Chủ Nhật, 15/12/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 17/10/2022 15:14'(GMT+7)

Đồng chí Võ Ngân - người chiến sĩ cộng sản tài năng và kiên trung

Đồng chí Võ Văn Ngân

Đồng chí Võ Văn Ngân

1. NGƯỜI ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THẾ HỆ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG

Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân yêu nước và có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Với lòng yêu nước thương dân sâu sắc, tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, được kế thừa truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, đặc biệt là từ người anh trai Võ Văn Tần, nên Võ Văn Ngân sớm tham gia phong trào yêu nước. Với mong muốn tìm hiểu thời cuộc và con đường cứu nước cứu dân đúng đắn, năm 1923, Võ Văn Ngân và Võ Văn Tần rời quê hương Đức Hòa ra thành phố Sài Gòn sinh sống và tìm chí hướng hoạt động.

Giữa năm 1926, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần tham gia tổ chức Hội kín Nguyễn An Ninh. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thời gian ngắn, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân đã nhận thấy hạn chế của tổ chức này vì chỉ chú trọng trong giới trí thức, tiểu tư sản, mà không mở rộng ra các tầng lớp quần chúng lao động nghèo khổ; không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động, đó là xóa bỏ áp bức bóc lột, được sống tự do, no ấm. Chính vì vậy, cuối năm 1926, với sự nhạy cảm chính trị và được sự tuyên truyền vận động, giúp đỡ của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn vừa thành lập, Võ Văn Ngân và Võ Văn Tần đã dứt khoát lựa chọn, chính thức gia nhập tổ chức này và trở thành những hội viên cốt cán đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ nói chung và tỉnh Chợ Lớn nói riêng. Tham gia tổ chức Hội Thanh niên, Võ Văn Ngân đã bước vào thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi đi theo con đường cách mạng vô sản - con đường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Vào đầu năm 1927, Võ Văn Ngân từ Sài Gòn trở về Đức Hòa hoạt động. Trên địa bàn quận Đức Hòa, Võ Văn Ngân đã tích cực tuyên truyền mục tiêu của Hội Thanh niên; lựa chọn những người hăng hái tích cực trong nông dân, trong đó chú trọng đến tầng lớp thanh niên để phát triển hội viên và tổ chức Hội với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo. Trong một thời gian ngắn, Võ Văn Ngân đã xây dựng được các chi hội ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh - là những tổ chức đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở quận Đức Hòa, cũng như của tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An lúc bấy giờ. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị và khả năng tổ chức, hoạt động thực tiễn của Võ Văn Ngân.

Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị phân liệt, chia rẽ thành ba tổ chức cộng sản khác nhau. Tháng 8/1929, khi An Nam Cộng sản Đảng được thành lập, Võ Văn Ngân đã trở thành thành viên của tổ chức này và là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa(1).

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập tháng 2/1930, thực hiện chủ trương tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản, ngày 6/3/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm(2), Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần nhóm họp bí mật Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại nhà ông Hương Hộ Thỏ (Nguyễn Văn Thỏ) ở Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa(3), quyết định chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam - Chi bộ Đảng đầu tiên ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Chi bộ gồm 7 người, do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Ngay sau khi thành lập, Võ Văn Tần chỉ đạo Võ Văn Ngân cùng với các thành viên khẩn trương vào công việc phát triển tổ chức, phát triển đảng viên, trước tiên tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi, có cơ sở quần chúng tốt như Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh... để tiến tới thành lập Quận ủy Đức Hòa.

Mười năm từ 1920 đến 1930, ghi dấu chặng đường hoạt động sôi nổi với bước chuyển mang tính quyết định từ người thanh niên yêu nước đến người cộng sản Võ Văn Ngân. Đó là quá trình, đồng chí vừa tích cực hoạt động, vừa không ngừng tìm tòi khảo nghiệm, lựa chọn con đường đi thích hợp. Trên con đường ấy, đồng chí đã từng bước tiếp thu lý tưởng cộng sản, tư tưởng cách mạng vô sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và dấn thân con đường cách mạng, trở thành đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - những người góp phần khai mở, xây dựng nền móng tổ chức và phong trào đấu tranh trong thời kỳ đầu thành lập Đảng.

2. NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG, KIÊN TRUNG CỦA ĐẢNG

Với tư duy nhạy bén và năng lực tổ chức cao, sớm trưởng thành trong thực tiễn hoạt động, chỉ hơn một năm trở thành đảng viên của Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân đã được Đảng tin tưởng giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Đồng chí đã có đóng góp to lớn trong việc phát triển, khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Gia Định, Chợ Lớn cũng như ở Nam Kỳ.

Ở Đức Hòa, sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ra đời, phong trào yêu nước và cách mạng đã có bước phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vô sản. Cuối tháng 5/1930, để thống nhất sự chỉ đạo của Đảng trên toàn quận Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Tần đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ Quận Đức Hòa (thuộc tỉnh Chợ Lớn). Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Quận đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn, do Võ Văn Tần làm Bí thư Quận ủy. Võ Văn Ngân được bầu là Quận ủy viên.

Ngày 4/6/1930, thực hiện chủ trương của liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần lãnh đạo cuộc biểu tình tại thị trấn Đức Hòa đòi Pháp giảm thuế. Cuộc biểu tình tuy bị địch đàn áp đẫm máu, nhưng là cuộc đấu tranh có quy mô lớn, quyết liệt với kẻ thù nhằm đòi quyền lợi sống còn của hàng vạn người dân bị áp bức, bóc lột; là một trong cuộc đấu tranh đỉnh cao của phong trào cách mạng ở tỉnh Chợ Lớn và cũng là của cả Nam Kỳ tính tới thời điểm tháng 6/1930. Sau đó, chính quyền thực dân Pháp ra sức lùng bắt các đồng chí lãnh đạo Quận ủy Đức Hòa. Đồng chí Võ Văn Ngân cùng với đồng chí Võ Văn Tần lánh sang quê mẹ ở quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Sau khi đồng chí Lê Quang Sung bị bắt, tháng 6/1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Đây là thời kỳ thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố, gây tổn hại nghiêm trọng đến phong trào cách mạng ở Nam Kỳ. Giữa năm 1931, Xứ ủy Nam Kỳ lại bị địch phá vỡ, các Liên tỉnh ủy, Đặc ủy cũng không còn nhiều, hầu hết các cấp ủy và nhiều cơ sở bị phá đi phá lại nhiều lần. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy bị bắt, những đồng chí chưa bị bắt nhưng phải tạm thời nằm im hoặc tạm lánh đi nơi khác. Võ Văn Tần bị truy nã từ ngày 13/5/1931 về tội “tham gia vụ Ngô Gia Tự và đồng bọn”. Trong tình hình đó, để tiếp tục duy trì phong trào, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân đã tìm mọi cách móc nối, khôi phục lại các cơ sở đã bị phá vỡ, tổ chức tái lập lại Tỉnh ủy Gia Định. Cuối năm 1931, Võ Văn Ngân được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Giữ trọng trách cương vị người đứng đầu, chỉ đạo cuộc đấu tranh ở Gia Định trong bối cảnh địch tăng cường khủng bố, đồng chí Võ Văn Ngân đã chủ trương giương cao ngọn cờ chống khủng bố, áp bức bóc lột của đế quốc thực dân; tiếp tục xây dựng phát triển cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng ở các địa phương, đặc biệt ở xã Bà Điểm, tổ chức Nông hội đỏ được củng cố, phát triển khắp khu vực Mười Tám thôn Vườn Trầu... Nhờ biện pháp khéo léo, linh hoạt, cuộc đấu tranh của nhân dân Gia Định không những không bị gián đoạn, mà vẫn duy trì, liên tục hoạt động, có thời điểm hết sức sôi động, có sự phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhân dân tỉnh Chợ Lớn, tiêu biểu như 3 cuộc biểu tình lớn ngày 18/4/1932, tại Hóc Môn với sự tham gia của hơn 1.400 nông dân.

Giữa năm 1932, theo sự phân công của tổ chức, Võ Văn Ngân được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Lúc này ở Chợ Lớn, địch cũng tăng cường khủng bố, các tổ chức Đảng liên tục bị đánh phá, nhân sự Bí thư Tỉnh ủy thay đổi nhiều lần. Từ tình hình thực tiễn, đồng chí Võ Văn Ngân đã chỉ đạo tập trung khôi phục xây dựng cơ sở đảng ở những nơi bị địch phá vỡ, thiết lập lại hệ thống tổ chức đảng gây dựng từ cấp xã đến tỉnh; tuyên truyền vận động cách mạng, vận động quần chúng, giáo dục bồi dưỡng quần chúng ưu tú, trung kiên, chú trọng xây dựng lực lượng phát triển đảng viên mới.

Cuối năm 1932, thực dân Pháp phát hiện hoạt động của tổ chức Đảng ở tỉnh Chợ Lớn và dùng nhiều hình thức để đánh phá mạnh vào các cơ sở Đảng ở đây. Đồng chí Hồ Văn Long Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt, hầu hết các địa phương ở Nam Kỳ không còn tổ chức đảng. Không nản chí, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn Võ Văn Ngân vẫn kiên trì hoạt động ra sức chắp nối, gây dựng tổ chức các cơ sở cách mạng, chỉ đạo các chi bộ Đảng tiếp tục duy trì hoạt động, phát hành báo Nhà quê làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Chợ Lớn. Đến giữa năm 1932, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó đáng chú ý cuộc đấu tranh của 13 xưởng dệt khăn ở Chợ Lớn, với 500 công nhân nữ người Hoa bãi công phản đối chủ giảm 50% tiền công. Bên cạnh đó, đồng chí còn chú trọng cuộc đấu tranh dưới hình thức công khai hợp pháp trong lĩnh vực báo chí; chỉ đạo đưa cán bộ, đảng viên tham gia tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn cùng Đảng Lập hiến và một số đảng phái khác. Theo kết quả ngày 30/4/1933, một số ứng cử viên công nhân cùng một số trí thức khác đã được vào Hội đồng thành phố, tích cực hoạt động bênh vực người lao động, vạch trần chính sách thực dân, làm gia tăng sức ảnh hưởng của Đảng Cộng sản trong nhân dân thành thị.

Nhờ sự hoạt động năng động và có hiệu quả của Tỉnh ủy Chợ Lớn do đồng chí Võ Văn Ngân đứng đầu, phong trào cách mạng ở Chợ Lớn cuối năm 1934 đầu năm 1935 được khôi phục và có chiều hướng phát triển. Hệ thống tổ chức đảng từ Tỉnh xuống cơ sở được gây dựng và củng cố. Lực lượng cách mạng gồm nhiều giai cấp, tầng lớp của đô thị đã nhanh chóng phát triển cả số lượng và chất lượng.

Đầu tháng 3/1935, với tài năng và uy tín của mình, Võ Văn Ngân được các lãnh đạo Xứ ủy tín nhiệm cử vào cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ và trực tiếp về phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Cùng với đồng chí Nguyễn Chánh Nhì, Trần Văn Giàu, đồng chí được cử là đại biểu của Đảng bộ Nam Kỳ dự Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc. Đại hội hoạch định đường lối, chính sách trong tình hình mới; đề ra những nhiệm vụ chính của toàn Đảng, trong đó củng cố, phát triển Đảng là nhiệm vụ hàng đầu; thông qua Nghị quyết về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 9 người và được giao phụ trách Nam Kỳ.

Sau Đại hội, vượt hiểm nguy trở về Nam Kỳ trong hoàn cảnh 8 ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, Bí thư Xứ ủy Võ Văn Ngân vẫn kiên trì hoạt động khôi phục lại Xứ ủy. Đồng chí chỉ đạo lập lại nhiều tổ chức cơ sở Đảng từ cấp xứ đến quận, làng, đồng thời, chuẩn bị căn cứ ở nông thôn ngoại thành để Trung ương về đóng trụ sở. Võ Văn Ngân bàn với Xứ ủy quyết định chọn làng Tân Thới Nhất - quê ngoại của mình cách trung tâm thành phố 15km, nơi người dân giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, làm địa bàn đầu mối lãnh đạo của Trung ương Đảng.

Đến cuối năm 1935, trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Võ Văn Ngân đã chỉ đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng toàn Nam Kỳ. Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động, tiêu biểu là thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đã có sự phát triển mạnh hơn thời kỳ trước. Toàn Đông Dương trong hai năm 1934-1935, có 60 cuộc đấu tranh của công nhân, thì riêng Sài Gòn-Chợ Lớn đã có tới 40 cuộc (chiếm 2/3) diễn ra ở các trung tâm quan trọng như Xưởng Ba Son, Sân bay Tân Sơn Nhất, các nhà máy xay, hãng xe điện, trong tầng lớp xe kéo, xe thổ mộ...

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào nghị viện ở chính quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng ta phát động mạnh mẽ cuộc vận động dân chủ. Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo các tổ chức Đảng, theo sát tình hình và thực hiện thường xuyên công tác vận động, lôi cuốn quần chúng tham gia cuộc vận động dân chủ, tham gia Ủy ban hành động. “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ Ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư, phong trào Đông Dương Đại hội phát triển mạnh mẽ khắp Nam Kỳ với 600 ủy ban hành động được thành lập những cuộc bão công liên tiếp dài ngày của công nhân Nam Kỳ nổ ra với quy mô và số lượng lớn có 5 - 6 vạn người tham gia ”(4). Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Ngân chỉ đạo đưa một số đảng viên cộng sản tham gia vào Hội đồng quản hạt thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn; tranh thủ điều kiện hoạt động công khai, bán công khai, tổ chức các cuộc mít tinh đòi quyền dân sinh, dân chủ, trong đó có một cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí trực tiếp tổ chức. Sau phong trào Đông Dương đại hội, đến phong trào đón Gôđa đưa đề nghị, nguyện vọng của nhân dân và cuộc biểu tình đón Toàn quyền Brévié đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng và ý chí đoàn kết đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào, Trung ương dự định tổ chức cuộc họp mở rộng vào tháng 3/1937. Đồng chí Võ Văn Ngân đã chuẩn bị căn cứ chu tất, an toàn để đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Ban Chấp hành Trung ương mở rộng tại ấp Trung Lân và Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhứt. Sau khi chuyển địa điểm này cho Trung ương, đồng chí Võ Văn Ngân rời cơ quan Xứ ủy về đóng ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh).

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, Xứ ủy Nam Kỳ đã quán triệt chủ trương và triển khai đường lối của Hội nghị Trung ương Đảng trong tình hình mới. Tận dụng điều kiện thuận lợi do Xứ Nam Kỳ được hưởng chế độ thuộc địa, đồng chí Võ Văn Ngân đã có nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo vừa phát triển phong trào quần chúng, vừa mở rộng, củng cố tổ chức Đảng. Đến tháng 9/1937, Đảng bộ Nam Kỳ đã có 590 đảng viên, trong tổng số 925 đảng viên của cả nước và được đánh giá là một Đảng bộ lớn mạnh, với chỗ dựa vững chắc là Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ ngày 25/8 đến ngày 4/9/1937, tại vùng căn cứ Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng. Đồng chí Võ Văn Tần đã tham dự hội nghị và tham gia thảo luận những chủ trương mới về nội bộ, về đào tạo cán bộ, về tổ chức quần chúng, về đấu tranh chống các xu hướng sai lầm, về Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương, về chống phát xít và chống chiến tranh đế quốc. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 11 đồng chí, cử ra Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí(5), trong đó có đồng chí Võ Văn Ngân. Đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư.

Cuối năm 1937, đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng, nhiều lúc phải nghỉ ngơi để chữa trị. Vì vậy, Trung ương Đảng quyết định chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay người em trai Võ Văn Ngân của mình làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, bổ sung vào Trung ương Đảng.

Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước hết sức nghiêm trọng do nguy cơ chiến tranh, tháng 3/1938, tại Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Hội nghị toàn thể Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương và coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại. Đối với công tác xây dựng Đảng, Hội nghị đề ra nhiệm vụ phải củng cố cơ sở đã có, lập thêm cơ sở mới, kết hợp khéo léo giữa hoạt động bí mật và công khai; đẩy mạnh công tác báo chí bí mật và công khai, tăng cường huấn luyện cán bộ đảng viên; thâm nhập hoạt động để gây uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong các đảng phái, tổ chức chính trị khác; đấu tranh chống bọn khiêu khích Trốtkít. Trong Hội nghị, đồng chí Võ Văn Ngân được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp ủy gồm 11 ủy viên.

Do sức khỏe yếu, ít tham gia hoạt động thực tiễn nhưng, đồng chí vẫn chăm chú theo dõi các hoạt động phong trào cách mạng và của Xứ ủy Nam Kỳ, đặc biệt là việc sắp xếp, phát triển hệ thông tổ chức Đảng trong toàn xứ, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo phong trào với Võ Văn Tần... Những lúc bệnh tình thuyên giảm, đồng chí lại có mặt ở Tân Thới Trung (cơ quan của Xứ ủy Nam Kỳ) để cùng Võ Văn Tần và các đồng chí trong Xứ ủy tham gia các mặt công tác. Tuy nhiên, do bệnh tình ngày một trầm trọng, vào ngày 7/9 âm lịch Mậu Dần (tức ngày 29/10/1938), đồng chí Võ Văn Ngân đã trút hơi thở cuối cùng, kết thúc cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng đầy oanh liệt của người cộng sản hy sinh trọn đời vì dân, vì nước.

Là đảng viên thuộc lớp thế hệ đầu của Đảng, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Võ Văn Ngân đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đồng chí là một trong những người tiên phong xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đất Nam Kỳ, trong điều kiện cực kì khó khăn ngay sau khi Đảng mới ra đời. Đặc biệt, sau phong trào 1930-1931, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp, Xứ ủy Nam Kỳ bị vỡ nhiều lần, nhiều nơi trắng cơ sở Đảng, nhưng dưới sự chỉ đạo của đồng chí ở Gia Định, Chợ Lớn, sau đó toàn Nam Kỳ, hệ thống tổ chức Đảng dần dần được phục hồi, củng cố, phát triển, ý chí và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được tăng cường; phong trào quần chúng phát triển mạnh với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân với hình thức đấu tranh đa dạng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về vận động quần chúng, phương pháp tổ chức và đấu tranh cho Đảng. Từ hoạt động thực tiễn, đồng chí đúc rút và có đóng góp quan trọng về công tác lý luận, thông qua việc xây dựng đường lối chiến lược của toàn Đảng (qua sự kiện Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng, tháng 3/1935) và chủ trương chuyển hướng chiến lược của Đảng (tại Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương năm 1937).

Trong suốt quãng đời hoạt động yêu nước và cách mạng, Võ Văn Ngân đã nỗ lực không ngừng, không mệt mỏi. Từ khi lên Sài Gòn tìm lý tưởng cứu nước, đến khi trở về quê hương gây dựng phong trào và sau đó trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của vùng đất Nam Kỳ, đồng chí đã luôn bám sát các phong trào, các cơ sở quần chúng, đến các địa bàn, sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ mới của cách mạng khi được Đảng giao phó trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kể cả khi ốm nặng, đồng chí không ngừng trăn trở về sự nghiệp cách mạng, vẫn dành sức lực cuối cùng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí đã trở thành tấm gương sáng, là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với đảng viên, các tầng lớp nhân dân về niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng./.

TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
__________________________

(1) Chi bộ gồm 7 hội viên do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

(2) Thành viên Chấp ủy Nam Kỳ, phụ trách Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn.

(3) Nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

(4) Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Biên niên Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008, t.2, tr.554.

(5) 5 đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng là: Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Cừ. Dẫn theo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2018, tr.404.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất