Thứ Bảy, 7/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 30/3/2022 8:41'(GMT+7)

Các giải pháp kỹ thuật, công nghệ góp phần ngăn chặn thông tin sai trái, thù địch

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

LỢI DỤNG CÔNG NGHỆ PHÁT TÁN THÔNG TIN XẤU ĐỘC

Các đối tượng phát tán thông tin xấu, độc thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.

 Thứ nhất, các đối tượng lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, tài khoản mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến. Chúng liên tục mở các chiến dịch tuyên truyền chống phá Việt Nam theo một số phương thức chủ yếu như: 

Sử dụng các bài viết xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương. Âm mưu của chúng là nhằm phá hoại nội bộ hòng gây chia rẽ trong khối đại đoàn kết, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, những thế lực thù địch còn kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; thông qua internet để công khai bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng, từ đó lôi kéo, phát triển lực lượng và hoạt động chống phá.

Thủ đoạn tiếp theo là những thế lực thù địch còn giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ.

Một thực trạng khác là, rất nhiều trang tin điện tử, website sử dụng những tên miền mạo danh các chính khách Việt Nam. Để tạo được niềm tin của công chúng, ban đầu những trang này sẽ đưa tin dưới góc độ tỏ vẻ khách quan, trung thực, cung cấp những thông tin nhanh nhạy, chính xác như các cơ quan báo chí chính thống, có uy tín của Việt Nam. Đến một lúc nào đó, khi công chúng đã quen truy cập, đọc và tin cậy, chủ nhân của các trang tin điện tử giả danh các đồng chí lãnh đạo nhà nước có thể lồng ghép vào nội dung bài viết những thông tin giả mạo với mục đích làm nhiễu thông tin, tạo nên sự hoang mang trong xã hội và gây ra những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, các trang web trên còn liên kết đến các trang thông tin dạng blog trên các mạng xã hội nổi tiếng: Facebook, Multiply, Blogspot, Blog, Wordpress, Flickr, Twitter... để phát tán thông tin xấu, độc một cách rộng rãi nhờ cơ chế lan truyền của các mạng xã hội này.

Thứ hai, các đối tượng đặt tên trang thông tin điện tử, blog… cũng như các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc, người xem. 

 Với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể dễ dàng tạo lập một website, một trang blog, hay một tài khoản mạng xã hội với chi phí gần như bằng không thậm chí còn có thể tạo ra các đoạn video cắt ghép như thật (deepfakes). Deepfake được xây dựng dựa trên nền tảng máy học (machine learning) mã nguồn mở của Google. Công nghệ này sẽ quét video và ảnh chân dung của một người, hợp nhất nó với video riêng biệt nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thay thế chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng... Các đối tượng phản động sau đó còn gia tăng liên kết để đưa thông tin, bài viết, bình luận, tập trung khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết nhiều lần nhằm làm tăng hiệu quả tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Chúng lợi dụng mạng xã hội với cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) biết được đâu là “trending” (xu hướng) để gợi ý cho người đọc, người xem những bài viết có nội dung thù địch, phản động nhằm làm sai lệch hiểu biết của con người về thế giới, cách ly họ khỏi những quan điểm đối lập và nhồi nhét những thông tin sai lệch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không chỉ vậy, các thông tin gồm hình ảnh hay clip cũng còn được dàn dựng, cắt xén với ý đồ bôi xấu, hạ uy tín… làm sai lệch bản chất thực của thông tin gốc cũng tràn lan. Tình trạng này thêm càng trầm trọng thêm bởi sự đồng nhất thương hiệu của tin tức, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc của thông tin trên Google AMP, tính năng Instant Articles của Facebook, và Apple News. Bình luận về các công cụ này, trang web công nghệ The Verge cho rằng Instant Articles và AMP đang “dần xoá bỏ mối liên quan giữa thiết kế đẹp mắt và mức độ tin cậy… làm tăng lượng truy cập tới những trang web không đáng tin và gây nhầm lẫn cho những độc giả chưa biết cách phân biệt tin tức”(1). Bởi thực tế, việc những tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng gắn với các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream), chỉ trong thời gian rất ngắn, những thông tin này đã trực tiếp tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội.

Thứ ba, các thế lực thù địch tận dụng tối đa sơ hở trong quản lý truyền thông thế hệ mới khai thác triệt để ưu thế của các ứng dụng cung cấp nội dung cho người sử dụng Internet để tán phát tin bài, tác phẩm, tài liệu có nội dung chống Việt Nam; kết hợp giữa viễn thông và Internet bằng cách đưa thông tin xấu lên mạng, sau đó tổ chức thành chiến dịch nhắn tin thông báo qua điện thoại bằng các phần mềm gửi tin nhắn tự động...

Thứ tư, các thế lực thù địch tìm nhiều cách để phát tán nội dung xuyên tạc, thù địch đến các hộp thư điện tử của các cơ quan công quyền, tổ chức chính trị xã hội như *.gov và *.org, *.vnn….

Thứ năm, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam... trên các hội (nhóm) kín hoặc trên fanpage facebook.

Thứ sáu, lợi dụng triệt để sự mất cảnh giác trong việc quản lý nội dung trên phần bình luận phản hồi (comment) của các báo mạng điện tử ở nước ta để lồng ghép các quan điểm sai trái. Từ đó, tạo nên các luồng dư luận thù địch, cực đoan.

Thứ bảy, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài “bạch hoá thông tin” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài (VOA, BBC, RFA…) để truyền bá những thông tin xấu, độc. Các bài viết này đều được đăng tải dưới danh nghĩa “Bài viết thể hiện quan điểm của người viết” tuy nhiên cách thức và hình thức đưa tin của các cơ quan truyền thông nước ngoài này rất có chủ ý. Các bài viết không chỉ khiến công chúng hoang mang mà tin tức bị cố tình làm biến dạng còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước ta.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT, CÔNG NGHỆ PHÒNG, CHỐNG THÔNG TIN XẤU ĐỘC, XUYÊN TẠC, THÙ ĐỊCH

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng thông tin xấu, độc hại trên mạng internet, và đảm bảo an ninh truyền thông đòi hỏi phải có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó có các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ.

Quang cảnh Trung tâm điều hành an ninh mạng SOC tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Quang cảnh Trung tâm điều hành an ninh mạng SOC tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Triển khai các giải pháp kỹ thuật công nghệ để ngăn chặn, xử lý các thông tin sai lệch, thù địch. Phát hiện và cảnh báo các xu hướng xã hội đang diễn ra trên các trang báo mạng điện tử, truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử chính thống và phi chính thống; đồng thời với đó là dự báo các nội dung thảo luận có nguy cơ bùng phát. Triển khai tự động rà quét và phát hiện sớm các trang web, tài khoản mạng xã hội, nhóm, fanpage… về các chủ đề cần quản lý thông qua cơ sở dữ liệu danh sách lọc.

Đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật- công nghệ như bảo vệ tốt các thông tin cá nhân, kỹ thuật chống phát tán thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng, kỹ thuật phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc/gỡ, khoá tài khoản của các thế lực thù địch.

Cùng với đó là các giải pháp công nghệ liên quan đến việc ngăn chặn các bài viết có nội dung sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội. Thiết kế phần mềm có các tính năng: Tìm kiếm người dùng tại các địa điểm (tỉnh thành) trong hồ sơ đăng ký tài khoản xác định có quan tâm đến một chủ đề nào đó. Thứ hạng sẽ trả về những người dùng có quan tâm nhiều nhất đến một chủ đề nào đó thông qua việc lọc, thống kê số bài viết, dòng trạng thái, lượt thích, nội dung bình luận hay chia sẻ…Tìm kiếm các bài viết, các chủ đề theo ngữ nghĩa khác nhau; Tìm kiếm các từ khoá nổi bật, các đường dẫn được các trang mạng/blog và bình luận nhiều nhất cũng như thái độ bình luận của từng người dùng; Tính năng nhận dạng, báo cáo và phân tích về người dùng dựa trên nguồn thông tin thu thập được; Dựa trên lượng thông tin thu thập được, phần mềm ứng dụng phải có khả năng phân tích, nhận dạng các xu hướng nội dung tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội và cảnh báo cho người quản trị hệ thống. Bên cạnh đó, việc thống kê về nội dung cũng cho phép các cơ quan chức năng dễ dàng có cái nhìn tổng quan về dòng chảy thông tin mà không cần đọc quá nhiều nội dung.

Về giải pháp công nghệ liên quan cho phép chặn các tin nhắn có nội dung sai lệch, xuyên tạc, được phát tán qua tin nhắn điện thoại hoặc email. Các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất với các nhà mạng ở Việt Nam ngăn chặn các tin nhắn theo từ khoá/nội dung, nguồn tin được xác định. Đồng thời, các nhà mạng sẽ phối hợp để xác định và chia sẻ mẫu tin nhắn rác, cách thức ngăn chặn tin nhắn rác, phương thức tiếp nhận và xử lý tin nhắn rác từ người dân…

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc email, nguồn sở hữu, sử dụng là việc rất khó nếu website được đặt tại máy chủ ở nước ngoài. Cơ bản việc gỡ/chặn chỉ có thể thực hiện được qua công tác làm việc giữa cơ quan quản lý với chính nền tảng mạng xã hội nước ngoài đó.

Giải pháp công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo, định lượng truy cập mạng xã hội làm căn cứ để đánh giá, xây dựng và cập nhật các chính sách quản lý nhà nước. Cần chú trọng xây dựng giải pháp về công cụ lọc dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu đủ lớn nhằm phát hiện tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc… từ đó, chủ động ngăn chặn sự lan truyền, cảnh báo tin giả ngay từ khi xuất hiện trên mạng xã hội. Cụ thể, xây dựng các bộ lọc nhằm tìm kiếm nhanh các từ khoá mang tính chất sai trái, thù địch, phản động và bôi nhọ…

Giải pháp về cơ chế phối hợp  giữa các cơ quan, đơn vị quản lý và doanh nghiệp giúp việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc trên internet, trên mạng xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp tốt với các nhà cung cấp  dịch vụ mạng (ISP), nêu rõ căn cứ về việc trao đổi thông tin liên quan đến các phần tử/nhóm phần tử cố tình đưa thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc lên mạng, thường xuyên gửi các văn bản yêu cầu các mạng xã hội có nền tảng xuyên biên giới cung cấp thông tin và yêu cầu hợp tác phù hợp với luật pháp nước sở tại và thông lệ quốc tế. Các đơn vị chức năng của Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông trong nước và ngoài nước cần chủ động phối hợp để triển khai hiệu quả các nghị định thư, thoả thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng xuyên biên giới./.

Ths. Ngô Thị Hồng Hạnh
Khoa Truyền thông - Trường Đại học Đại Nam

----------------------

(1) Chayka K. (2016), “Facebook And Google Make Lies As Pretty As Truth”, The Verge, http://www.theverge.com/2016/12/6/13850230/fake-news-sites-google-search-facebook-instant-articles (truy cập ngày 20/05/2019).

 

Tài liệu tham khảo:
1. Anthony F., Stephanie K. (2017), “How do you stop fake news? In Germany, with a law.”, The Washington Post, 
2. Chayka K. (2016), “Facebook And Google Make Lies As Pretty As Truth”, The Verge, http://www.theverge.com/2016/12/6/13850230/fake-news-sites-google-search-facebook-instant-articles (truy cập ngày 20/05/2019).
3. https://www.bkav.com.vn/trong-ngoi-nha-bkav/-/chi_tiet/511114/tong-ket-an-ninh-mang-nam-2017-va-du-bao-xu-huong-2018.
4. Nam Quỳnh (2018), Làm luật chống tin giả: Trào lưu quốc tế nhiều hệ lụy, Trithuc.vn
5. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/Luat-an-ninh-mang-2018-351416.aspx
6. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực Tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2022

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất