Thứ Bảy, 27/7/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 22/11/2023 14:59'(GMT+7)

Chuyển biến sau 15 năm thực hiện Nghị quyết về văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Một số hoạt động của các hội viên tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật

Một số hoạt động của các hội viên tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật

Sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã tích cực trong công tác chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện. Ngày 25/9/2008, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 23 gắn với triển khai Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, thực hiện tốt văn bản của Trung ương.

Khánh Hòa là nơi hội tụ của những giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống độc đáo với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế, là tài sản quý giá để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch. Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển văn học nghệ thuật được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, như thông qua các chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Khánh Hòa, Cổng thông tin điện tử tỉnh, đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố, các bản tin, tạp chí, các buổi nói chuyện chuyên đề... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và đoàn viên và Nhân dân về tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp phát triển của đất nước; đồng thời định hướng đội ngũ văn nghệ sĩ phản bác các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, phòng chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Hoạt động sáng tác, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật luôn bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Hội Bài Chòi Nha Trang - Nét đẹp văn hóa nghệ thuật với những ý nghĩa sâu sắc, độc đáo 2
Không gian tổ chức Hội Bài Chòi Nha Trang đầy những màu sắc khác nhau từ những bộ trang phục, lá cờ.

Khánh Hòa luôn quan tâm, khuyến khích tự do trong sáng tạo văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ. Tỉnh có chủ trương khuyến khích, đặt hàng các văn nghệ sĩ, đơn vị hoạt động nghệ thuật tăng cường dàn dựng, sáng tác các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phù hợp với nhu cầu giải trí, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh của Nhân dân. Trong 15 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh đã sáng tác và quảng bá nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, nhất là các tác phẩm về quá trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp, phát triển hiện đại...

Công tác xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, nghệ thuật đã được tỉnh quan tâm thực hiện. Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh được kiện toàn về tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ. Hiện nay, Hội có 6 chi hội chuyên ngành với tổng số 398 hội viên, trong đó có 103 hội viên là đảng viên, 150 hội viên các Hội chuyên ngành của Trung ương; có 01 nghệ nhân nhân dân, 16 nghệ nhân ưu tú; 03 nghệ sĩ nhân dân và 13 nghệ sĩ ưu tú.

Tỉnh luôn tạo điều kiện cho trên hàng trăm hội viên tham dự các lớp tập huấn, trại sáng tác do Trung ương tổ chức; phối hợp mở các lớp tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cho đội ngũ văn nghệ sĩ tại tỉnh; cử nhiều đoàn nghệ thuật, nghệ nhân tham gia các chương trình biểu diễn, giao lưu văn học, nghệ thuật ở khu vực, trong nước; hỗ trợ sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm phát triển về văn hóa và văn học, nghệ thuật đối với 20 tác giả với số tiền 500 triệu đồng/năm; tổ chức các đợt triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cho các hội viên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Tạp chí Nha Trang luôn nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức; xuất bản hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật và các bài nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật. Việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng, năng khiếu về văn học, nghệ thuật được chú ý. Câu lạc bộ sáng tác trẻ ngày càng hoạt động có hiệu quả và từng bước đi vào chiều sâu. Hoạt động sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ diễn ra sôi nổi về cả chiều rộng và chiều sâu, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, chuyên ngành. Đặc biệt, Khánh Hòa có 06 tác giả được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; có 119 tác phẩm thuộc 06 chuyên ngành trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được trao tặng các giải (A, B, C, Khuyến khích); có 300 tác phẩm văn học nghệ thuật được UBND tỉnh tặng thưởng văn học nghệ thuật ...

Việc xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương, đơn vị đã xây dựng và phát huy tốt phong trào VHNT quần chúng như: thành phố Nha Trang với Câu lạc bộ Bài chòi và Đờn ca tài tử; thị xã Ninh Hòa với Câu lạc bộ văn học- nghệ thuật, nghệ thuật hô bài chòi, Câu lạc bộ Trăng thơ xã Ninh Phụng, Câu lạc bộ thơ xứ Trầm Hương; Khánh Sơn, Khánh Vĩnh với mô hình thành lập các Đội Mã La, Đàn Đá, đội múa hát dân gian; đàn Chapi và thổi kèn bầu… Ngoài ra, các địa phương, đơn vị tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn văn nghệ các cấp, các triển lãm, cuộc vận động sáng tác ca khúc về địa phương. Qua đó, phát hiện nhiều nhân tố mới và kịp thời tập hợp, bồi dưỡng trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ sôi nổi nhân các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa; Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023 với chủ đề “Khánh Hòa - Khát vọng phát triển” và Chương trình liên kết phát triển du lịch qua điện ảnh. Đồng thời duy trì hoạt động của các đội nghệ nhân cồng chiêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu; nhiều hoạt động di sản văn hóa, nghệ thuật được tổ chức; công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thực hiện tốt việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật với thế giới, đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia các Lễ hội Namaste Việt Nam năm 2022, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc năm 2016 và năm 2022; triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian, góp phần quảng bá nghệ thuật bài chòi ra thế giới. Khánh Hòa tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, hội viên văn nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đặc biệt, lực lượng 35 các cấp thường xuyên chia sẻ, đăng tải thông tin đấu tranh với các tin, bài xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, văn nghệ; chia sẻ, tuyên truyền tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn, biểu dương các gương điển hình thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn học, nghệ thuật trong những năm qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật và hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật các dân tộc tỉnh còn hạn chế; còn thiếu những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật viết về tỉnh; chương trình biểu diễn về nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật truyền thống chưa tương xứng với nhu cầu xã hội; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh chưa thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; chính sách trọng dụng, ưu đãi văn nghệ sĩ có tài năng còn hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao; Mảng lý luận phê bình còn hạn chế…

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy đến dự Khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật Nét đẹp Khánh Hòa.

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Khánh Hòa nhiệm vụ quan trọng về phát triển văn học, nghệ thuật với mục tiêu phấn đấu hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp, phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, làm cho văn học, nghệ thuật ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển văn học, nghệ thuật như:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình hành động số 23-CTr/TU, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển văn học nghệ thuật nhất và Phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021;

Hai là, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhất là trong những ngày lễ lớn của đất nước, địa phương và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội;

Ba là, chú trọng công tác bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với Đàn đá Khánh Sơn; hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa…

Bốn là, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; kịp thời phát hiện các vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong quản lý và hoạt động văn hóa, nghệ thuật để đề xuất các phương án giải quyết; quan tâm kiện toàn bộ máy lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; chú trọng công tác đào tạo tài năng trẻ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật…/.

Hải Vân- Ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất