Thứ Bảy, 4/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 19/7/2019 11:8'(GMT+7)

Học phí nhiều... liệu có chất lượng cao?

Học sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Học sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đến nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã thông báo dự kiến điểm chuẩn và đẩy mạnh truyền thông giới thiệu ngành, nghề đào tạo cho thí sinh lựa chọn, điều chỉnh nguyện vọng.

Một trong những thông tin thu hút sự chú ý của phụ huynh, thí sinh là chương trình đào tạo đại học chất lượng cao. Chương trình này được triển khai thí điểm từ năm 2010 tại một số cơ sở đào tạo và bắt đầu nhân rộng từ năm 2011. Mục tiêu của chương trình là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, hướng tới đào tạo theo chuẩn quốc tế. Chương trình còn có các tên gọi khác là: Đào tạo đặc biệt chất lượng cao, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế… tùy theo cách gọi của mỗi trường.

Đến nay, chương trình đào tạo đại học chất lượng cao được áp dụng ở phần lớn các trường đại học trong cả nước và ngày càng mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo. Ưu điểm nổi trội của chương trình này là sinh viên được học tập bằng tiếng Anh nhiều hơn, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học cũng tốt hơn hẳn so với chương trình đào tạo đại trà.

Vấn đề phụ huynh, thí sinh quan tâm hàng đầu là mức học phí rất cao, hơn nhiều lần so với học phí của chương trình đại trà. Đây cũng chính là yếu tố khiến nhiều trường khuyến khích thí sinh theo học chương trình này, tổ chức các hoạt động tư vấn hấp dẫn để thu hút thí sinh.

Truy cập vào trang tin điện tử của nhiều trường đại học, thông tin về tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao được đưa đậm nét trên phần chính giao diện. Tại các diễn đàn, ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho thí sinh, tư vấn online… nội dung này cũng được nhiều trường ưu tiên quảng bá hấp dẫn để thu hút thí sinh, phụ huynh.

Trên một số diễn đàn về tuyển sinh đại học, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã lên tiếng bày tỏ những lo ngại, băn khoăn. Theo đó, sau nhiều năm triển khai thực hiện, chương trình đào tạo đại học chất lượng cao đã có biểu hiện thương mại hóa ở nhiều phân khúc và không ít các cơ sở đào tạo.

Một trong những bất cập là điểm chuẩn đầu vào của sinh viên học chất lượng cao ở nhiều trường lại thấp hơn chương trình đại trà. Thậm chí, khi thí sinh không đủ điểm vào học chương trình đại trà theo nguyện vọng, lập tức được trường tư vấn, khuyến khích chuyển sang đào tạo… chất lượng cao. Có chuyên gia đã ví, mô hình đào tạo chất lượng cao là “nồi cơm” của trường đại học hiện nay.

Theo giới chuyên gia, để chương trình đào tạo đại học chất lượng cao đem lại hiệu quả thiết thực, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự, thì phải chống các biểu hiện thương mại hóa.

Việc lạm dụng chương trình chất lượng cao để tuyển sinh ồ ạt, hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào không những không đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội mà còn vô hình trung tạo ra sự phân biệt, phân hóa ngay trong người học. Những sinh viên thực tài nhưng không có điều kiện kinh tế rất có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Bản thân các trường đại học, để giữ vững uy tín, thương hiệu, không thể gieo vào tư tưởng thí sinh, phụ huynh ý nghĩ, cứ có tiền là có chất lượng cao.

Đây là vấn đề lớn. Bên cạnh sự tự chủ của các trường đại học, cần có sự khảo sát, đánh giá toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có sự chỉ đạo, định hướng, sắp xếp mang tính chiến lược, khoa học./.

Phan Tùng Sơn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất