Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 11/6/2020 9:4'(GMT+7)

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tại Trường Quốc tế Nhật Bản. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tại Trường Quốc tế Nhật Bản. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 1.140 trường mầm non, gồm 787 trường công lập và 353 trường dân lập, tư thục; trong đó, có 7 trường mầm non công lập chất lượng cao. Tổng số trẻ đi học ở bậc mầm non là 535.407 trẻ (nhà trẻ đạt 43,1%, trẻ mẫu giáo đạt 99%, trẻ 5 tuổi 100%). Toàn bộ 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo.

Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở, khoảng cách chất lượng giữa các vùng, miền đã rút ngắn, công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non công lập có nhiều đổi mới, quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập từng bước ổn định.

Tuy nhiên, quy mô trường, lớp mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội lớn, dân số cơ học tăng nhanh hàng năm, việc xây dựng thêm trường mầm non công lập, việc phát triển có chất lượng đối với loại hình trường, lớp ngoài công lập, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Nhiều quận nội thành thiếu quỹ đất, nhiều huyện ngoại thành thiếu kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường lớp còn điểm lẻ khó khăn.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đến từng trường, lớp, giáo viên mầm non. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng mong muốn thành phố chỉ đạo UBND cấp quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường mầm non công lập, nhất là tại các khu đô thị và khu công nghiệp. Song song với đó là phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng các mô hình trường học tiên tiến, tiếp cận hội nhập quốc tế như trường học điện tử, trường học xanh; tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng chuẩn đào tạo, chuẩn chức danh nghề nghiệp và đổi mới trong cấp học mầm non.

Đánh giá cao những nỗ lực của thành phố Hà Nội giai đoạn vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, các trường mầm non cần thống nhất về mặt nhận thức mô hình lấy trẻ làm trung tâm. Đây là hướng đi đúng của nền giáo dục hiện đại để thúc đẩy sự phát triển cá biệt hóa từng trẻ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên tâm huyết, sáng tạo, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có năng lực đánh giá khả năng phát triển của trẻ, từ đó đưa được các phương pháp chăm sóc và dạy dỗ phù hợp.

Sau 5 năm thực hiện chuyên đề, toàn thành phố Hà Nội đã xây mới, cải tạo sửa chữa 537 trường, thành lập mới 71 trường; 522 trường mầm non có 50% diện tích sân vườn (sân cỏ), 366 trường có vườn cây ăn quả, 637 trường có vườn rau của bé, 886 trường có khu vui chơi giáo dục thể chất, 686 trường có "Không gian sáng tạo", hơn 50% trường có phòng giáo dục nghệ thuật, nhiều trường có phòng Kisdmart, phòng Lab tiếng Anh, thư viện... Đến nay, Hà Nội có 501 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 482 trường mầm non công lập (đạt tỉ lệ 60,86%).

Thành phố Hà Nội đã xây dựng mô hình trường mầm non chất lượng cao tại 7 trường mầm non công lập, từng bước khẳng định thương hiệu, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng tại hệ thống ngoài công lập. Thành phố cũng xây dựng được 3 mô hình điểm "Phòng chống suy dinh dưỡng" tại Trường Mầm non Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); mô hình điểm "Không gian sáng tạo" tại Trường Mầm non chất lượng cao 20/10 (quận Hoàn Kiếm); điểm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tại các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoàn Kiếm.

Theo bà Vũ Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non chất lượng cao 20-10, đổi mới giáo dục là một trong những xu hướng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, đặc biệt với mầm non hiện nay. Trường Mầm non chất lượng cao 20-10 là 1 trong 2 trường đầu tiên được lựa chọn xây dựng mô hình trường mầm non chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội. Nhà trường đã xây dựng mục tiêu chiến lược là không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới giáo dục toàn diện theo xu hướng hội nhập quốc tế, xây dựng trường trở thành nơi thúc đẩy những giá trị hạnh phúc…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, nhà trường tập trung xây dựng môi trường giáo dục, thân thiện, hiện đại, nâng cao chất lượng đội ngũ và đặc biệt là phát triển chương trình đổi mới và áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tiên tiến và đổi mới các hoạt động giáo dục. Nhà trường đã xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi thiên nhiên theo xu hướng hiện đại, đầu tư kinh phí phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, đảm bảo xanh - sạch - đẹp.

“Trường đã tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu, tổ chức cho giáo viên tiếp cận các phương thức giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới từ các chuyên gia hàng đầu về giáo dục mầm non như Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Nhà trường đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi các quan điểm giáo dục hiện đại trong khu vực và trên thế giới để phát triển chương trình giáo dục theo xu hướng hội nhập quốc tế; thiết kế các hoạt động giáo dục, đặc biệt xây dựng chương trình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đổi mới phương pháp, giáo viên chỉ là người định hướng, gợi mở cho trẻ”, bà Kim Thanh cho biết.

Cũng là một cơ sở giáo dục được đánh giá thực hiện thành công chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức) từ lúc cơ sở vật chất còn đơn sơ, chật hẹp, đến nay đã có hệ thống cơ sở vật chất ngày một khang trang sạch đẹp, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trường trang bị đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng theo yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay. Trong các hoạt động hàng ngày, giáo viên của trường tổ chức các hoạt động tại khu thể chất, vườn rau, vườn cây ăn quả. Trẻ được tham gia khám phá, trải nghiệm qua các trò chơi dân gian và các nghề truyền thống của địa phương./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất