Thứ Sáu, 11/10/2024
Lý Luận
Thứ Bảy, 21/9/2024 9:0'(GMT+7)

Vĩnh Long: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo ở cơ sở

Công tác tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ tuyên giáo cơ sở luôn được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long quan tâm thực hiện thường xuyên hàng năm

Công tác tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ tuyên giáo cơ sở luôn được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long quan tâm thực hiện thường xuyên hàng năm

SỚM THÀNH LẬP ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY CẤP CƠ SỞ

Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 107 đơn vị xã, phường, thị trấn. Mặc dù chưa có quy định thống nhất từ Trung ương nhưng Vĩnh Long là một trong những địa phương sớm thành lập được ban tuyên giáo đảng ủy cấp cơ sở, đến nay 100% đơn vị đều thành lập được đội ngũ cán bộ ban tuyên giáo đảng ủy do đồng chí bí thư đảng ủy kiêm trưởng ban, 1 phó trưởng ban chuyên trách và tùy theo tình hình thực tế, các địa phương cũng phân công từ 05 - 7 đồng chí cán bộ phụ trách các ngành, khối vận, đoàn thể, bí thư ấp, khóm, khu… làm thành viên.

Trong những năm qua, ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đã tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác tuyên giáo cơ sở. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã làm tốt công tác tư tưởng, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là các thông tin trái chiều, thông tin nhạy cảm để phân tích, dự báo, tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý kịp thời; chỉ đạo hướng dẫn các chi bộ ấp, khóm, khu phối hợp với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cấp xã tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, bồi đắp, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND, ngày 12/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long quy định chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khóm, khu…; kể từ năm 2024, cán bộ tuyên giáo cấp xã kiêm thêm nhiệm vụ của văn phòng đảng ủy. Nhìn chung, các địa phương đã bố trí cán bộ theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Theo số liệu thống kê cho thấy tình hình đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở hiện nay đa số đều có trình độ trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị, một số nơi cán bộ tuyên giáo là cấp ủy viên, đại biểu hội đồng nhân dân với độ tuổi tương đối trẻ (trung bình từ 30 - 40 tuổi chiếm tỷ lệ đa số). Về cơ sở vật chất, trong những năm gần đây cấp uỷ, chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tận dụng linh hoạt các phương tiện, thiết bị làm việc có sẵn và bước đầu được quan tâm đầu tư phục vụ hoạt động tuyên giáo cơ sở như: hội trường, thiết bị trực tuyến, tivi, loa kéo di động, hệ thống loa truyền thanh, mạng Internet, tài liệu, sách, báo, tạp chí... tạo điều kiện cho ban tuyên giáo phát huy vai trò để hoạt động có chất lượng, đó cũng là những điều kiện thuận lợi để cán bộ tuyên giáo cơ sở hoàn hoàn tốt trọng trách được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác tuyên giáo cơ sở vẫn còn một số hạn chế như: một số cấp ủy lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác tuyên giáo hằng năm chưa kịp thời; hoạt động của ban tuyên giáo cơ sở chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, còn xem đây là nhiệm vụ riêng của đồng chí phó ban chuyên trách. Công việc của cán bộ tuyên giáo kiêm công tác văn phòng nhiều lúc bị quá tải và rất áp lực. Có tư tưởng ngán ngại, so bì với một số bộ phận khác; chế độ phụ cấp của cán bộ không chuyên trách còn rất thấp nên nhiều đồng chí chưa an tâm công tác; việc tổ chức giao ban (dư luận xã hội, khoa giáo) chưa được thực hiện đúng định kỳ và thường xuyên, chủ yếu lồng ghép, ít dành thời gian để đánh giá, định hướng sát nhiệm vụ công tác tuyên giáo theo định kỳ.

Về mặt chuyên môn, cán bộ làm công tác tuyên giáo đôi lúc chưa chủ động, nhạy bén, sáng tạo, còn trông chờ vào văn bản chỉ đạo của cấp ủy và ngành dọc cấp trên. Trình độ chuyên môn chưa phù hợp, đa số có trình độ đại học nhưng ở các ngành ngoài như đại học Luật; Kế toán; Nông học…

 Tỷ lệ cán bộ tuyên giáo là đảng ủy viên (cấp ủy) cũng còn rất khiêm tốn, đó cũng là thực trạng chung của tỉnh. Cán bộ tuyên giáo ở cơ sở thường xuyên thay đổi, phần lớn có thâm niên công tác trong ngành tuyên giáo dưới 05 năm, còn trên 10 năm thì rất ít. Trong khi đó trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác là một trong yếu tố cần và đủ để có được một cán bộ tuyên giáo giỏi. Trên đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động một số mặt công tác tuyên giáo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

 

YẾU TỐ CON NGƯỜI MANG TÍNH CHẤT QUYẾT ĐỊNH

Phải công tâm nhìn nhận công tác tuyên giáo là một lĩnh vực khó, bởi nó bao gồm nhiều lĩnh vực, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp phải luôn chủ động, nhạy bén, trách nhiệm, sáng tạo, nỗ lực và nâng cao khả năng dự báo để thực hiện tốt công tác tham mưu, kịp thời giúp cấp ủy giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Từ thực tiễn công tác tuyên giáo cơ sở trên địa bàn tỉnh thiết nghĩ, để công tuyên giáo ở cơ sở đáp ứng ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới thì yếu tố con người là vấn đề có tính quyết định, do đó rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác sắp xếp bố trí cán bộ.

Việc lựa chọn để quy hoạch, bố trí cán bộ tuyên giáo phải có những tiêu chí nhất định, trong đó phải đảm bảo ít nhất 3 yếu tố, gồm: về phẩm chất chính trị; văn bằng trình độ chuyên môn phù hợp và có năng lực sở trường, kinh nghiệm công tác. Yêu cầu này có thể là tương đối cao đối với một cán bộ tuyên giáo ở cơ sở, tuy nhiên nếu muốn nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo cần phải có quyết tâm và lộ trình từng bước thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được. Đồng thời, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Bên cạnh đó, lực lượng này cũng là người thường xuyên và trực tiếp triển khai, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân nên cũng rất cần cơ cấu cứng trong bộ phận Ban chấp hành Đảng bộ cấp xã để thực hiện nhiệm vụ chính trị do đảng ủy cấp xã phân công theo chức năng. Khẩu hiệu ngành Tuyên giáo của Đảng đề ra là phải “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, thì ít nhất cán bộ tuyên giáo cơ sở phải là những đồng chí cấp ủy của đảng bộ thì mới có điều kiện được tiếp nhận sớm các thông tin, trong đó có các chỉ thị, nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng mới ban hành…

Đối với mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo cần phải có lòng yêu nghề, say mê, nhiệt huyết và tự hào với những trang sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo trong hơn 90 năm qua. 

 Bên cạnh đó, muốn nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên giáo cơ sở không thể không quan tâm đến vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật phục vụ tốt cho công tác tuyên giáo cũng như tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu tiên phù hợp cho đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo ở cơ sở để họ an tâm công tác. Thực tế cho thấy địa phương nào, cấp ủy và ban tuyên giáo cấp trên quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát thì ở đó hoạt động của tuyên giáo cơ sở thực hiện thống nhất, đạt hiệu quả. Vì vậy coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc và nội dung công tác của ban tuyên giáo ở cơ sở, góp phần tháo gỡ khó khăn, từ đó kịp thời đề ra giải pháp lãnh chỉ đạo nâng cao chất lượng của công tác tuyên giáo cơ sở.

Lê Minh Đức

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất