Thứ Sáu, 3/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 25/6/2018 15:53'(GMT+7)

Sức mạnh từ kiểm soát quyền lực

                                                                                   (Hình minh họa)

Trong hơn 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chứng kiến và rút ra nhiều chiêm nghiệm từ các trường hợp cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật: Từng có 3 ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý, trong đó một người bị khiển trách, một người bị cách chức Ủy viên Trung ương, một người bị khai trừ khỏi Đảng. Tôi cũng chứng kiến nhiều người bị xử lý vì dính đến tham nhũng, như một bộ trưởng, ủy viên Trung ương phải đi tù 3 năm vì tham ô thép khi làm đường dây 500KV; một bí thư tỉnh ủy bị 3 năm án treo và khai trừ khỏi Đảng vì lấy vàng của người vượt biên; một phó thủ tướng bị mất chức vì sai phạm trong dự án Thủy cung Thăng Long… Gần đây, vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng thêm một lần nữa cho thấy tiêu cực, tham nhũng luôn gắn liền với việc lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi. Nhiều vụ việc tiêu cực gần đây như ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cho thấy đã xuất hiện những cán bộ có thể thao túng nhiều người, nhiều tổ chức. Nếu không có những cán bộ cấp cao thoái hóa, biến chất bao che, tiếp tay, thao túng thì họ không thể “coi trời bằng vung” như vậy. Tôi cũng nhận thấy sự nguy hiểm của tha hóa quyền lực khi có cán bộ ban đầu là tốt nhưng càng về sau, khi ở vị trí cao, có quyền lực thì lại bị tha hóa.

Cho nên, khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực, để kiểm tra mọi đảng viên và tổ chức đảng. Quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể biến người sử dụng nó từ một người chưa xấu trở thành người xấu, biến người sử dụng nó thành nô lệ cho nó.

Xưa nay chúng ta vẫn nói một câu quen thuộc: Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phải làm sao chọn ra được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, trong đó cán bộ càng ở cấp cao càng phải trong sạch. Lãnh đạo cấp cao trong sạch thì sẽ hạn chế được rất nhiều tệ lạm dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ dưới quyền; không lo nhóm lợi ích thao túng, lũng đoạn, làm hỏng cán bộ. Người đứng đầu ở Trung ương, các bộ, các ngành, các địa phương phải trong sạch mới kiểm soát được cán bộ dưới quyền lạm quyền. Cùng với đó, các cơ quan tham mưu như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an… là những cơ quan giúp Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tệ tham nhũng, quan liêu có hiệu quả nhất. Có bố trí cán bộ những cơ quan này thật tốt thì kiểm soát quyền lực mới thực sự hiệu quả.

Mặt khác, để kiểm soát quyền lực chặt chẽ và hiệu quả hơn, đã đến lúc chúng ta cần phải có cơ chế và cơ quan kiểm soát quyền lực Nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Đồng thời, phải tăng cường sức mạnh của pháp luật Nhà nước và kỷ luật của Đảng, không chỉ xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm mà phải có cơ chế giám sát chặt chẽ mọi cán bộ, đảng viên thông qua các công cụ kiểm tra, giám sát, kê khai tài sản, đánh giá cán bộ…/.
 

Nguyễn Đình Hương
Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất