Thứ Tư, 11/9/2024
Hoạt động y tế
Thứ Năm, 10/8/2017 15:9'(GMT+7)

Tập trung phòng chống dịch bệnh tại vùng lũ quét Mường La

Cháu Cà Văn Hảo, 4 tuổi, ở bản Huổi Liếng (Mường La) bị đá đè vào người làm tổn thương vùng mặt và gãy chân phải. (Ảnh: TTXVN)

Cháu Cà Văn Hảo, 4 tuổi, ở bản Huổi Liếng (Mường La) bị đá đè vào người làm tổn thương vùng mặt và gãy chân phải. (Ảnh: TTXVN)

Trạm trưởng Trạm y tế xã Nặm Păm (huyện Mường La) Lò Văn Lán cho biết xã Nặm Păm có 11 bản với gần 7.000 dân. Mưa lũ đã khiến giao thông tại đây bị chia cắt, 5 bản bị cô lập hoàn toàn. Toàn bộ trang thiết bị, máy móc và thuốc men của Trạm y tế xã đã bị lũ cuốn trôi. Việc triển khai công tác khám, chữa bệnh cũng như phòng chống dịch bệnh cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tại các bản bị cô lập, Trạm y tế xã đã cử các tổ y tế đi bộ vào tận nơi nắm tình hình, cắm chốt để triển khai hoạt động khám, chữa bệnh, sơ cứu ban đầu cho người dân, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, kịp thời xử lý, tránh lây lan trong cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La Nguyễn Tiến Dũng cho biết Trung tâm đã cử đoàn công tác đến nắm bắt và xử lý tình hình; thống nhất với Ủy ban Nhân dân huyện Mường La việc khắc phục cơ sở vật chất cho Trạm y tế xã Nặm Păm. Chậm nhất đến ngày 13/8, địa phương sẽ di chuyển toàn bộ hàng cứu trợ tại Nhà văn hóa bản Hốc và bàn giao trụ sở này cho Trạm y tế xã Nặm Păm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La đã chuẩn bị toàn bộ hệ thống dây chuyền lạnh, trang thiết bị cấp cứu, các loại thuốc, tài liệu truyền thông, sổ sách và máy vi tính để Trạm y tế Nặm Păm hoạt đông trở lại.

Sau mưa lũ, môi trường và nguồn nước tại các khu vực bị ô nhiễm nặng. Rác thải từ khắp nơi trôi về, cùng với sự phân hủy các chất hữu cơ ở xác động, thực vật bốc mùi hôi thối. Tại nhiều gia đình, gia súc, gia cầm được nuôi nhốt ngay dưới gầm sàn, hoặc thả rông ngoài đường... tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi sinh vật phát triển. Đây là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, hiện tập trung ở 3 nhóm chính gồm nhóm bệnh tiêu hóa, ngoài da và viêm giác mạc (đau mắt đỏ). Đối với những người có vết thương ngoài da, việc lội nước có thể gây nhiễm khuẩn uốn ván qua vết thương. Đặc biệt, xã Nặm Păm thuộc địa bàn hoạt động của loài muỗi ruộng (muỗi Culex) gây bệnh viêm não Nhật Bản B. Vì vậy, người dân phải chú ý nằm màn để tránh muỗi đốt, nhất là khoảng thời gian từ 17-19 giờ. Nếu có biểu hiện sốt bất thường, đau đầu, phải đến cơ sở y tế khám, điều trị, tránh những biến chứng hoặc tử vong có thể xảy ra.

Trạm y tế xã Nặm Păm đang phun khử trùng các vùng bị ngập lụt bằng Cloramin B 25%, đồng thời diệt khử khuẩn nguồn nước uống, nước sinh hoạt cho người dân. Trong các ngày tới, Trạm y tế xã Nặm Păm tiếp tục các biện pháp giám sát, truyền thông, hướng dẫn người dân triển khai công tác vệ sinh môi trường như: Cô lập phân và chất thải; khử khuẩn nguồn nước uống, nước sinh hoạt; phòng chống dịch bệnh; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm./.

Diệp Anh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất