Thứ Hai, 14/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Hai, 27/7/2015 18:27'(GMT+7)

Sáng mãi hành trình vì cộng đồng

GS.TS. Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện trực tiếp chỉ đạo, thăm hỏi, tặng quà và và khám bệnh cho bà con vùng khó khăn

GS.TS. Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện trực tiếp chỉ đạo, thăm hỏi, tặng quà và và khám bệnh cho bà con vùng khó khăn

Còn nhớ, tháng 10 năm 2013, khi mà cơn bão số 10 vừa mới đi qua, làm hư hại biết bao tài sản, nhà cửa bị nhấn chìm trong nước lũ, chưa kịp khắc phục hậu quả thì người dân miền Trung lại phải gồng mình chống chọi cơn bão số 11. Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.  Trước khó khăn của người dân miền Trung, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã tổ chức buổi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Ngày 15/10/2013, toàn bộ số tiền quyên góp được trong đợt phát động đã cùng những tấm lòng y đức trực tiếp chuyển tới đồng bào vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. 150 hộ gia đình khó khăn nhất tại ba xã: Trường Lâm, Tân Trường và Mai Lâm thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã được Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam trao tặng 150 triệu và số thuốc trị giá 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, 41 người gồm các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi và các thầy thuốc trẻ của Học viện không quản ngại thời tiết mưa bão, đã đến ba xã của huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa để khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con. Trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân tại vùng bão lũ Tĩnh Gia, GS. TS Trương Việt Bình – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Học viện tâm sự, “Chúng tôi quan niệm rằng, càng đến với những người khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, những người có bệnh mà không có điều kiện khám chữa, chăm sóc thì chúng tôi càng phải đưa những thầy thuốc giỏi nhất đến với bà con và mong muốn giúp đỡ phần nào gắng nặng vật chất, đồng thời giảm bớt được sự đau đớn cho những người dân nghèo khó đó.”

Sau một tháng, Đoàn khám, chữa bệnh tình nguyện của Học viện đã khám và điều trị cho 33.887 bệnh nhân khám và điều trị, 26.945 bệnh nhân cấp phát thuốc, 17.956 bệnh nhân điều trị bằng phương phápkhông dùng thuốc, 75.894 lượt bệnh nhân châm cứu xoa bóp. Chi phí cho một tháng tình nguyện là 4 tỷ đồng, hiệu quả đạt được (nếu tính theo BHYT) là 17,283 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, 36 cán bộ y, bác sĩ, các thầy thuốc trẻ của Học viện đã vượt gần 400km để đến khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con xã Tùng Vài và xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ngoài ra còn có hơn 500 phần quà gồm quần áo, cặp sách, bít tất được trao tận tay cho 216 hộ nghèo của xã. Tổng giá trị quà tặng và thuốc thang mà đoàn mang tới cho bà con lên tới 185 triệu đồng.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”, hằng năm, Học viện đều tổ chức đưa các GS, TS, bác sĩ cùng hàng nghìn thầy thuốc trẻ tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào, nhất là những địa phương nghèo thuộc các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa,...

Chỉ tính tiêng năm 2014, Học viện tổ chức 40 đoàn khám chữa bệnh tình nguyện với gần 1000 thầy thuốc gồm các bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ cao như: Chuyên khoa I, Thạc sĩ, Chuyên khoa II, Tiến sĩ, Giáo sư và sinh viên năm cuối của Học viện Y Dược học cổ truyền đã trải qua một tháng khám chữa bệnh (26/02/2014 – 26/03/2014) tại 80 xã khó khăn của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Thời gian gần đây nhất tháng 3 năm 2015, Học viện tiếp tục triển khai chương trình khám chữa bệnh từ thiện cho bà con nhân dân ở 93 xã của 11 tỉnh miền núi Phía Bắc với sự tham gia của 240 giảng viên, bác sĩ hàng đầu cùng hơn 1000 thầy thuốc trẻ của Học viện. Tổng chi phí cho đợt khám, chữa bệnh lần này lên tới trên 6 tỷ đồng.

Ngoài việc khám, điều trị chữa bệnh cho người dân thì các đoàn còn tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, phát triển vườn thuốc Nam ở địa phương, đặc biệt là tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi giao lưu kinh nghiệm sử dụng cây thuốc Nam giữa các bác sỹ với  các ông lang, bà mế và các già làng, đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Và hôm nay, những người thầy thuốc, cán bộ giảng viên của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam vẫn đang từng ngày nỗ lực phấn đấu để đưa Học viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu, điều trị bằng YHCT hàng đầu của cả nước và khu vực, góp phần khẳng định và tôn vinh nền YHCT Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào khám, chữa bệnh tình nguyện cho đồng bào vùng khó khăn, giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ, để họ yêu và có trách nhiệm với cuộc sống, với sức khỏe của đồng bào.

Khám, chữa bệnh tình nguyện cho bà con các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã trở thành truyền thống của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Qua những chuyến đi này, các thầy thuốc trẻ không chỉ tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm khám chữa bệnh từ thực tế mà còn có dịp để chứng kiến hoàn cảnh éo le, nỗi khổ đau cùng cực của người bệnh nghèo phải chạy vạy ngược xuôi, bán cả gia sản để chữa bệnh, từ đó có sự cảm thông và sẻ chia với họ.

Mỗi đợt khám, chữa bệnh tình nguyện kết thúc, những hành động đầy tình thương, những câu chuyện trong hành trình đó còn được nhắc mãi, như lời căn dặn của các bậc thầy, cô với thế hệ sinh viên của mình. Để rồi tấm lòng y đức đó mãi là truyền thống tốt đẹp, giàu tính nhân văn của Học viện.

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động từ thiện của học viện ở vùng lũ lụt và vùng miền núi khó khăn:



 Bà con vùng khó khăn chờ khám chữa bệnh

 
GS.TS. Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện trực tiếp khám bệnh cho bà con 


PGs. TS. Lê Lương Đống khám bệnh cho bà con vùng lũ