Hai trong 6 nội dung, biện pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) chỉ rõ trong bài phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về PCTN được tổ chức ngày 25-6 tại Hà Nội, đều đề cập đến việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nhằm chủ động phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng từ sớm.
Điều này đủ cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Kiểm tra, giám sát cũng chính là phương thức lãnh đạo của Đảng.
Chú trọng và nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực đối với người có chức, có quyền không phải là vấn đề mới, nhưng thực sự đang là vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực nói riêng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung. Điều rất đáng bàn là không ít vụ việc các cơ quan chức năng kể cả trong Đảng và bộ máy Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện được sai sót, khuyết điểm. Bởi vậy, phần nhiều các vụ vi phạm thời gian qua đều được khởi nguồn từ thông tin của báo chí hoặc phản ánh của nhân dân.
Như vậy có thể thấy rằng, chất lượng hoạt động của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao; trách nhiệm của những người làm công tác thanh tra, kiểm tra chưa được phát huy. Cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ thực sự vào cuộc trước sức ép của dư luận, của nhân dân. Tuy nhiên, cần hiểu rằng: Việc kiểm tra, giám sát không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp hay của cơ quan thanh tra, mà trách nhiệm trước hết là của chi bộ, của tổ chức cơ sở đảng, của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, bất kỳ đảng viên nào cũng phải sinh hoạt trong một chi bộ nhất định. Theo đó, ngoài sinh hoạt thường kỳ ra nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, ở chi bộ còn có rất nhiều hoạt động lãnh đạo gắn liền với quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, cũng như công tác quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Vậy mà những đảng viên, những tổ chức đảng ở cơ sở lại không phát hiện được đồng chí, đồng đội của mình vi phạm, hoặc có biểu hiện vi phạm để có những biện pháp ngăn chặn từ sớm. Chính từ việc thiếu những biện pháp giúp đỡ, ngăn chặn từ sớm nên khá nhiều trường hợp để lại hậu quả hết sức nặng nề; đồng thời dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu… ngày càng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Nêu lên một vài thực trạng trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, vấn đề đặt ra là không những phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, mà còn phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy tốt vai trò của từng cán bộ, đảng viên; gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, trong thực thi công tác kiểm tra, giám sát cần khắc phục cho được tình trạng người tiến hành kiểm tra không hề phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị bị phát hiện vi phạm sau kiểm tra. Gắn trách nhiệm của người thực thi kiểm tra với nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của chi bộ chính là những giải pháp quan trọng nhất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn được những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ đầu.
PCTN, lãng phí, tiêu cực sẽ không đạt hiệu quả nếu thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và lại chỉ phụ thuộc vào ủy ban kiểm tra cấp ủy và cơ quan thanh tra cấp trên.