Chủ Nhật, 19/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 6/6/2015 16:30'(GMT+7)

Cảm ơn Trường Sa!

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn.

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn.

 
Bình yên ở Song Tử Tây

Ngày 23-4-2015, tàu HQ-561 đưa chúng tôi đến Song Tử Tây-hòn đảo cực bắc của quần đảo Trường Sa. Tôi không nghĩ là tàu sẽ đến Song Tử Tây sớm như vậy. Thức dậy từ 4 giờ sáng với mong muốn ngắm bình minh nơi biển đảo quê hương cùng các anh em trong đoàn, thì bất ngờ hòn đảo xuất hiện ngay trước mắt. Sống mũi chợt cay cay, mắt rưng rưng. Lúc đó không thể nghĩ một người cứng cỏi như mình mà cũng có lúc rơi nước mắt. Đứng trên mũi tàu, tay cầm chiếc máy ảnh mà tay run run, người tôi phải tựa vào cột mũi tàu. Lúc đó, tôi cảm giác như một đứa con đi xa lâu ngày vừa gặp lại mẹ mình vậy, ngập tràn hạnh phúc. Chợt nhận ra mình đang giống như một đứa trẻ, tôi định thần lại, cố nén cảm xúc vì xung quanh tôi còn có nhiều người khác.

Ở Song Tử Tây, những cơn gió ào ào có vị mặn mòi của biển khơi thổi không ngừng vào đảo. Trong một thoáng, tôi đã cảm nhận cuộc sống nơi đây thật bình yên. Những chiến sĩ da sạm màu nắng gió ra đón chúng tôi có nụ cười rạng rỡ dưới nắng vàng. Vui nhất là tôi được gặp những em nhỏ ở ngôi trường tiểu học Song Tử Tây có ánh mắt trong veo, khuôn mặt dễ thương, ngộ nghĩnh. Người ở Trường Sa có nét gì đó thật đặc biệt trên khuôn mặt mà có lẽ tôi chưa bao giờ bắt gặp trong cuộc sống thường nhật. Những cảnh vật tôi nhìn thấy, những con người tôi gặp nơi đây thật khó tả, trẻ trung, dễ mến nhưng chín chắn đến lạ thường; họ sống gắn bó, tình cảm nhưng cũng rất cương nghị và can đảm. Nhìn ngắm những giò phong lan, những chậu hoa sứ, những chú chim bồ câu hay cả chiếc chuông gió làm bằng vỏ sò, vỏ ốc mới thấy hết được tâm hồn lãng mạn, trữ tình của những con người nơi đây; họ là chiến sĩ, là y tá, là giáo viên, là những người dân chài hồn hậu. Dường như sự khắc nghiệt của khí hậu giữa biển khơi, những cơn gió biển mặn chát và những chùm nắng chói chang chỉ làm đen sạm làn da rắn rỏi của họ chứ không làm tâm hồn họ cằn khô.

Nhìn họ, tôi mới cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp nơi đây: Yên ả và bão táp, mềm mại mà đanh thép… Tất cả khiến tôi tin tưởng rằng Trường Sa đã, đang và luôn luôn được bảo vệ bởi những bàn tay vững vàng, tin cậy.

Lắng đọng tại Nam Yết - Len Đao

Ngày thứ tư của cuộc hành trình, tàu HQ-561 đưa chúng tôi tới Nam Yết.

Tự tách mình ra khỏi đoàn, tôi dạo bước một mình trên đảo Nam Yết. Tôi lặng đi khi chân bước đến nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền nơi đây. Ở đây, có một anh lính trẻ, rất trẻ, đứng nghiêm trang chào đón tôi. Đứng trước hàng mộ, tôi lặng người, lạnh toát và gai ốc nổi lên… Tôi đã không di chuyển hồi lâu cho đến khi anh lính kia đến và châm nhang cho tôi viếng các đồng đội của anh. Lúc này tôi mới bật ra được những dòng nước mắt xúc động không thể cầm lại. Tôi đã ôm người chiến sĩ đó mà khóc nức nở như đang chia tay tiễn biệt những người thân đã mất trong giây phút cuối cùng. Những người nằm đây-các anh, không, với tôi nói đúng hơn là các em, còn trẻ quá. Tôi chợt cảm thấy mình nhỏ bé, nhỏ bé trước các anh. Trong chúng tôi, có những người là doanh nhân thành đạt, có những người là giáo sư, tiến sĩ... đang làm công việc mà xã hội gọi là danh vọng, đáng mơ ước. Nhưng đứng trước những ngôi mộ này, tôi lại thấy rằng tất cả những điều đó dường như chỉ là giọt nước trong biển cả mênh mông đang ào ạt vỗ bờ ngoài kia. Những người nằm đây và những người đang ngày đêm cầm súng nơi đây, họ hoàn toàn xứng đáng được Tổ quốc vinh danh vì nhiệm vụ vinh quang của mình.

Cậu lính trẻ đứng đó đã ôm lấy tôi mà nói rằng: “Anh à! Chúng em yêu thương nhau lắm. Những gì chúng em hưởng, các anh ấy nằm đây cũng được hưởng. Tuy không có gia đình bên cạnh, nhưng em tin là các anh ấy cũng vẫn đang mỉm cười vì luôn có chúng em ở bên, luôn có chúng em làm tiếp những gì các anh ấy chưa thể hoàn thành!”.

Vậy đấy, cậu lính ấy mới chỉ mười chín, đôi mươi, nhưng những gì cậu ấy nói với tôi rất chín chắn, rất can trường mà tôi tin rằng có nhiều người trưởng thành hơn chưa chắc đã có được. 

Rời Nam Yết, chúng tôi đến đảo Len Đao. Hình ảnh quật cường của những người lính trên hòn đảo nhỏ bé này khiến tôi không thể nào quên. Nước ngọt là thứ vô cùng quý giá nơi đây. Mỗi người lính trên các đảo như Len Đao, mỗi ngày chỉ được dùng theo tiêu chuẩn vài lít nước ngọt cho tất cả các nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Vậy mà các anh vẫn tận dụng được những khoảng không chật hẹp để trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, nuôi chó làm con vật bầu bạn. Điều kiện sống khắc nghiệt giữa nắng gió biển khơi nơi đây làm cho chúng tôi ai nấy đều vô cùng khâm phục bản lĩnh và ý chí của những người lính đảo. Và những hình ảnh này càng khiến tôi cảm thấy trân trọng hơn những gì mình đang có, càng làm tôi quyết tâm hơn cho những gì mình đang làm và sẽ làm… Và quả thật giống như anh Ngô Văn Mậu-nghiên cứu sinh tại Ô-xtrây-li-a chia sẻ: “Tưởng ra đây động viên anh em, hóa ra anh em động viên lại mình”. Quả thực, những người lính nơi đây lại chính là nguồn động lực lớn lao dành cho tôi, và tôi nghĩ chắc không chỉ riêng tôi nghĩ vậy.

Sau khi rời Nam Yết, chúng tôi có thêm một khoảng thời gian lắng đọng và xúc động với toàn bộ các thành viên trong đoàn tham dự Lễ tưởng niệm những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường Sa ngay trên boong tàu HQ-561. Trong giờ phút ấy, có lẽ không từ ngữ nào có thể diễn tả nổi những xúc cảm của chúng tôi, những người con sống xa Tổ quốc trở về đất mẹ. Chúng tôi tri ân các anh, tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, để những người như chúng tôi đang được sống trong hòa bình, ra nước ngoài học tập và làm việc. Vòng hoa in hình cờ Tổ quốc bập bềnh trên sóng nước giữa biển khơi dần mất hút hỏi tầm nhìn. Chúng tôi như cảm nhận rằng các liệt sĩ đang ở đó đón nhận những nén nhang, những đóa hoa cũng như tình cảm của chúng tôi. Còi tàu hú vang chào tiễn biệt các anh! Cầu cho các anh yên nghỉ cùng sóng nước và phù độ cho những người còn sống chúng tôi có thể hoàn thành tâm nguyện và nhiệm vụ vì Tổ quốc còn dở dang của các anh.

Bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại những cảm xúc ở Trường Sa, tôi lại như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới. Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã đặt chân đến Trường Sa, tự hào đã là một nhân chứng sống về Trường Sa, tự hào vì được gặp những con người con vinh quang, sống, chiến đấu vì Tổ quốc. Cảm ơn các anh, những người lính đảo Trường Sa, cảm ơn Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu!

NGUYỄN TRUNG KIÊN

(Nghiên cứu sinh, Đại học Quốc gia Incheon-Hàn Quốc)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất