Chủ Nhật, 15/12/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 26/10/2018 12:42'(GMT+7)

Đại biểu quốc hội lo chính sách cho đồng bào dân tộc còn "chắp vá"

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, đại biểu đoàn Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng trong hệ thống chính sách (gồm 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp) vẫn chủ yếu là lo tình thế là chính, chứ chưa thực sự có được tính tổng thể, tính toàn diện.

Do vậy, theo đại biểu này "Chúng ta đang có một "cái áo" chưa bền và thiếu một "cái áo" mới cho đồng bào dân tộc miền núi".

CẦN XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ VỀ DÂN TỘC MIỀN NÚI

Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước và sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước.

Chủ yếu là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái .

Chính phủ cũng cho biết, từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình và hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016) trong khi tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%.

"Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ và 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo, 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135", báo cáo của Chính phủ cho hay.

Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận nhiều hạn chế, bất cập, đơn cử như vấn đề di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực, trong khi tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước.

"Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Vẫn còn khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt", báo cáo Chính phủ cho biết thêm.

Nhìn nhận từ thực tế, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng mỗi một vùng đều có đặc điểm địa khí hậu, địa bàn khác nhau, thậm chí có những thay đổi về diện mạo do phát triển kinh tế, do thủy điện, thậm chí do phá rừng hoặc vấn đề ô nhiễm môi trường… Từ đó khiến hệ sinh thái thay đổi ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự canh tác.

Chính vì thế, đại biểu đoàn Quốc hội Bến Tre đề nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng bộ tiêu chí về dân tộc miền núi nhằm đánh giá độ khó của từng vùng, từng dân tộc, qua đó có chính sách hỗ trợ, phát triển đúng và trúng với thực tiễn.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Phước. (Ảnh: Vietnam+)

CÀO BẰNG, CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ SẼ KHÔNG CAO

Nhấn mạnh về các chính sách với đồng bào dân tộc miền núi và thiểu số, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị mỗi một nhóm chính sách phải có một điểm nhấn. Ông cho rằng, Quốc hội phải có một cuộc giám sát toàn diện chính sách với dân tộc miền núi, nhằm nghiên cứu xây dựng một đạo luật riêng về dân tộc miền núi.

"Chúng ta mới nhìn nhận là khó khăn nhưng không chỉ là khó khăn đơn thuần, mà người ta còn phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề quốc phòng - an ninh cho đất nước, cần phải có một chính sách ưu tiên, chứ đây không phải là ưu tiên để đảm bảo cho người ta giảm nghèo, mà ưu tiên để đảm bảo rằng chúng ta giữ được phên dậu cho đất nước", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khuyến nghị.

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, con số báo cáo lao động trong độ tuổi có việc làm là 8,01 triệu (chiếm 86,1%) cao hơn mặt bằng chung của cả nước (76,4%) là chưa sát thực tế, hơn nữa tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số là 5,76%, cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước 2,34%.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh thêm, do khu vực miền núi thiếu việc làm dẫn đến tình trạng lao động tự phát qua biên giới, lao động tự do về các trung tâm đô thị, xu hướng đi lao động ở các khu công nghiệp, hầm mỏ ngày càng nhiều.

"Đây là những vấn đề mới cần được bổ sung và nghiên cứu để có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho lao động dân tộc thiểu số", đại diện Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho hay.

Liên quan đến việc dạy nghề, Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng nêu rõ, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên người dân tộc thiểu số mới đạt 6,2%, trình độ cao đẳng trở lên là 3% (tương ứng tỷ lệ chung cả nước là 1/4 và 11,3%) và là chỉ số rất thấp. Đồng thời, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích số lượng sau đào tạo có việc làm và hiệu quả sau đào tạo, nhất là đối với loại hình đào tạo dưới 3 tháng.

Từ những đánh giá trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần rà soát, làm rõ về số lượng chính sách hiện nay, trên cơ sở tiêu chí thống nhất về đối tượng, phạm vi, địa bàn, lược bỏ sự trùng lắp, không đồng nhất số lượng văn bản với số lượng chính sách cũng như lược bỏ văn bản quy định chính sách chung nhưng không có đối tượng là vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Còn theo ý kiến của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Phước, các cơ quan chức năng phải tập trung, tích hợp các chính sách, để tránh đầu tư dàn trải.

Dẫn chứng thêm, đại biểu Hạnh cho biết, qua báo cáo có 118 chính sách đang triển khai và 10 bộ ngành đang quản lý triển khai những chính sách về đồng bào dân tộc và miền núi, do vậy theo bà, các cơ chế và nguồn lực phân bổ sẽ khác nhau, thậm chí có thể dẫn tới chồng chéo, chưa phát huy được hiệu quả.

Đại biểu đoàn Bình Phước cũng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chưa kể việc tiếp cận y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều hạn chế…

Chính vì vậy, theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, các chính sách phải có sự tích hợp để phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đánh giá hộ nghèo ở khu vực đồng bằng, miền núi, Tây Nguyên, Tây Bắc có sự chênh lệch, do vậy nếu cào bằng, hiệu quả dầu tư của chính sách sẽ không cao./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất