Thứ Sáu, 4/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Bảy, 4/2/2017 14:30'(GMT+7)

Diện mạo mới ở phố đông y

Một góc phố đông y được trang bị bảng hiệu và đồng phục cho nhân viên

Một góc phố đông y được trang bị bảng hiệu và đồng phục cho nhân viên

Dễ dàng quản lý

Đã từ rất lâu, tình trạng đủ loại dược liệu từ mọi tỉnh, thành trên cả nước tập trung về phố Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục và Lương Nhữ Học đã biến khu vực này thành điểm mua bán thuốc đông y lớn nhất Sài Gòn, với việc buôn bán tự phát và không có quy hoạch. Nhưng từ khi cơ quan chức năng triển khai và đưa vào quy hoạch phố đông y (cuối năm 2016), đến nay hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc đông nam dược trên đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông đều đã trang bị logo, hộp đèn, bảng niêm yết giá sản phẩm, cách trưng bày hàng hóa… theo kiểu “đồng phục”, tạo nên nét mới lạ trong hoạt động kinh doanh của ngành nghề đông y lâu đời trên địa bàn.
Đây là chủ trương mới của UBND quận 5, quy hoạch tuyến phố chuyên tập trung kinh doanh buôn bán dược liệu, đông y. Qua đó, xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, giá cả và xuất xứ của các loại thuốc đông y cũng như của các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh đông y, nhằm phát triển bễn vững các ngành nghề đông y.

Bà Nguyễn Thị Thu Vĩnh, Chủ tịch UBND phường 10, quận 5, cho biết: Việc hình thành phố đông y trên 3 tuyến đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông sẽ chấn chỉnh tình hình kinh doanh lấn chiếm lề đường, gây mất mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn, đặc biệt là việc bảo quản, sơ chế, bào chế thuốc đông y sẽ được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Gắn với phát triển du lịch

Trước sự phát triển về kinh tế, văn hóa chung của quận 5 và TPHCM, với thực trạng và tiềm năng hành nghề kinh doanh đông y, dược cổ truyền trên địa bàn phường 10, UBND quận 5 đã lên kế hoạch đề án thành lập phố đông y gắn với tiềm năng phát triển du lịch của quận. Điểm thu hút du khách là bên cạnh là những kiến trúc nhà cổ trên các con đường của phố đông y, quá trình phát triển đô thị đã phát triển các công trình nhà ở mới xây dựng của người dân, tạo nên nét giao thoa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.

Trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (ngã tư Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục) còn rất nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 (năm 1864), với kiến trúc nhà xây lâu năm và cư dân nơi đây vẫn giữ được nghề thuốc đông y truyền thống. Đặc biệt, khu nhà siêu thị thuốc đông y (57 - 59 - 61 Hải Thượng Lãn Ông) được xem là “hạt nhân” của khu phố cổ, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và tìm hiểu.

Tuy nhiên, khách chỉ đi mang tính tự tham quan, tìm hiểu là chính, thiếu sự định hướng, hướng dẫn có tổ chức, quy hoạch từ các cơ quan chức năng, chưa là điểm tham quan mua sắm có tổ chức của các chuyến du lịch. Do đó, để tiếp tục định hướng phát triển du lịch gắn với tiềm năng phát triển ngành nghề truyền thống, quận 5 cần tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm phát huy hiệu quả tối ưu, gắn khu phố đông y với các điểm du lịch trên địa bàn như chùa bà Thiên Hậu, Chợ Lớn (chợ Bình Tây), đình, đền mang đậm kiến trúc Trung Hoa…

Hiện nay trên địa bàn phường 10, tổng số công ty, hộ kinh doanh sản xuất, khám chữa bệnh bằng thuốc đông y là 133 cơ sở (chiếm tỷ lệ 26% trên tổng số cơ sở kinh doanh của quận). Dự kiến sau khi hình thành phố đông y trên đường Lương Nhữ Học, năm 2017, quận 5 tiếp tục mở rộng phố đông y trên các đường Triệu Quang Phục (22 hộ), Hải Thượng Lãn Ông (57 hộ).

 

 

MINH VƯƠNG/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất