Thứ Sáu, 3/5/2024
Phòng chống tác hại thuốc lá
Thứ Sáu, 5/8/2022 10:23'(GMT+7)

Chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định như thế nào?

Theo Điều 4 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

- Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018).

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; người sử dụng thuốc lá tự nguyện cai nghiện thuốc lá.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề.

- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá?

Tại Điều 7 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

"Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá."

Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

(1) Thông tin, giáo dục, truyền thông phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Cung cấp thông tin một cách công khai, khoa học, chính xác, khách quan về thuốc lá và tác hại của thuốc lá;

- Đa dạng hóa nội dung, hình thức và kênh thông tin phù hợp với đối tượng được thông tin, giáo dục, truyền thông.

(2) Thông tin, giáo dục, truyền thông bao gồm các nội dung sau đây:

- Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội;

- Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội;

- Các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá;

- Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá
Căn cứ khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông được quy định như sau:

- Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức, cung cấp thông tin khoa học về tác hại của thuốc lá; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá vào trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình; quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình;

- Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá và lồng ghép vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học;

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương;

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, vận động các thành viên trong tổ chức mình và toàn xã hội không sử dụng thuốc lá, tích cực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định của Luật này./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất