quyết các vướng mắc của thực tiễn huấn luyện, tác chiến của các đơn vị, phục vụ đắc lực cho đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, xây dựng chính quy của nhà trường Quân đội. Trong gần 10 năm qua, các học viện, nhà trường đã triển khai nghiên cứu và tổ chức nghiệm thu gần 1.100 nhiệm vụ, đề tài khoa học, sáng kiến cấp Nhà nước, cấp Bộ và hàng chục nghìn đề tài, sáng kiến cấp ngành và cấp cơ sở, công bố khoa học trong nước và quốc tế. Phong trào nghiên cứu khoa học của học viên có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng học viên đạt giải cao trong hội thi, hội nghị về khoa học ngày càng tăng, có nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn; kết quả học viên các trường đã đạt 629 giải thưởng khoa học trong hội thi, hội thao, trong đó có 247 giải quốc tế, 41 giải quốc gia, 341 giải cấp Bộ Quốc phòng và nhiều giải cao trong Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo...

Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đất nước ta cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội về mọi mặt. Sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục có những bước phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những tác động sâu sắc, toàn diện đến phát triển khoa học công nghệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội. Tình hình trên đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng, phát triển hệ thống nhà trường Quân đội. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, các học viện, nhà trường Quân đội cần chuẩn bị thật chu đáo, có phương pháp tiếp cận phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ trong phát triển giáo dục, đào tạo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, phát triển “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội.

Đây là nội dung quan trọng, bảo đảm phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội đúng định hướng, đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các tiêu chí của nền giáo dục quốc dân. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc học tập, quán triệt, tạo sự thống nhất của toàn quân về nhận thức, hành động trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội. Trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Quyết định số 889/QĐ-BQP ngày 22/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo...

Cục Nhà trường và cơ quan chức năng cần tích cực bám sát hoạt động của toàn quân, kịp thời tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận để tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các học viện, nhà trường triển khai cụ thể hóa nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong các trường Quân đội tập trung sức lực, trí tuệ, xây dựng nhà trường thông minh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từng tập thể, cá nhân cần tích cực học tập, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các học viện, nhà trường toàn quân cần thống nhất nhận thức, nắm chắc cơ hội, quyết tâm hành động để đạt hiệu quả thiết thực.

Hai là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, xây dựng hệ thống nhà trường Quân đội chính quy, mẫu mực, hiện đại.

Cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng nhà trường Quân đội chính quy, mẫu mực, hiện đại. Bác Hồ đã căn dặn “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng... các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”[2], “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”[3]. Để có cơ sở hạ tầng tương xứng với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong thời kỳ mới thì việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các nhà trường theo hướng thông minh, hiện đại là rất cần thiết. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống nhà trường Quân đội bảo đảm đúng hướng, khoa học; tập trung hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các học viện, nhà trường Quân đội theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Việc đầu tư cơ sở, vật chất phải phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, năng lực của Quân đội, đảm bảo thứ tự ưu tiên, nhất là đối với một số trường trọng điểm, ngành đào tạo mũi nhọn. Hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thao trường, bãi tập... của các học viện, nhà trường cần tiếp tục được rà soát quy hoạch, đầu tư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Công tác đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, phương tiện dạy học phải thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, tiếp cận công nghệ mới, có trọng tâm, trọng điểm trong khai thác, sử dụng các nguồn lực, chống đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát, tiêu cực...

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, nhằm đảm bảo cho Quân đội có thể hoàn thành tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phải hướng tới mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có tư duy sáng tạo, có trình độ, kiến thức quân sự, chính trị, khoa học, trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng với chiến tranh công nghệ cao; có phương pháp làm việc khoa học, phong cách, tác phong dân chủ, chính quy, đoàn kết; có đạo đức, lối sống lành mạnh, sức khỏe tốt.

Nhà trường là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ cho Quân đội, do đó cần phải chủ động có những bước đi trước, đi sớm, tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp cận, ứng dụng hiệu quả thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đổi mới nội dung, chương trình phải được nghiên cứu, triển khai trên cơ sở phát huy truyền thống Quân đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam, phù hợp với tổ chức, biên chế Quân đội, tham khảo, kế thừa các chương trình, phương pháp đào tạo tiên tiến trên thế giới. Các chương trình đào tạo cần bảo đảm tính logic, liên thông từ thấp đến cao, rút ngắn thời gian đào tạo một cách hợp lý, đồng thời bám sát mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng đối tượng đào tạo. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng một số chương trình đào tạo các chuyên ngành đặc thù, lĩnh vực mũi nhọn, chất lượng cao để làm chủ vũ khí trang bị, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng. Công tác quản lý nhà trường cần có sự đột phá về tổ chức, phương pháp từ cơ quan tham mưu chiến lược là Cục Nhà trường đến các học viện, nhà trường và từng phòng, khoa chuyên môn. Chủ động đi trước, nắm bắt xu thế thời đại, nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy điều hành theo hướng tự động hóa, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ huy bộ đội và công tác giáo dục, đào tạo.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, xây dựng một số chuyên ngành mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ được tiến hành song song trong hệ thống nhà trường Quân đội. Việc triển khai thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ này trong suốt nhiều năm qua đã tạo ra những bước tiến vượt bậc về công tác giáo dục, đào tạo, đồng thời xây dựng nên thương hiệu, vị thế của các học viện, nhà trường Quân đội trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều đề tài khoa học do các học viện, nhà trường Quân đội nghiên cứu thành công đã được triển khai ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Các học viện, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở tất cả các cấp học, ngành học; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; tập trung đầu tư, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đồng thời có chính sách phù hợp trong xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, tạo nguồn kế cận cho công tác nghiên cứu khoa học của Quân đội; tích cực nghiên cứu, tổng kết hoạt động khoa học, gắn với học tập kinh nghiệm của các nền khoa học tiên tiến trên thế giới, bổ sung kịp thời về phương pháp, lĩnh vực nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Việc xây dựng các trường trọng điểm, ngành đào tạo “mũi nhọn” cần phải nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí tiên tiến, vừa tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của khu vực và thế giới, vừa phù hợp với điều kiện của đất nước và Quân đội. Các nhà trường, ngành đào tạo được lựa chọn để xây dựng “mũi nhọn” cần nắm chắc hướng dẫn, chỉ đạo của trên, chủ động chuẩn bị về nhân lực, vật lực, triển khai xây dựng trường trọng điểm, ngành “mũi nhọn” bảo đảm đúng hướng, khoa học, hiệu quả. Các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ, sáng kiến khoa học,... phải hướng vào những lĩnh vực mới, vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra, nhất là về lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng, việc hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là một chủ trương, định hướng chiến lược, đồng thời là kế sách bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, một trong những yêu cầu cấp thiết cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ Quân đội là phải có trình độ và sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong hoạt động, công tác. Toàn quân cần tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội và học tập ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân; Kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030[4].

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân về lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc mở rộng hợp tác giữa các học viện, trường Quân đội với các trường ngoài Quân đội, hợp tác giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước về giáo dục, đào tạo là rất cần thiết và là một yêu cầu tất yếu trong thời đại khoa học công nghệ phát triển. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các học viện, nhà trường cần chủ động bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách đối ngoại quốc phòng, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án hợp tác với các trường trong và ngoài nước. Tập trung nghiên cứu một số mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới để vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của Quân đội ta, nhất là đối với các học viện, trường đào tạo chuyên ngành chuyên sâu, như: Khoa học công nghệ và kỹ thuật quân sự, quân y, ngoại ngữ... Một số môn học trong các chuyên ngành này cần ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá chuẩn đầu ra cho các đối tượng đào tạo. Việc hợp tác, trao đổi bồi dưỡng, đào tạo nhân lực đối với quân đội các nước ASEAN và các đối tác truyền thống... cần được tiến hành chặt chẽ, đúng quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại quốc phòng.

Phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng nhà trường Quân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nội dung cụ thể hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước. Phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân anh hùng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng rằng, toàn quân sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động, vững vàng tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nghiên cứu, cụ thể hóa thành các giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

--------------------------------------

[1]- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kết luận số 16-KL/TW ngày 7/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.

[2]- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 15, tr.508.

[3]- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 5, tr.313.

[4]- Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 9/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội; Chỉ thị số 105/CT-BQP ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân; Kế hoạch số 1844/KH-BQP ngày 27/5/2020 của Bộ Quốc phòng thực hiện Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất