Chủ Nhật, 15/12/2024
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Thứ Tư, 1/5/2024 10:31'(GMT+7)

Hậu phương Liên khu Việt Bắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay

Tái hiện hình ảnh trùng trùng các đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (một phần trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ).

Tái hiện hình ảnh trùng trùng các đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (một phần trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ).

HẬU PHƯƠNG LIÊN KHU VIỆT BẮC TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Liên khu Việt Bắc được hình thành từ tháng 11/1949 trên cơ sở thống nhất Liên khu 1 và Liên khu 10. Từ năm 1949 đến năm 1956, địa bàn Liên khu Việt Bắc có nhiều sự thay đổi về hành chính. Thời gian đầu, Liên khu Việt Bắc bao gồm 17 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên, Hải Ninh, Phúc Yên, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu; 1 đặc khu Hòn Gai và châu Mai Đà (tỉnh Hòa Bình). Năm 1950, tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất thành Vĩnh Phúc. Ngày 17/7/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định “thành lập Khu Tây Bắc gồm bốn tỉnh: Yên Bái, Lào Kay, Lai Châu và Sơn La. Bốn tỉnh đó từ nay sẽ đứng ngoài Liên khu Việt Bắc”(1). Đến ngày 12-6-1956, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 19/8/1956, Khu tự trị Việt Bắc chính thức hoạt động và Liên khu Việt Bắc ngừng hoạt động.

Liên khu Việt Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược: có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào; được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn xây dựng căn cứ địa - nơi ở và làm việc của các cơ quan trung ương; là địa bàn rộng, có điều kiện thuận lợi về tự nhiên để sản xuất nông - lâm nghiệp cũng như che giấu, bảo vệ cán bộ, đấu tranh với kẻ thù; là chiến trường chính của Bắc Bộ - nơi diễn ra nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa quan trọng với cách mạng cả nước. Đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, kẻ thù lại tập trung đánh phá, song đồng bào luôn có truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường. Với những đặc điểm đó, Liên khu Việt Bắc đã trở thành hậu phương chiến lược của cách mạng cả nước, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ.

V.I.Lênin khẳng định: “Muốn tiến hành chiến tranh một cách thật sự, phải có một hậu phương được tổ chức vững chắc. Một quân đội giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng, cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện một cách đầy đủ”(2). Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được vị trí, vai trò của hậu phương đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. Muốn tiến hành kháng chiến lâu dài phải xây dựng, củng cố và phát triển hậu phương vững chắc nhằm cung cấp nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến. Liên khu Việt Bắc không chỉ là địa bàn được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng quan trọng, mà còn là hậu phương chiến lược của cách mạng cả nước. Chính vì vậy, những đóng góp về nhân lực, vật lực của Liên khu Việt Bắc cho mặt trận là rất to lớn.

Bước sang năm 1953, thực dân Pháp lệ thuộc ngày càng sâu vào viện trợ quân sự của Mỹ hòng tìm lối thoát trong danh dự. Tháng 5/1953, Đại tướng Nava được cử sang Đông Dương làm Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Đến tháng 7/1953, tướng Nava vạch ra kế hoạch chính trị, quân sự mới có tên “Kế hoạch Navarre”, dự kiến trong vòng 18 tháng sẽ “chuyển bại thành thắng”. Trong quá trình triển khai kế hoạch, Nava đã từng bước xây dựng Điện Biên Phủ trở thành căn cứ quân sự “không thể công phá”. Từ những động thái đó của thực dân Pháp, Trung ương Đảng chỉ đạo phải tiếp tục mở những trận đánh lớn trên chiến trường. Đến ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe báo cáo của Tổng Quân ủy về phương án tác chiến mùa xuân năm 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng xác định: “Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay... Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm được...”(3), cũng như yêu cầu cung cấp cho mặt trận không ngừng tăng lên. Trong quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biện Phủ, riêng kế hoạch cung cấp vào tháng 5-1954, Hội đồng cung cấp Trung ương giao cho Liên khu Việt Bắc phải bảo đảm 1.000 tấn gạo, 90 tấn thịt trâu, bò, 30 tấn thực phẩm khô(4).

Để hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao phó cũng như thống nhất tư tưởng hành động trong toàn Liên khu, ngày 8/12/1953, Ban Thường vụ Liên khu ủy Việt Bắc ban hành Thông tri số 89-TT/LKVB, “Về công tác phục vụ tiền tuyến”, trong đó nêu rõ tầm quan trọng, cấp thiết và những khó khăn của công tác phục vụ tiền tuyến lúc này. Đến năm 1954, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biện Phủ càng diễn ra khẩn trương, mau lẹ, yêu cầu cung cấp cho mặt trận ngày càng lớn thì khó khăn ngày càng nhiều. Chính vì vậy, tại Hội nghị Liên khu ủy Việt Bắc, họp từ ngày 17/1 đến ngày 31/1/1954, chỉ đạo: “Việc cung cấp cho tiền tuyến là một nhiệm vụ có tính chất thường xuyên. Phải vượt qua tất cả những khó khăn để bảo đảm hoàn thành việc cung cấp cho tiền tuyến đánh giặc”(5). Chủ trương đó của Đảng bộ Liên khu triển khai đến các địa phương, được đồng bào các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng trong lao động, sản xuất, chiến đấu.

Đứng trước yêu cầu của cuộc kháng chiến và nhiệm vụ mà Trung ương giao phó, Đảng bộ Liên khu Việt Bắc xác định: “Liên khu Việt Bắc là căn cứ địa của kháng chiến thì yêu cầu cung cấp cho kháng chiến càng nhiều, lại càng phải chú trọng đến bồi dưỡng sức dân”(6). Có dựa vào dân, luôn bồi dưỡng lực lượng vật chất, tinh thần cho nhân dân mới bảo đảm đời sống của nhân dân, huy động được sự đóng góp càng nhiều của nhân dân cho mặt trận. Với nhận thức như vậy, Đảng bộ Liên khu Việt Bắc đã chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế, coi công tác kinh tế - tài chính hết sức quan trọng, trong đó nhấn mạnh, cần tăng cường phát triển sản xuất nông nghiệp để sản xuất được nhiều lúa, ngô, khoai, sắn bên cạnh các ngành khác.

Thực hiện chủ trương bồi dưỡng sức dân của Trung ương Đảng “động viên lực l­ượng của dân phải đi đôi với bồi d­ưỡng lực l­ượng của dân. Bồi dưỡng dân nhiều hơn đòi hỏi dân thì càng kháng chiến, lực l­ượng của dân càng dồi dào. Vì thế, mới kháng chiến tr­ường kỳ cho đến toàn thắng đ­ược”(7). Đảng bộ Liên khu chỉ đạo: “Năm nay phải kết hợp việc phát triển sản xuất và thực hiện thăng bằng thu - chi với công tác phát động quần chúng”(8). Đảng bộ Liên khu đã lãnh đạo thí điểm công tác phát động quần chúng tại xã Hùng Sơn (Thái Nguyên), Đồng Xuân, Tân Trào, Hiệp Hòa (Phú Thọ). Đến tháng 10/1953, căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Liên Khu Việt Bắc chủ trương “phát động quần chúng đợt 3 sẽ làm 200 xã nhằm Thái Nguyên, Phú Thọ là chính”(9), từ đó tiến hành bố trí, huấn luyện cán bộ, tổ chức lãnh đạo và thường xuyên rút kinh nghiệm. Đảng bộ Liên khu nhấn mạnh: Công tác cải cách ruộng đất thành công, sức sản sinh ở nông thôn mới được giải phóng, lực lượng của nông dân được bồi dưỡng..., do đó sẽ đẩy mạnh mọi công tác kháng chiến làm cho khu căn cứ địa sẽ trở nên bức thành kiên cố vững chắc hơn nữa trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Chính vì vậy, công tác cải cách ruộng đất được Đảng bộ Liên Khu xác định là nhiệm vụ chủ yếu ở vùng tự do trong năm 1954. Ngày 7/3/1954, Ban Thường vụ Liên khu ủy Việt Bắc ban hành Thông tri số 19-TT/LKVB, “Về việc thi hành kế hoạch phát động quần chúng giảm tô đợt 4”, trong đó nhấn mạnh, các tỉnh ủy, đoàn ủy “phải chỉ đạo công tác phát động quần chúng giảm tô cho được vững, nhanh, tốt gọn như phương châm trung ương đã đề ra”(10).

Việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất, giảm tô, giảm tức và chuẩn bị tiến hành cải cách ruộng đất làm cho đồng bào các dân tộc Việt Bắc phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất và tham gia kháng chiến. Các phong trào thi đua sản xuất diễn ra sôi nổi, bà con tích cực đào mương, phai, ao, chuôm để chống hạn, tiến hành cấy thâm canh, bón phân, làm cỏ, vun xới, ủ rơm rạ trên mặt luống, thả bèo hoa dâu vào ruộng lúa để chống hạn... Nhằm bảo đảm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa huy động dân công đi phục vụ chiến dịch, sửa chữa cầu đường, bà con đã tiến hành đổi công, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Các nghề phụ gia đình cũng được phát triển, mậu dịch được chấn chỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất. Những tháng đầu năm 1954, khi công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ được đẩy lên mức cao nhất, hậu phương càng nỗ lực, cố gắng giải quyết những khó khăn về lao động, phương tiện... Đảng bộ Liên khu chỉ đạo để động viên hậu phương, tiền tuyến cùng thi đua lao động, sản xuất, giết giặc lập công, cần “thường xuyên báo cáo tin chiến thắng cho nhân dân hậu phương đi đôi với việc đem thành tích của hậu phương báo cáo cho anh em bộ đội ngoài tiền tuyến”(11).

Để xây dựng hậu phương vững mạnh, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, Đảng bộ Liên khu Việt Bắc còn tập trung chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ Liên khu. Năm 1953 và 1954, với âm mưu kết thúc chiến tranh dưới sự giúp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp, một mặt ra sức bình định vùng tạm chiếm, mặt khác tăng cường đánh phá, quấy rối vùng tự do của ta nhằm làm giảm sút khả năng phục vụ tiền tuyến của hậu phương, đẩy ta đến chỗ phải đánh nhau với chúng ở mọi địa bàn. Ở Liên khu Việt Bắc, lợi dụng những nơi cơ sở của ta còn non yếu, cán bộ và bộ đội ít hoạt động, địch tung biệt kích, đặc vụ, việt gian vào mua chuộc, lừa phỉnh, uy hiếp nhân dân để tổ chức cơ sở thổ phỉ phản động chống lại các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là thuế nông nghiệp và dân công. Bên cạnh biện pháp vận động nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, Đảng bộ Liên khu Việt Bắc tích cực chỉ đạo, tổ chức công tác chống địch cướp phá mùa màng, tiễu trừ thổ phỉ và phản động nhằm bảo vệ hậu phương trước sự phá hoại của kẻ thù.

Ngày 18-12-1953, Ban Thường Vụ Liên khu ủy Việt Bắc ban hành Chỉ thị số 52-CT/LKVB, “Gửi các tỉnh ủy Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn về đẩy mạnh hoạt động tiễu phỉ ở khu vực giáp giới bốn tỉnh”, trong đó nhấn mạnh: “Muốn tiêu diệt được thổ phỉ, ta phải dùng lực lượng quân sự trấn áp hoạt động võ trang của chúng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, lôi kéo những phần tử lầm đường theo phỉ, tranh thủ quần chúng, khiến cho nhân dân không sợ phỉ, căm ghét phỉ và mạnh bạo hợp tác với ta tiêu diệt những tên đầu sỏ lúc đó đã bị cô lập”(12), đồng thời thành lập ban chỉ đạo công tác tiễu phỉ. Ban chỉ đạo đã khẩn trương tiến hành đợt 3 cuộc vận động tiễu phỉ ở Bản Mạn, xã Bằng Thành và khu vực xung quanh. Đầu năm 1954, đoàn mở rộng phạm vi hoạt động ra các xã Nghiên Loan, Xuân La..., phối hợp với chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh mở nhiều đợt tấn công, truy quét vào hang ổ phỉ. Thắng lợi của công tác tiễu phỉ đã nâng cao tinh thần giác ngộ của nhân dân, tình hình an ninh chính trị ở hậu phương từng bước trở lại ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Đảng bộ Liên khu, yên tâm tăng gia sản xuất và phấn khởi, hăng hái tham gia công tác kháng chiến.

Với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, một “chiến dịch cầu đường” được triển khai trên quy mô lớn tại Liên khu Việt Bắc. Các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền, động viên, huy động nhân dân cùng cán bộ, chiến sĩ cầu đường sửa chữa, bảo vệ các con đường huyết mạch. Với tinh thần yêu nước, nhiều đoàn dân công bao gồm già, trẻ, gái, trai từ các rẻo cao đổ về các tuyến đường số 1, số 3 không kể ngày đêm làm nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm giao thông vận tải. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhân dân các địa phương có sáng kiến thành lập các “Tổ bảo vệ”, các “Đội chủ lực sửa chữa” cầu đường. Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc và sự nỗ lực của nhân dân, diện tích, năng suất lúa và hoa màu đã tăng lên, giao thông vận tải được bảo đảm và giữ vững, công tác tiễu phỉ đạt nhiều kết quả..., có tác dụng to lớn trong việc xây dựng, củng cố hậu phương, đồng bào các dân tộc yên tâm, hồ hởi, nỗ lực chi viện ở mức cao nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong toàn bộ thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên khu Việt Bắc đã cung cấp: 4.680 tấn lương thực và 130.554 lượt dân công phục vụ chiến dịch(13), với tổng 35.000 dân công(14). Riêng các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn trong đợt 2 và 3 của chiến dịch còn tiếp tục gửi ra mặt trận cho bộ đội 34.000 kg thịt lợn(15). Tính riêng 6 tỉnh của Liên khu là Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh đã huy động và đưa ra mặt trận 4.680 tấn gạo, 118 tấn thịt, 113 tấn vừng, đậu, lạc(16).

Học sinh nghe kể chuyện Điện Biên. (Ảnh: TTXVN).

MỘT SỐ BÀI HỌC ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

Thực tiễn xây dựng hậu phương Liên khu Việt Bắc cũng như quá trình đóng góp của Liên khu đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ để lại những bài học quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một là, luôn tin tưởng vào nhân dân để phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường.

Liên khu Việt Bắc là địa bàn rộng, có nhiều tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đảng bộ Liên khu Việt Bắc đã có những chủ trương sát hợp khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào. Đồng bào các dân tộc ở Liên khu Việt Bắc quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tham gia lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang đóng góp cho mặt trận, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(17) là động lực to lớn để phát triển đất nước.

Hai là, xây dựng và bảo đảm giao thông vận tải thông suốt.

Liên khu Việt Bắc là địa bàn có nhiều tuyến đường quan trọng nối các hậu phương với Điện Biện Phủ và nước ta với các nước khác. Trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, bị kẻ thù đánh phá ác liệt, Đảng bộ Liên khu Việt Bắc đã sát sao chỉ đạo, sát cánh cùng bộ đội và nhân dân bảo đảm thông suốt các tuyến đường, cung cấp sức người, sức của cho mặt trận. Sự thất bại thảm hại của thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc thực dân Pháp không thể bảo đảm được giao thông vận tải phục vụ cho chiến trường.

Trong bối cảnh hiện nay, giao thông vận tải càng trở nên quan trọng, được Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược để xây dựng đất nước trong thời gian tới. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế”(18), trong đó có sự ưu tiên về phát triển kết cấu hạ tầng đối với các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ba là, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là trong quá trình chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phú, Liên khu Việt Bắc luôn là trọng điểm bị kẻ thù đánh phá và bọn thổ phỉ phá hoại từ bên trong. Để bảo đảm cung cấp khối lượng lớn sức người, sức của cho mặt trận, trong quá trình chỉ đạo, Đảng bộ Liên khu Việt Bắc luôn chú ý đến nhiệm vụ phòng, chống kẻ thù phá hoại hậu phương, đẩy mạnh công tác tiễu trừ thổ phỉ, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Liên khu.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng nhiều chiêu bài, thủ đoạn khác nhau để chống phá cách mạng nước ta. Do đó, cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”(19).

Tròn 70 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biện Phủ luôn là thiên sử vàng chói lọi của dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, thắng lợi của đường lối xây dựng hậu phương vững chắc, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, để lại nhiều bài học quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.

TS. NGUYỄN THỊ MAI
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ĐINH THỊ THU PHƯƠNG
Đại học Hùng Vương

___________________  

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.13, tr.210.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.35, tr.497.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.14, tr.594.

(4) Liên khu ủy Việt Bắc: Báo cáo về việc thi hành nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu cung cấp cho tiền phương và nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, phông sổ 43, đơn vị bảo quản số 1041, Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng.

(5) (10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Liên khu ủy Việt Bắc giai đoạn 1946-1956, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2020, t.8, tr.197, 218, 312.

(6) (7) (8) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Liên khu ủy Việt Bắc giai đoạn 1946-1956, Sđd, t.7, tr.1, 549, 760-761.

 (13) (16) Bộ Tư lệnh Quân khu I: Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1991, t.3, tr.92, 189.

(14) (15) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1990, t.1, tr.353, 354.

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.324.

(18) (19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.126-127, 156-157.

(Nguồn: TC Cộng sản)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất