Thứ Bảy, 7/12/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 17/7/2024 8:55'(GMT+7)

Xây dựng văn hóa công sở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến những nội dung rất căn bản, toàn diện, sâu sắc về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: “xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(1). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ”(2). Theo đó, xây dựng văn hóa công sở cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TẦM QUAN TRỌNG VÀ TÌNH HÌNH XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG SỞ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Cán bộ, công chức, viên chức là những người làm việc trong bộ máy hành chính của Đảng, Nhà nước, đảm nhiệm các vị trí, công tác khác nhau theo quy định của Luật Công chức, viên chức. Đây là những người hằng ngày tiếp xúc với nhân dân, thay mặt Đảng, Nhà nước giải quyết, xử lý các công việc có liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người dân; họ cũng là cầu nối giữa nhân dân với Đảng. Do đó, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phụ thuộc rất lớn vào thái độ, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Đảng ta khẳng định: “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”(3); “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý”(4). Đó là những yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(5). Vận dụng tư tưởng của Người, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(6). Đó là mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc quán triệt và thực hiện theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng ta, xây dựng văn hóa công sở tốt đẹp, thân thiện, gần gũi, cầu thị lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhân dân. Có như vậy, sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước mới thành công, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN.

Xây dựng văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức chính là xây dựng thái độ, trách nhiệm trọng dân, gần dân, tin dân và lắng nghe dân để điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Bởi văn hóa công sở là bộ phận cấu thành văn hóa chung của dân tộc, là giá trị đạo đức, thể hiện sự lĩnh hội, thẩm thấu một cách sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay là hoạt động mang tính tích cực, chủ động của các cơ quan, ban, ngành và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc, trong cuộc sống, xây dựng hình mẫu người cán bộ, công chức, viên chức tận tâm, tận lực với công việc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Văn hóa công sở không phải là gì quá xa lạ, cao siêu, xa vời mà là những hoạt động rất thiết thực, gần gũi hằng ngày, phản ánh tính chất, mức độ công việc ở từng vị trí mà họ đảm nhiệm như: đi làm đúng giờ, chấp hành nghiêm các nội quy của cơ quan, đơn vị, đề cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc; tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người, đặc biệt của nhân dân; gương mẫu trong lời nói và hành động; có tình yêu thương với mọi người, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống.

Văn hóa công sở được hình thành, phát triển từ chính những suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực tiễn công việc, cuộc sống, là sự tự ý thức, tạo nên niềm tin, giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức cần phải có niềm tin vào giá trị văn hóa mà cơ quan, công sở của mình theo đuổi, đó là nền tảng, động lực mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần hăng say, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, vượt qua mọi cám dỗ, giữ mình trong sạch, liêm khiết, làm tròn bổn phận, trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức là một mặt, yếu tố cấu thành của văn hóa nói chung, không tách rời hoạt động văn hóa của con người. Quá trình bồi dưỡng phải tiến hành đồng thời, toàn diện với các nội dung khác, tuyệt nhiên không nên chú trọng vào xây dựng văn hóa công sở mà quên đi việc giáo dục, bồi dưỡng văn hóa khác như văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa doanh nghiệp... Tùy vào đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, môi trường công tác, mà xây dựng văn hóa công sở phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, cũng như trong đời sống thường ngày.

(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, xây dựng văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Văn hóa trong chính trị bước đầu được coi trọng và phát huy. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và CNXH; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định tại nơi làm việc; niềm nở, trách nhiệm trong tiếp xúc, giải công việc với nhân dân; có ý chí phấn đấu trong công việc; không ngại khó, ngại khổ, tích cực, chủ động tu dưỡng, rèn luyện năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống đáp ứng đòi hỏi của công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, nhất là trong đấu tranh, phản bác lại quan điểm sai trái, thù địch, phản động, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, trước ảnh hưởng của lối sống phương Tây, tư tưởng tiểu nông của xã hội nông nghiệp, tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không giữ được mình, bị cuốn vào vòng xoáy của tiền tài, địa vị, danh vọng. Những hiện tượng vẫn còn tồn tại, như: sự ỷ lại, thụ động; hách dịch, trịch thượng, quan cách, không lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gợi ý lót tay, thậm chí là dọa nạt, trách móc nhân dân... Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tự giác tu dưỡng, rèn luyện, sống buông thả, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bức xúc trong nhân dân. Đảng ta đánh giá: “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”(7)...

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế như: (1) Xây dựng văn hóa công sở cho cán bộ, công chức, viên chức đặt ra yêu cầu cao, song nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sắc, toàn diện, đầy đủ; (2) Việc đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng văn hóa công sở được triển khai ở nhiều nơi, song khả năng thực hiện của một bộ phận cán bộ, công chức còn thấp; (3) Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cao, song tính tự giác trong tu dưỡng rèn luyện về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao.

Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những khâu đột phá chiến lược là “Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”(8). Đó là mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần có thái độ nghiêm túc trong làm việc, nêu cao tinh thần, trách nhiệm với cơ quan, đơn vị, hình thành lề lối, tác phong ứng xử có văn hóa, có hiểu biết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

(Ảnh minh họa)

MỘT SỐ BIỆN PHÁP XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG SỞ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Một là, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, sự cần thiết xây dựng văn hóa công sở

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công sở. Bồi dưỡng văn hóa công sở là để nâng cao năng lực công tác, phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đem lại sự ổn định, đoàn kết trong và ngoài cơ quan, đơn vị. Sự nhận thức đó cần được chuyển hóa thành những việc làm cụ thể.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức dù ở cương vị, chức trách nào đều phải bồi dưỡng văn hóa công sở, đó là văn hóa hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ đích thực; văn hóa gần gũi, cởi mở, hăng say, tích cực, chủ động trong công việc; văn hóa vì cộng đồng, vì tập thể; đồng thời, đấu tranh loại bỏ tư tưởng ỷ lại, thờ ơ, bàng quan, thiếu ý thức xây dựng đơn vị. Nhận thức rõ xây dựng văn hóa công sở là hoạt động mang tính khách quan, dân chủ, không mang tính áp đặt, chủ quan; không dùng mệnh lệnh, hành chính, hách dịch trong các mối quan hệ công tác ở cơ quan, đơn vị.

Quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa nói chung và văn hóa công sở nói riêng, như: Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030...

Trên cơ sở đó, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức; định kỳ tổ chức những hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá về văn hóa công sở thông qua những kênh khác nhau, như: thăm dò trong tập thể, bình bầu các hình thức khen thưởng, thông qua giám sát của quần chúng nhân dân đến làm việc với cán bộ, công chức, viên chức. Khi đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa công sở thì cán bộ, công chức, viên chức cần tích cực, chủ động đặt mình vào tổ chức, chấp hành kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị; ở đó không có sự bình quân chủ nghĩa, không có sự giản đơn trong công việc.

Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra

Văn hóa công sở chỉ được cán bộ, công chức, viên chức thẩm thấu và lan tỏa trong thực tiễn khi họ được đặt vào trong những tình huống cụ thể, vào những mối quan hệ thường xuyên, hằng ngày, được phản ánh sinh động, phong phú thông qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thông qua tổ chức những phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị, để nâng cao tinh thần làm việc hăng say, khẩn trương, trách nhiệm. Những hoạt động thi đua cần đặt ra những yêu cầu, mục tiêu cụ thể, rõ ràng, tạo bầu không khí thi đua sôi nổi, hào hứng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, không có sự ganh đua, đố kỵ lẫn nhau để đạt được mục tiêu của mình. Qua những hoạt động thi đua trong cơ quan, đơn vị, làm cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu nhau hơn, gần nhau hơn, giúp đỡ những cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, năng lực còn hạn chế để cùng nhau hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung thi đua.

Những phong trào thi đua yêu nước của cơ quan, đơn vị cần hướng vào những nội dung mà cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu, còn yếu, từ đó đề ra những cách thức, biện pháp để xây dựng văn hóa công sở, thông qua sự nêu gương những cán bộ có văn hóa ứng xử tốt để lan tỏa, hay những hội thi, hội diễn xử trí tình huống diễn ra trong thực tiễn công tác. Kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành nghiêm quy định của cơ quan, đơn vị, không có nhiệt huyết với công việc, làm việc với tinh thần nửa vời, thiếu động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên.

Hình thành nền nếp, thói quen “4 xin” (xin chào - xin phép - xin lỗi - xin cảm ơn), “4 luôn” (luôn mỉm cười - luôn nhẹ nhàng - luôn thấu hiểu - luôn giúp đỡ) trong văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở trong sạch, lành mạnh, giản dị, nhân văn, vì sự phát triển ổn định, bền vững của cơ quan, địa phương. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI khẳng định: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống”(9). Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng”(10).

Ba là, phát huy tinh thần tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa công sở để từng bước hoàn thiện mình, nâng cao năng lực công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức

Những văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức đã tương đối đầy đủ, toàn diện. Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là sự tự giác, tự điều chỉnh, tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng văn hóa công sở. Văn hóa công sở phải được chính họ thực hiện thông qua những công việc cụ thể hằng ngày, chứ không phải thông qua sự gượng ép, bắt buộc của một cá nhân, hay tổ chức nào. Tinh thần tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa công sở cần được kế thừa, tiếp thu ở những môi trường, điều kiện khác nhau, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi không gian, thời gian nhất định, cần có sự mở rộng, lan tỏa văn hóa công sở đến các đối tượng, ngành nghề. Có như vậy, văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở trong cán bộ, công chức, viên chức mới được nâng cao.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa công sở phù hợp với bản thân, với công việc đảm nhiệm; dự kiến những tình huống, sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đối chiếu với nội dung, chương trình đã xác định, xem mức độ thực hiện đến đâu, để bổ sung, điều chỉnh. Biết vượt qua những khó khăn, thử thách, luôn lắng nghe, quan sát, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, biết phát huy thế mạnh, sở trường, hạn chế những khuyết điểm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực”(11).

Bốn là, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức

Đây là nội dung rất quan trọng để xây dựng văn hóa công sở cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm đánh giá những nội dung đã được thực hiện ở mức độ nào để có những điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức.

Việc đánh giá, rút kinh nghiệm được tổ chức định kỳ theo quý, theo năm diễn ra trên các mặt công tác, hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, làm cho họ nhận thức rõ bản thân đã hình thành được văn hóa công sở chưa, đã thực hiện được ở những nội dung nào. Điều này sẽ tạo ra tính nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Nội dung đánh giá, rút kinh nghiệm cần mang tính khách quan, dân chủ, công khai, thẳng thắn chỉ ra những ưu, khuyết điểm của nhau, tuyệt nhiên không được lợi dụng hội nghị để phê phán, chỉ trích, miệt thị nhau. Trong đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc duy trì, điều hành hội nghị, tạo không khí sôi nổi, lành mạnh, đoàn kết để mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhận thấy cả tập thể cơ quan, đơn vị là khối thống nhất về ý chí và hành động. Chú trọng đến việc động viên, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến kịp thời, đúng người, đúng việc đối với những cán bộ, công chức, viên chức có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công việc, tích cực, rèn luyện bản thân, có những tham mưu, đề xuất hay, sáng tạo trong bồi dưỡng văn hóa công sở. Xử lý nghiêm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đối với cán bộ, công chức, viên chức có lòng dạ không trong sáng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bất chấp luật pháp, làm giàu bất chính...

Xây dựng văn hóa công sở là giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước thời thời kỳ mới. Sự vận động của thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, xứng đáng là “người đầy tớ” trung thành của nhân dân./.

PGS, TS TRẦN THANH GIANG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

_________________

(1) (3) (4) (6) (7) (8) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.143, 110, 144, 96, 84, 220, 144.

(2) (11) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.60, 34.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.232.

(9) Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

(Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất