Thứ Sáu, 13/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 17/10/2023 16:22'(GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách thu hút sinh viên giỏi cho ngành bán dẫn

PGS. Nguyễn Thu Thủy chia sẻ về đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh: Vietnam+)

PGS. Nguyễn Thu Thủy chia sẻ về đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh: Vietnam+)

Khẳng định các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, nhưng PGS. Nguyễn Thu Thủy cho rằng cần có chính sách đồng bộ để thu hút được các sinh viên giỏi.

Trước sự thiếu hụt nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực này.

ĐỦ KHẢ NĂNG ĐÀO TẠO

- Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng nhân lực ngành bán dẫn khi chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Bà có thể cho biết hiện ngành học này đang được đào tạo như thế nào trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam?

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (Đại học Fullbright) trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, trình độ từ đại học trở lên.

Số nhân lực thiết kế vi mạch hiện có khoảng 5.000 người. Theo các chuyên gia đến từ các trường đại học kỹ thuật, nhu cầu đào tạo nhân lực ngành này trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sỹ, tiến sỹ).

Việc đào tạo có ba hình thức, có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối, hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng đến 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.

Bo GD-DT de xuat chinh sach thu hut sinh vien gioi cho nganh ban dan hinh anh 2Thí sinh dự Kỳ thi Đánh giá Tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Cụ thể, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu… Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông…; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử, kỹ thuật máy tính…

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng sinh viên đại học các ngành phù hợp tuyển mới khoảng 6.000 sinh viên/năm và tốt nghiệp khoảng 5.000 sinh viên/năm (gia tăng trung bình 7%/năm). Các ngành gần mỗi năm tuyển mới khoảng 15.000 sinh viên và tốt nghiệp khoảng 13.000 sinh viên (gia tăng trung bình 10%/năm).

Như vậy, nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thì số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi.

Tuy nhiên do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.

CÁCH NAOFG THU HÚT NGƯỜI HỌC?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo có những kiến nghị, đề xuất gì để tháo gỡ các thách thức đó, thưa bà?

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Điều này một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể thực hiện được mà rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đề xuất 3 nhóm chính sách như sau:

Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào (bao gồm cả tuyển sinh học theo các chương trình đào tạo chuyên sâu, chương trình đào tạo chuyển đổi) như chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… nhất là để thu hút ít nhất 1.000 học viên theo học sau đại học (hiện nay tỷ lệ học sau đại học các ngành này chỉ khoảng 4%).

Bo GD-DT de xuat chinh sach thu hut sinh vien gioi cho nganh ban dan hinh anh 3(Ảnh minh họa: Vietnam+)

Thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu, trước hết là năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm và công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng.

Thứ ba là nhóm chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là với các trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Hoa Kỳ (có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam).

Bên cạnh đó, tín hiệu từ thị trường, từ doanh nghiệp, từ các địa phương, các dự báo về phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cũng vô cùng quan trọng. Đó là thông tin thí sinh sẽ tiếp nhận để xác định ngành học và tương lai cho mình. Nếu chính sách và các tín hiệu từ thị trường về nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là đồng bộ thì các trường không lo không thu hút được thí sinh. Sự chuyển đổi trong nhận thức của thí sinh sẽ thay đổi mạnh mẽ.

- Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những động thái gì để góp phần phát triển nhân lực của ngành này, thưa bà?

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay hai đề án quan trọng.

Thứ nhất là Đề án Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch.

Thứ hai là Đề án Xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Intel về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

Gần đây nhất, ngày 19/10 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với 5 trường đại học lớn của Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn đề này. Hội thảo sẽ có sự tham dự của gần 40 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đào tạo các nhóm ngành gần, đại diện các bộ ngành, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bán dẫn.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng./.

Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất