Thứ Bảy, 27/7/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 2/8/2021 14:23'(GMT+7)

Chuẩn bị toàn diện các phương án chủ động ứng phó trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Điểm cầu huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên

Điểm cầu huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên

CẦN NÂNG MỨC TRONG CÁC KỊCH BẢN PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Hơn 700 điểm cầu trong cả nước đã được kết nối tại hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống COVID-19 tại điểm cầu Bộ Y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sáng 2/8. Tại nhiều điểm cầu có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. 

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này có diễn biến nhanh, xảy ra trên địa bàn rộng, trong một thời gian ngắn, số ca mắc tăng rất cao. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, "ở những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, chúng ta phải xác định tiếp tục công cuộc phòng chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ.” Vì vậy, các địa phương cần nghiêm túc quan tâm tới công tác phòng chống dịch để tránh xảy ra tình trạng hoang mang, bị động khi dịch xảy ra trên diện rộng. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các địa phương cần hết sức lưu ý về năng lực ứng phó an toàn trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua kiểm tra thực tiễn công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương và nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng có rất nhiều địa phương có cách làm hay trong phòng chống dịch, nhưng cũng có nhiều địa phương trong xây dựng kịch bản phòng chống dịch trên địa bàn đã chưa tính hết những tình huống có thể xảy ra dù Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần chủng virus Delta sẽ lây lan mạnh, rộng, khó kiểm soát và kéo dài. Hầu hết tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế, vẫn chưa chuẩn bị chu đáo cho phòng chống dịch. Một số địa phương chưa phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn năng lực để chủ động ứng phó với dịch. 

QUAN TÂM NĂNG LỰC ỨNG PHÓ VỀ ĐIỀU TRỊ VÀ XÉT NGHIỆM

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng cần quan tâm sâu sắc đến điều trị và xét nghiệm. Đây là 2 vấn đề khó đáp ứng theo tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh của các địa phương hiện nay. Do đó, các địa phương cần hết sức quan tâm đến năng lực ứng phó về điều trị và xét nghiệm.

Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đây là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay. “Hiện nay, năng lực ứng phó của các địa phương về điều trị COVID-19 vẫn chủ yếu trông chờ vào cơ sở đang có, nhưng trên thực tế hệ thống điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu,”.

Hiện nay, Bộ Y tế đã phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, theo đó tầng 1 là các cơ sở cách ly F1 để triển khai thiết lập địa điểm theo dõi sức khỏe. Những bệnh nhân không có triệu chứng phân bổ vào điều trị ở tầng này, không cần nhiều nhân lực y tế. Sau điều trị 7 ngày, nếu xét nghiệm âm tính, chỉ số tải lượng virus CT > 30 thì cần cho ra viện. Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. Tại tuyến điều trị này phải có hệ thống oxy và oxy trung tâm, nhân viên y tế phải được trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần. Với các trường hợp nếu bệnh nhân diễn biến nặng cần đưa ngay lên tầng 3 - tầng điều trị cao nhất. Tại tầng điều trị này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch. "Ngay bây giờ, kể cả các địa phương chưa có dịch cũng cần phải rà soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tập huấn lại trên toàn tuyến”- Bộ trưởng yêu cầu. 

Các địa phương cũng lưu ý rà soát số lượng nhân lực sử dụng cho tầng điều trị 2, số lượng nhân lực cho tầng điều trị 3 để có điều phối trong trường hợp cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh yếu tố cần thiết trong điều trị là chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế như máy thở, oxy, thuốc men, vật tư tiêu hao. Trong chuẩn bị hậu cần cho điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 phải chuẩn bị sẵn về oxy và máy thở; các cơ sở y tế phải rà soát, lên phương án chuẩn bị ngay.

Tất cả các địa phương cần chuẩn bị ngay kịch bản dịch lan rộng, có tình huống xấu trên địa bàn; kiên định những nguyên lý, nguyên tắc phòng, chống dịch đã làm và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về vấn đề truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, giãn cách xã hội. Đối với các địa phương chưa có dịch phải ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời.

Việc lấy mẫu xét nghiệm áp dụng một cách linh hoạt, hiệu quả, có thể gộp mẫu theo hộ gia đình. Các địa phương chuẩn bị năng lực xét nghiệm, hình thành ê kíp vận hành công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt chú ý đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị theo nguyên tắc "4 tại chỗ”;

Những địa phương đã tổ chức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải làm thật nghiêm, vì đây là giải pháp duy nhất để đảm bảo giảm tốc độ lây nhiễm, kết hợp hài hòa giữa việc xét nghiệm và giãn cách xã hội, đưa F0 ra khỏi cộng đồng.

Các địa phương tổ chức tăng tốc tiêm vắc - xin phòng COVID-19, lập kế hoạch cụ thể để có vắc - xin nào tiêm vắc - xin đó, tiêm nhanh những vùng phong tỏa; rà soát lại theo Kế hoạch 3355 của Bộ Y tế về triển khai Chiến dịch tiêm vắc - xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022.

 Vân Anh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất