Thứ Hai, 29/4/2024
Thế giới
Thứ Năm, 10/8/2023 15:44'(GMT+7)

“Bản đồ thương mại ngũ cốc” đang được định hình lại

Kho chứa ngũ cốc ở cảng Odessa, Ukraine. (Ảnh: SIPA)

Kho chứa ngũ cốc ở cảng Odessa, Ukraine. (Ảnh: SIPA)

Được kết nối với Địa Trung Hải bởi biển Bosphorus và biển Dardanelles, Biển Đen trở thành trung tâm chiến lược cung cấp ngũ cốc cho thế giới. Trước đây, phần lớn việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine thường đi qua Biển Đen bởi đây là tuyến đường có chi phí vận chuyển thấp nhất. Tất cả các tuyến đường khác đều có chi phí vận chuyển cao hơn và làm tăng giá ngũ cốc. 

Theo slate.fr, Ukraine sản xuất 106 triệu tấn lúa mì và ngô mỗi năm, đưa nước này trở thành quốc gia trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine, giao tranh, thiếu nhiên liệu và một phần máy móc nông nghiệp bị phá hủy trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine đã làm giảm 1/4 diện tích canh tác của nước này. Sau khi giảm 41 triệu tấn vào năm ngoái, vụ thu hoạch ngũ cốc của Ukraine dự kiến sẽ đạt 53 triệu tấn trong năm nay, bằng một nửa sản lượng thông thường.

Sự sụt giảm này đã để lại một khoảng trống lớn trên “bản đồ ngũ cốc” thế giới. Năm 2020, Ukraine xuất khẩu gần 90% sản lượng ngũ cốc của mình. Ukraine cùng với 8 quốc gia khác đang kiểm soát 95% giao dịch ngũ cốc toàn cầu-dẫn đầu là lúa mì, lúa mạch và ngô-với tổng khối lượng giao dịch là 356 triệu tấn, chiếm 17% sản lượng của thế giới. Con số này chỉ dao động khi xảy ra thiên tai, mùa màng thất bát do hạn hán và lũ lụt.

Trong khi đó, ở Nam bán cầu, người nông dân vui mừng khi việc trồng ngũ cốc năm nay gặp nhiều thuận lợi. Lượng mưa bất thường giảm kể từ năm 2020 ở Australia đã cho phép việc trồng ngũ cốc phục hồi đúng thời điểm để lấp vào khoảng trống của Ukraine. Chỉ riêng việc Australia tăng xuất khẩu lúa mì sẽ mang lại 30 tỷ euro cho các nhà sản xuất trong năm nay, cao hơn 18% so với năm ngoái, sau khi đã tăng 38% vào năm 2021.

Tại khu vực Nam Mỹ, Brazil - quốc gia chuyên nhập khẩu lúa mì từ Argentina-đã xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và tận dụng đồng real mất giá để tăng gấp 3 lần doanh số bán ra nước ngoài. Chuyên gia thị trường ngũ cốc của Brazil, ông Paulo Molinari dự báo, với việc gia tăng diện tích đồn điền trong những năm gần đây, Brazil đang hướng tới khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc, thậm chí dư thừa để xuất khẩu. Một số liệu nghiên cứu của cơ quan chức năng Brazil cho biết, diện tích gieo trồng năm nay ở nước này tăng 5%, lên 89,2 triệu héc-ta và có thể phá vỡ trần sản lượng ngũ cốc với khối lượng cao hơn 16,5% (317,6 triệu tấn) so với năm 2022.

Giống như nước láng giềng, Argentina cũng phá kỷ lục thương mại lịch sử khi xuất khẩu 14,5 triệu tấn lúa mì vào năm ngoái, chiếm hơn một nửa sản lượng của nước này (22 triệu tấn). “Từ năm 2021 đến năm 2022, xuất khẩu ngũ cốc của Argentina đã tăng 53%”, chuyên gia Julien Marcilly nhận định. Quốc gia này chủ yếu cung cấp lúa mì cho các quốc gia phụ thuộc nhập khẩu lương thực từ Ukraine. Cụ thể, châu Phi chiếm một nửa lượng ngũ cốc xuất khẩu của Argentina vào năm ngoái, tiếp theo là Indonesia và Tây Ban Nha.

Giới quan sát nhận định, việc tái cấu trúc “bản đồ thương mại ngũ cốc” là một tín hiệu tốt nhằm giảm nguy cơ thiếu lương thực trong ngắn hạn. Về lâu dài, việc duy trì Sáng kiến “Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen” vẫn rất cần thiết, nhằm kiềm chế giá lương thực tăng cao. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), việc kết nối một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới (Ukraine) với các thị trường đã giúp giảm 11,6% giá lương thực toàn cầu kể từ tháng 7 năm ngoái.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết đã vận chuyển 725.000 tấn lúa mì, theo thỏa thuận giữa các bên, tới cho những người đang gặp khủng hoảng ở Afghanistan, vùng Sừng châu Phi và Yemen. Nếu “Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen” không được gia hạn, người dân ở khu vực phía Đông của châu Phi sẽ chịu những tác động rất nặng nề. “Điều quan trọng đối với cộng đồng quốc tế là không chỉ tạo ra một thỏa thuận dài hạn mà còn xây dựng các giải pháp bền vững để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực”, Shaswat Saraf, Giám đốc phụ trách Đông Phi của Ủy ban Cứu hộ quốc tế cho các khu vực khẩn cấp, nhấn mạnh./.

BÌNH NGUYÊN (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất