Thứ Năm, 16/5/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/3/2021 8:0'(GMT+7)

Có vắc-xin nhưng không quên 5K

Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.( Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.( Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch là đối tượng được tiêm đầu tiên. Theo đó, những người trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm được tiêm ngay đợt này.

Trong ngày đầu, đã có 377 người là nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Trung tâm y tế TP Hải Dương, Trung tâm Y tế Kim Thành (Hải Dương) được tiêm vắc-xin; tất cả những người được tiêm không có những phản ứng sau tiêm. Trong ngày 9-3, vắc-xin phòng Covid-19 tiếp tục được triển khai tiêm cho cán bộ y tế tại Hà Nội và Gia Lai. Những mũi tiêm chủng sẽ giúp các thầy thuốc nơi tuyến đầu thêm vững tâm để cống hiến trí lực và tâm huyết cho cuộc chiến chống Covid-19.

Đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân loại. Ngăn chặn đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường là nhu cầu bức thiết của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp quan trọng, hiệu quả, chủ động và không thể thiếu trong tiến trình này. Nhưng do không có ngay số lượng lớn vắc-xin cùng một lúc, cho nên trước mắt Bộ Y tế cấp cho 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng của dịch và 21 bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19; đồng thời sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau; vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau. Bộ Y tế sẽ chuyển vắc-xin về các địa phương. Các địa phương tiếp nhận theo quy trình, sau đó triển khai theo kế hoạch địa phương đó đã phê duyệt.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các địa phương cần thực hiện nguyên tắc "bốn tại chỗ", sẵn sàng các phương tiện phòng, chống sốc và xử trí kịp thời. Đặc biệt thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Bộ Y tế cần tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các địa phương triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.

Thực tế đã chứng minh, trong công tác phòng, chống dịch, vắc-xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả và là công cụ hữu hiệu nhất. Nhưng không vắc-xin nào có tác dụng phòng bệnh đạt tỷ lệ 100% và có độ an toàn 100%. Trong khi đó, vắc-xin phòng Covid-19 được nghiên cứu phát triển trong thời gian nhanh nhất và thời gian đưa vào sử dụng ngắn nhất, cho nên vẫn cần những nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu hơn nữa. Do vậy, bên cạnh tiêm vắc-xin, các lực lượng liên quan và người dân cần tiếp tục duy trì chiến lược ứng phó dịch đã được cơ quan chuyên môn xây dựng. Đó là, phát hiện sớm, khoanh vùng gọn và xử lý kịp thời.

Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 thời gian gần đây, các chuyên gia dịch tễ và cơ quan chuyên môn đều nhấn mạnh, các lực lượng chống dịch và người dân không chủ quan khi đã có vắc-xin. Vẫn cần tiếp tục duy trì chiến lược đã đề ra và kết hợp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để sớm tăng hệ miễn dịch trong cộng đồng. Mặc dù đang kiểm soát tốt tình hình, nhưng nguy cơ dịch Covid-19 vẫn còn rất lớn, cho nên thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) vẫn còn nguyên giá trị, đi liền với các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất