Chủ Nhật, 19/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Hai, 28/11/2022 10:7'(GMT+7)

Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo”

Hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo”

ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN TĂNG TỶ TRỌNG ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN

Công nghiệp hỗ trợ đã và đang góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản…

Sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt nam cùng với quá trình hội nhập toàn cầu hóa sâu rộng đặt ra những cơ hội và cả những thách thức về sự gia tăng năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, và giá trị gia tăng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong bối cảnh đó, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đã có nhiều khởi sắc trong những năm qua cả về số lượng và chất lượng, chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản… với các thị trường lớn và khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến của ngành công nghiệp hỗ trợ, vẫn còn nhiều thách thức như về quy mô, kinh nghiệm, năng lực, thị phần, thương hiệu… đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên để công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của ngành công nghiệp nội địa, cũng như của các đối tác, khách hàng đa quốc gia và năng lực đáp ứng.

Những thách thức mà Việt Nam gặp phải về sự gia tăng năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, và giá trị gia tăng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên - mà trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu mà các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện.

Theo ông Phạm Thanh Tùng - Phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo báo cáo khảo sát của Tổng Cục thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

ÁP DỤNG CÁC GIẢI PHÁP LINH HOẠT TRONG QUẢN  LÝ ĐIỀU HÀNH SẢN XUẤT

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng các giải pháp linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh để đảm bảo kinh doanh liên tục, nâng cao năng suất lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn hơn nữa.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu? Điều đó mới quan trọng và là mấu chốt, như vậy có thể nói đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.

Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể: “Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế về thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực”, trong thời gian qua Cục Công nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nước cũng như quốc tế, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các cơ quan đơn vị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 01 năm 2017, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa và tăng cường kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong năm 2021, có 48 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, 105 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cải tiến sản xuất. Tổng cộng 62 khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cán bộ quản lý, người lao động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được tổ chức.

Hải Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất