Ngày
13/3 cách đây 70 năm về trước, Quân đội ta nổ phát súng đầu tiên vào
tập đoàn cứ điểm quân địch, mở màn 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên
Phủ.
Song, để 13/3/1954 trở thành
ngày mở màn cho một chiến dịch lịch sử, trước đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những quyết sách đúng trong việc thay
đổi phương châm tác chiến, góp phần đưa Chiến dịch đến thắng lợi, để lá
cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm
tướng De Castries vào ngày 7/5/1954.
Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời Kế hoạch
Nava. Trọng tâm của kế hoạch này là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập
đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn
của Tây Bắc và Thượng Lào, với mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt
phần lớn bộ đội chủ lực của ta, tiến tới kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và
bình định cả Nam Đông Dương.
Các tướng lĩnh Pháp khen ngợi hết lời tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và
mệnh danh đây là "con nhím" lợi hại với những công sự bê tông kiên cố,
tua tủa mọc ra bốn hướng. Tại nơi lòng chảo Mường Thanh, thực dân Pháp
bố trí 16.200 quân với 21 tiểu đoàn thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam,
gồm 49 cứ điểm hỗ trợ nhau, vòng trong, vòng ngoài. Hai sân bay Mường
Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận
chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch.
Coi Điện Biên Phủ là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh", tướng
Cogny huyênh hoang nói: "Chúng ta đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét
sạch đối phương đông gấp 4 - 6 lần…". Tướng Navarre nhận xét: "Họ mà xuống
là chết với chúng ta...".
Đặc biệt, trước khi trận đánh diễn ra, đích thân Phó Tổng thống Mỹ
Richard Nixon (sau này trở thành Tổng thống) đã lên thị sát việc xây
dựng cụm cứ điểm để "đảm bảo cho khoản đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được
sử dụng hiệu quả", cũng rất hài lòng, không có một ý kiến nào phê phán.
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953,
Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương
án tác chiến "Đánh nhanh thắng nhanh". Tuy nhiên, đánh giá tương quan
lực lượng của hai bên cho trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đã ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của
mình: Dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ "đánh nhanh,
thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến dẫn đến việc kéo pháo ra là
một thử thách không nhỏ với các cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Quyết định
đó đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của
hàng ngàn con người đã đổ xuống trên đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ
đã vượt qua... giờ lại phải kéo pháo ra. Trước tình hình đó, cấp ủy các
đơn vị đã triệu tập hội nghị cán bộ, tập trung làm công tác tư tưởng,
phổ biến tỉ mỉ phương châm và kế hoạch tác chiến mới, giải thích cặn kẽ
lý do để bộ đội hiểu, động viên mọi người vượt qua khó khăn thử thách,
hoàn thành nhiệm vụ mới.
Dồn trí, lực và quyết tâm "Tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến
thắng", trong vòng gần 2 tháng sau đó, quân đội ta tiếp tục đánh nghi
binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ. Rồi
ta lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu
hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp. Lương thảo, vũ khí từ hậu
phương dồn lên cho mặt trận cũng nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận
đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn dân công đã tham gia tải
thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến
trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa. Chỉ tính
riêng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra tiền tuyến 9.000 tấn gạo, nhân
dân tỉnh Lai Châu đóng góp cho Điện Biên Phủ 2.666 tấn gạo, 226 tấn
thịt; 210 tấn rau xanh, huy động 16.972 dân công, tham gia 517,210 ngày
công; 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, đóng góp 25.070 cây gỗ để làm đường.
Nhân dân Liên khu V trong bốn năm (từ 1951-1954) đã đóng góp 1.322.600
tấn thóc và số tiền tương đương 1.500.000 tấn. Nhân dân cả nước đóng
góp 25.056 tấn gạo, góp 26 vạn người đi dân công hỏa tuyến, riêng tuyến
hậu cần Chiến dịch đã sử dụng lực lượng khoảng 33.500 người phục vụ với
hơn 30.000 ngày công.
Ý nghĩa to lớn của Chiến dịch cũng thấm tới từng người: "Tiêu diệt tập
đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, đập tan kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu
kéo dài chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, mở ra một cục diện
mới cho kháng chiến".
Ngày 11 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ:
"Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn khó khăn
nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi
vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ
vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!".
Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn
chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ
điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy
25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trong
tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng
vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình
trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và
mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của
quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ
cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã
làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa
cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị
quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Chiến
thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử".
Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Genève về chấm dứt
chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để
nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của
dân tộc Việt Nam vì ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của nó. Như Thủ
tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng
lẫy năm châu, chấn động địa cầu" có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm
thời đại sâu sắc, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất
khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam
dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành
của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện chính trị quan trọng
thông qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục truyền
thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ;
động viên khích lệ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và Tây Bắc; tôn
vinh, tri ân người có công với cách mạng, với đồng bào, chiến sĩ đã đóng
góp công sức, xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời qua đó
góp phần xây dựng phát triển Điện Biên ngày càng giàu mạnh./.
HẠNH QUỲNH (TTXVN)