Thứ Bảy, 7/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Ba, 21/12/2021 16:0'(GMT+7)

Báo chí, truyền thông trong xu thế chuyển đổi số

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

XU THẾ TẤT YẾU

Chuyển đổi số về tổng thể là quá trình thay đổi toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. Các mô hình và quá trình kinh doanh số sẽ tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và từng lĩnh vực đời sốngkinh tế - xã hội nói riêng, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay quy trình hoạt động của một doanh nghiệp, một chủ thể trên thị trường, mà còn là sự thay đổi về văn hóa, đòi hỏi các chủ thể trên thị trường phải tái tạo lại mô hình tổ chức kinh doanh. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo.

BC-TT là một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, một lĩnh vực luôn phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt các chức năng của mình, BC-TT không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan BC-TT . Đây chính là hoạt động ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ BC-TT . Để thực hiện bước chuyển này, các đơn vị, chủ thể hoạt động trong lĩnh vực BC-TT phải thực hiện số hóa thông tin liên quan đầu vào của hoạt động BC-TT và số hóa các quy trình tác nghiệp. Thực chất là chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, là sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại. Đây được xem là bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi số và hiện nay nhiều cơ quan BC-TT ở Việt Nam đã và đang triển khai, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ BC-TT.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc đầu tư vào công nghệ để số hóa các chức năng và quá trình hiện tại trong hoạt động BC-TT thì không đủ để chuyển đổi thực sự một đơn vị kinh doanh hay cả một lĩnh vực BC-TT.

Số hóa dữ liệu và số hóa quy trình là một điều kiện cần cho chuyển đổi số BC-TT thành công, nhưng chưa phải là tất cả. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng đối với các quá trình cạnh tranh then chốt của đơn vị kinh doanh.

Chuyển đổi số là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động BC-TT, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới trong hoạt động kinh doanh BC-TT. Trên cơ sở dữ liệu và quy trình được số hóa từ môi trường diễn ra các hoạt động liên quan BC-TT, sử dụng các công nghệ số phân tích, đánh giá, đưa ra các quyết định để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của đơn vị kinh doanh. Nói cách khác chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty nhằm tạo những sản phẩm, dịch vụ mới cùng những giá trị và phương thức tiêu dùng mới.

Báo chí đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ảnh: Tiền Phong

Báo chí đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ảnh: Tiền Phong

NHỮNG LỢI ÍCH NỔI BẬT

Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực BC-TT cho phép tự động hóa quy trình tác nghiệp làm giảm các chi phí hoạt động, nâng cao hiệu suất kinh doanh. Bên cạnh giảm chi phí còn rút ngắn, đẩy nhanh các công đoạn, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu của thị trường sự quan tâm của công chúng.

Một là, trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn với việc ứng dụng các công nghệ số không chỉ tự động hóa quy trình truyền thống mà còn cho phép hình thành quy trình mới trong sáng tạo sản phẩm và dịch vụ BC-TT mới để đáp ứng nhu cầu công chúng, đồng thời tạo nhu cầu mới đối với thị trường, tăng tính tương tác giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Chẳng hạn ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, Mega Story, infographic, Timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ... Hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks)…

Việc đổi mới và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đi liền với cách thức tiêu dùng và thụ hưởng dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là hướng đi kích thích nhu cầu phát triển, vừa gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa mở ra cơ hội cho sự phát triển của đơn vị báo chí, truyền thông.

Hai là, chuyển đổi số mở ra điều kiện tập hợp, thống nhất các nguồn lực vào một mạng lưới trung tâm hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Trong quy trình truyền thống có sự tách biệt các nguồn lực, các bộ phận không chỉ về mặt vật lý mà cả về không gian. Với kinh doanh trên môi trường số, các nguồn lực được số hóa đồng bộ, được kết lối liên thông cho phép tối ưu hóa quy trình, phát huy hiệu quả cao nhất trong hoạt động sáng tạo và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhu cầu công chúng. Như vậy không những tiết kiệm nguồn lực mà hiệu quả sử dụng nguồn lực được nâng cao hơn.

Ba là, chính với chuyển đổi số tạo ra hệ thống để thu nhập số liệu khách hàng phù hợp, liên kết các dữ liệu làm cơ sở cho hoạch định chiến lược phát triển. Điều này sẽ gia tăng trải nghiệm khách hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng và tiện lợi của khách hàng trong kỷ nguyên số. Ngày nay, cá nhân hóa đóng một vai trò lớn trong tiêu dùng, và việc sản xuất sản phẩm giống nhau cho tất cả mọi người không còn nữa. Sản phẩm phải được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chỉ bằng cách này các công ty mới thu hút được sự chú ý của họ và khuyến khích sự chuyển đổi và lòng trung thành. Đây chính là cơ sở phát triển bền vững đối với mỗi đơn vị BC-TT trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Bốn là, đơn vị BC-TT hoạt động trên nền tảng số sẽ mở ra sự linh hoạt và kịp thời giải quyết nhiệm vụ trong những điều kiện môi trường kinh doanh biến động, khắc phục khoảng cách địa lý, bảo đảm hoàn thành tốt chiến lược kinh doanh. Hoạt động BC-TT trong điều kiện đại dịch COVID-19 vừa qua minh chứng những ưu thế của hoạt động kinh doanh trên môi trường số.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí. Ảnh: nguoilambao.vn

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí. Ảnh: nguoilambao.vn

THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM

Chuyển đổi số BC-TT hiện nay ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, trước hết là quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở cấp chiến lược. Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”(1). Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, theo đó hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: 1) Nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; 2) Nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; 3) Nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ và an toàn thông tin. Việc triển khai kế hoạch này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số BC-TT - lĩnh vực quan trọng trong hoạt động thông tin và truyền thông nói chung.

Đáng chú ý, ở Việt Nam hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao (hơn 70% người dân sử dụng Internet, thiết bị thông minh); dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh, được đào tạo tương đối tốt, lao động chăm chỉ, có truyền thống hiếu học... là những lợi thế cho quá trình chuyển đổi số nói chung, trong lĩnh vực BC-TT nói riêng.

Ngoài ra, do điều kiện lịch sử trong phát triển, quá trình hiện đại hóa, số hóa muộn hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam chưa bị trói buộc vào các công nghệ cũ và có tiềm năng để ứng dụng các công nghệ mới. Đây chính là lợi thế của nước đi sau trong tiến trình hiện đại hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, chuyển đổi số BC-TT cũng gặp khó khăn nhất định, đó là:

Thứ nhất, khó khăn trước hết là nhận thức về vai trò, sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số hiện là xu thế mang tính tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuy nhiên không phải tất cả những người có trách nhiệm trong đơn vị BC-TT hiểu thấu đáo được vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan BC-TT của Việt Nam còn chậm; đa số các cơ quan bao chí, truyền thông mới bắt đầu ở giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp...

Thứ hai, khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư của không ít các cơ quan BC-TT đang là một trong những thách thức quan trọng với quá trình chuyển đổi số. Cùng với quá trình chuyển sang thực hiện cơ chế thị trường trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, BC-TT cũng đã có bước chuyển, tuy nhiên còn chậm, số các cơ quan báo chí tự chủ không nhiều. Theo Cục báo chí, năm 2019 số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí mới đạt 39%, tự chủ một phần 36%,... Những khó khăn trong nguồn thu ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, các giải pháp kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số. Trong khi đó, năng lực công nghệ của nền kinh tế nói chung, của các đơn vị BC-TT nói riêng vẫn chưa cao, nhiều đơn vị báo chí, truyền thông chưa làm chủ được những công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số.

Thứ ba, thách thức về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT. Vai trò nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao trong chuyển đổi số rất quan trọng, tuy nhiên, hiện nay đây lại là rào cản chủ yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực BC-TT nói riêng gặp khó khăn trong chuyển đổi số, đồng thời cũng là điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Riêng về CNTT, năm 2020 Việt Nam thiếu 400.000 nhân sự, năm 2021 con số này rơi vào khoảng 500.000 nhân sự(2). Để chuyển đổi số thành công, không chỉ cần đội ngũ phóng viên, biên tập viên có chuyên môn nghiệp vụ giỏi mà đi liền cần hiểu biết về công nghệ mới. Đây là điểm yếu trong khâu đào tạo thuộc hệ thống các trường BC-TT của Việt Nam, mặc dù trong những năm qua cũng đã có sự điều chỉnh khắc phục dần, song thực tế vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu. Hiện nay, mới có khoảng 30% số sinh viên tốt nghiệp CNTT đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Thứ tư, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương thành những quy định cụ thể trong các hoạt động chuyển đổi số diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn, chưa có đổi mới về cơ chế tài chính, khởi nghiệp công nghệ; thiếu quy định về các vấn đề tài sản, đầu tư... Trong chuyển đổi số, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, tuy nhiên việc dữ liệu có được coi là bí mật kinh doanh hay không và cần có cơ chế bảo hộ như thế nào vẫn chưa được quy định rõ; vấn đề bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số cụ thể ra sao, bảo vệ dữ liệu và khai thác dữ liệu người dùng thế nào… cần phải được thể chế hóa. Để có thể thúc đẩy nền báo chí dựa trên công nghệ số, rất cần có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng và tạo ra cơ chế để các cơ quan BC-TT kết nối, khai thác nguồn dữ liệu và làm giàu thêm nguồn dữ liệu số. Thực tế hiện nay vẫn còn có sự tách biệt nguồn dữ liệu giữa các lĩnh vực, các bộ ngành trong nền kinh tế.

Thứ năm, chuyển đổi số có hiệu quả, thành công hay không, một trong những thách thức quan trọng là phải bảo đảm an ninh thông tin và thị trường BC-TT. Việc cập nhật các giải pháp tiên tiến, từ công nghệ, dịch vụ đến con người, quy trình nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là vô cùng quan trọng. Trong lĩnh vực BC-TT, nếu an ninh thông tin không được bảo đảm thì không chỉ là mất dữ liệu, thiệt hại tài chính, mà còn bị chiếm quyền sử dụng, thay đổi giao diện, xuyên tạc nội dung thông tin, gây hoang mang, làm giảm niềm tin của công chúng vào đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.

Thách thức bảo đảm an ninh BC-TT trong thời đại công nghệ số không chỉ ở vấn đề tin giả, vi phạm bản quyền hay bảo đảm an toàn mạng, mà quan trng hơn là thách thức trong bảo vệ thị trường BC-TT trước sự cạnh tranh thiếu công bằng của tác nhân bên ngoài, là hệ thống truyền thông và mạng xã hội xâm nhập, lấn át thị trường đẩy các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước khỏi thị trường của chính mình.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để bảo đảm điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số BC-TT cần có hệ giải pháp đồng bộ, trước mắt tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm rõ nội dung, vai trò và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực BC-TT nói riêng để tạo quyết tâm, động thuận. Chuyển đổi số là con đường để BC-TT phát triển, thực hiện các chức năng của mình trong kỷ nguyên số. Các đơn vị BC-TT cần đẩy mạnh quá trình này, xem chuyển đổi số là chiến lược phát triển trọng tâm và hình thành chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển chung. Đương nhiên việc chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT không chỉ là công việc của các đơn vị BC-TT, mà là công việc chung cả xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản và cộng đồng xã hội, những đối tượng thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ BC-TT .

Hai là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh của BC-TT trong môi trường số. Chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Kinh doanh trên nền tảng số có những đặc điểm khác biệt, nên cần có quy định phù hợp, mở đường cho phát triển các mô hình mới, các dạng sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như tạo cơ chế giao tiếp về nội dung, tài chính, quyền sở hữu tương thích trong môi trường số. Do là lĩnh vực mới, cần có thực tế để hình thành các quy định phù hợp, nên trước mắt trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và đặc thù thị trường Việt Nam có thể triển khai các mô hình thí điểm, từ đó tổng kết để có những quy định phù hợp bảo đảm hài hòa các lợi ích của các chủ thể trên thị trường.

Ba là, tổ chức đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, bản lĩnh đi liền nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng nhất bảo đảm cho thành công cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan BC-TT. Do thực tiễn lịch sử để lại, đa phần năng lực công nghệ của phóng viên, biên tập viên còn hạn chế so với yêu cầu tác nghiệp trên môi trường số, nên các cơ quan BC-TT cần thực hiện đào tạo bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin để phóng viên chủ động ứng dụng các công nghệ số trong tác nghiệp. Trước mắt nên hình thành bộ phận giỏi công nghệ làm hạt nhân để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mỗi cơ quan, đơn vị BC-TT.

Cần đổi mới cả nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo gắn với yêu cầu tác nghiệp trong tòa soạn hội tụ. Đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành các kỹ năng tác nghiệp, thực hiện liên kết nhà trường với đơn vị BC-TT, nơi sử dụng lao động; đào tạo kỹ năng chuyên môn và công nghệ thông tin đi liền với giáo dục đạo đức và trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo.

Bốn là, đầu tư nguồn lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện tác nghiệp trên môi trường số. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động kinh doanh trong môi trường số, ngoài các quy định pháp luật, ý thức và trình độ phóng viên, thì hạ tầng công nghệ hiện đại là điều kiện không thể thiếu. Do vậy cần khai thác các nguồn lực, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đi liền với tận dng, lựa chọn các đối tác có uy tín trong hoạt động bảo mật khi thuê hạ tầng.

Để phát triển hạ tầng dữ liệu, cần hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng cho chuyển đổi số; tập trung phát triển nền tảng để kết nối, chia sẻ, giám sát, phân tích và tổng hợp dữ liệu.

Năm là, hợp tác, liên kết giữa các chủ thể trên thị trường BC-TT trong thực hiện chuyển đổi số. Cần có sự gắn kết giữa các cơ quan BC-TT với các công ty công nghệ cũng như sự hỗ trợ của cơ quan chuyên ngành. Việc liên kết, hợp tác mở ra cơ hội phát triển cho mỗi chủ thể và chính quá trình này làm giàu thêm hệ thống dữ liệu. Cùng với việc đầu tư tạo lập cơ sở hạ tầng mở gắn với việc làm giàu thêm dữ liệu số là hai động lực chính của quá trình chuyển đổi số BC-TT./.

PGS.TS. Vũ Văn Hà
Đại học Đại Nam

_____________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.I, tr.213.

(2) Hải Yến: Thiếu nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao đáp ứng chuyển đổi số, Báo Tin tức, TTXVN, ngày 24/04/2021.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất