Thứ Bảy, 7/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 22/11/2023 10:8'(GMT+7)

Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng thuốc trong nước trong chiến lược tổng thể cho ngành dược liệu Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam có hơn 5.000 cây thuốc, 1.300 bài thuốc dân gian. Vì thế, Bộ Y tế rất quan tâm đến việc xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, để bảo vệ thương hiệu, tăng tính cạnh tranh.

Việt Nam có nguồn dược liệu khổng lồ, nhưng chưa được khai thác đúng mức

Theo Quyết định số 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành.

Hiện đã có nhiều sản phẩm trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ dược liệu như hoạt huyết dưỡng não của Traphaco, Boganic... và các sản phẩm xuất khẩu. “Việt Nam có 5.000 cây thuốc và cách chế tạo thuốc khác nhau từ 54 dân tộc. Điểm mạnh lớn nhất của cây dược liệu Việt Nam chính là tính đa dạng, độc đáo”.

Mặc dù đã có định hướng lớn để phát triển kinh tế dược liệu, tuy nhiên việc khai thác dược liệu chưa đúng mức bởi những hạn chế và khó khăn quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm. Đồng thời, dược liệu Việt từ lâu đã chịu tác động rất tiêu cực từ nguồn hàng nhập lậu, trôi nổi từ bên kia biên giới.

Vườn trồng đan sâm theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Chư Pơng, Chư Sê (Gia Lai).
Vườn trồng đan sâm theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Chư Pơng, Chư Sê (Gia Lai).

Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn dược liệu khổng lồ, nhưng chưa được khai thác đúng mức bởi hạn chế trong quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm. Điểm yếu của cây dược liệu Việt Nam là chưa có định hướng thị trường và chưa phát huy được triệt để lợi thế riêng có. Ngành dược liệu cũng gặp khó khăn trong toàn chuỗi giá trị về sản lượng, sự đồng bộ các tiêu chuẩn và thiếu công nghệ lõi chiết xuất. Những điểm yếu này khiến dược liệu của Việt Nam bị lép vế trước các đối thủ thế giới.

Dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc đang làm khó nguồn dược liệu trong nước.

Đến nay, ngành dược liệu đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 13 vùng cây thuốc trên cả nước gồm: Vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên); vùng Đông Nam Bộ (TP HCM) và 100% nguồn gen cây thuốc được đánh giá có giá trị.

Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 70 loài/nhóm loài cây dược liệu có tiềm năng khai thác, với trữ lượng ước tính trên 20.000 tấn/năm. Trong đó, 45/70 loài/nhóm loài có tiềm năng khai thác lớn với trữ lượng hàng vạn tấn/năm cũng đang được quy hoạch, khai thác

Để khai thác tiềm năng dược liệu, công tác nuôi trồng phát triển dược liệu sạch, đảm bảo chất lượng theo hướng dẫn Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu (GACP-WHO) đã được các doanh nghiệp, địa phương quan tâm. Bộ Y tế đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận dược liệu được sản xuất theo nguyên tắc GACP-WHO cho 17 doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng 33 dược liệu với diện tích 1705 ha, sản lượng 5.720 tấn/năm, doanh thu ước tính trên 350 tỉ/năm.

Muốn phát triển ngành kinh tế được liệu chúng ta cần 2 yếu tố cấu thành: nguồn tài nguyên cây và tri thức. Việt Nam có khoảng 5000 loài cây thuốc cho thấy vô cùng đa dạng về nguồn gen cây dược liệu. Về tri thức, chúng ta có 54 dân tộc khác nhau với những cách chế biến và sử dụng dược liệu rất khác nhau.

Theo TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm cho rằng, Việt Nam đang thiếu nhiều yếu tố để phát triển cây dược liệu từ chính sách vĩ mô đến giáo dục thị trường. “Không thể giữ quan điểm trồng dược liệu đơn sơ như trước mà phải xác định đi theo con đường kinh tế dược liệu, gắn với chế biến sâu để tạo ra kinh tế hàng hóa và sinh kế bền vững cho bà con. Đây là sự thay đổi tư duy của một ngành hàng trên chặng đường dài”, TS Vũ Văn Thoại nhấn mạnh.

Một yếu tố được đánh giá quan trọng là chưa có nguồn lực tương xứng đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Việt Nam còn thiếu sự đầu tư vào khoa học để mở đường cho kinh tế dược liệu.

Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời.

vt_vu-nhap-lau-hon-100-tan-thao-duoc-o-da-nang-2-5372058_2362020.jpg

Dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc đang làm khó nguồn dược liệu trong nước

Đề cập về chiến lược phát triển ngành dược liệu, các chuyên gia cho rằng cần lựa chọn những loài cây dược liệu để làm “Quốc dược". Việt Nam có 3 loài cây dược liệu thế mạnh là Sâm, Quế, Gấc. Phát triển các cây "Quốc dược", Nhà nước phải hỗ trợ bài bản từ nghiên cứu khoa học, giống đến thị trường, hỗ trợ vốn phát triển trồng, chế biến.

Cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng dược phẩm

Thực tế là ngành dược tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Mặc dù thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đã tăng trưởng lạc quan, ngành Dược là ngành hứa hẹn trong tương lai tuy nhiên ngành dược đối mặt với nhiều thách thức cần có cách tiếp cận mới, thu hút nguồn lực và công nghệ để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của người dân, nhất là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các điểm nghẽn, xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện tại, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2017/NĐ- CP

Trong đó, tập trung các vấn đề vướng mắc trong Luật Dược, Luật Đầu thầu, Luật Bảo hiểm y tế; bổ sung cơ chế, quy định đảm bảo theo định hướng của Nghị quyết 20 của Đảng là “đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế, tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại”.

Đồng thời, tăng cường tiếp cận của người dân đối với các thuốc phát minh, xem xét đồng thời việc cấp phép lưu hành thuốc và đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Bổ sung quy định về việc miễn thuế đối với thuốc dùng trong chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho bệnh nhân, để đảm bảo nguồn cung thuốc liên tục và ổn định.

vt_duoc lieu 3.png
Cây sâm Ngọc Linh được Quảng Nam đầu tư và nhân rộng.

Ngày 9/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Theo chiến lược thì 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát. Ngành dược phấn đấu có 30% thuốc generic (trừ thuốc có tác dụng tại chỗ, thuốc có tác dụng toàn thân sẵn có đặc tính tương đương sinh học với thuốc đối chứng) sản xuất trong nước và nhập khẩu có giấy đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học; 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát và quản lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế.   

100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc dược chất lượng tốt.

Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng thuốc trong nước. Trong đó, Chiến lược sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống cung ứng thuốc đảm bảo chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; chú trọng phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng thuốc trong nước hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả; quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc toàn diện từ khâu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu thông, phân phối đến sử dụng thuốc; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực với khả năng xuất khẩu dược phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN. Ảnh minh họa
Ảnh minh họa nguồn Internet

Đồng thời, tăng cường hệ thống thanh tra và kiểm tra hậu mại đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về dược.

Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu khi có dấu hiệu nghi vấn để phát hiện vi phạm và ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài.

Cải thiện chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; tập trung nâng cao vai trò và năng lực của người dược sĩ trong thực hành tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả từ tuyến trung ương đến tận tuyến y tế cơ sở./.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Theo điều tra về nguồn gen dược liệu Việt Nam hiện nay có 5.117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Ngoài ra vốn tri thức về y học cổ truyển của dân tộc có rất nhiều bài thuốc và dược liệu chăm sóc sức khỏe quý và lâu năm. Tổng giá trị thị trường của dược liệu nước ta sử dụng hàng năm ước tính hơn 400 triệu USD/năm.

Thành Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất