Thứ Sáu, 4/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Tư, 24/1/2018 16:33'(GMT+7)

Khởi động hợp tác y tế giữa Việt Nam và WHO giai đoạn 2018-2019


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: Việt Nam đang phải đối phó với gánh nặng bệnh tật kép cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh. 

Thời gian qua, Tổ chức Y tế thế giới đã hỗ trợ y tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như phòng chống dịch bệnh, điều trị, tư vấn chính sách, đào tạo chuyên gia...

Với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế thế giới, năng lực quản lý và chuyên môn kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực của ngành y tế nước ta đã được nâng cao. 

Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh Tổ chức Y tế thế giới luôn là đối tác tin cậy của Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Chương trình hợp tác giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới giai đoạn 2018-2019 đã được Chính phủ phê duyệt. 

Tại hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung hoạt động để chương trình hợp tác triển khai đảm bảo chất lượng với chính sách ưu tiên về sức khỏe mà Bộ Y tế đã đặt ra cũng như phù hợp với những ưu tiên của Tổ chức Y tế thế giới... 

Chương trình hợp tác y tế bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019. Theo đó, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới sẽ phối hợp, tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và bình đẳng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương; giảm bớt gánh nặng của các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác. 

Đồng thời, chương trình hợp tác cũng giúp ngành y tế Việt Nam cung cấp dịch vụ có chất lượng ở tuyến cơ sở; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính y tế; tăng cường các qui định về dược phẩm, vắcxin và các sản phẩm y tế để đảm bảo tiếp cận tốt hơn với các loại thuốc thiết yếu và công nghệ y tế... 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam liên tục được cải thiện; tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi tiếp tục giảm. 

Tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch và các cơ sở vệ sinh được nâng lên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người dân. 

Cụ thể như​ tỷ lệ tử vong mẹ cao gấp 2 lần ở khu vực nông thôn và cao gấp 3 lần trong nhóm các dân tộc thiểu số; biến đổi khí hậu; nguồn nước và thực phẩm bẩn; suy dinh dưỡng và an ninh lương thực. 

Đặc biệt, gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam đang thay đổi rõ rệt, chuyển dần từ mắc các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm. 

Các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 73% tổng gánh nặng bệnh tật trong khi đó tỷ lệ dân số già từ 60 tuổi trở lên đã chiếm 10% dân số vào năm 2014. 

Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái xuất hiện cũng là mối đe dọa đối với an ninh y tế của Việt Nam... 

Đại điện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ chương trình hợp tác y tế giữa Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính là tăng cường các chức năng chính của Bộ Y tế; xây dựng năng lực và quan hệ đối tác quốc gia bền vững nhằm đảm bảo an ninh y tế công cộng; góp phần quản lý có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. 

Tổ chức Y tế thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân.../. 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất