Chủ Nhật, 15/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Bảy, 6/4/2024 14:6'(GMT+7)

Hiệu ứng lan toả trong hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)

Với quan hệ láng giềng gần gũi và nhiều nét tương đồng, Việt Nam - Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Năm 2008, hai bên thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, khung hợp tác cao và nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới và là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Đáng lưu ý, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Do vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 7 - 12/4, được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương.

LÁNG GIỀNG TIN CẬY

Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Hơn nữa, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng và Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.

Thống kê cho thấy, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD theo số liệu của hải quan Việt Nam; còn theo số liệu của hải quan Trung Quốc đạt 229,8 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 27,3 tỷ USD, tăng 28%; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 7,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD, tăng 38,8%.

Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 22,17%; trong quý I/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mới vào Việt Nam chiếm 27,8%. Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.

Hiện nay, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 170 tỷ USD; trong đó, những ngành hàng người Trung Quốc yêu thích mà Việt Nam có thể cung cấp được là trái cây tươi, khô, chế biến… Dư địa tăng trưởng của những ngành hàng này được dự báo sẽ còn tăng cao. Vì vậy, doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp về nông sản, trái cây cần lưu ý để có thể tham gia vào thị trường tiềm năng này.

KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI

Mới đây, tại buổi toạ đàm giữa Bộ Công Thương với Đoàn công tác Bộ Thương mại Trung Quốc, các bên đều cùng nhận định quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua diễn ra hết sức mật thiết, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ chế hợp tác thường xuyên được triển khai hiệu quả.

Cùng đó, Bộ Công Thương đã đề xuất phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường nông sản, xem xét ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo, phối hợp thông quan hàng hóa hợp lý tại các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa.

Ngoài ra, tiếp tục ủng hộ, giới thiệu các địa phương có tiềm năng của phía Trung Quốc tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương. Đặc biệt, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nhanh chóng mở Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam trong năm 2024. Mặt khác, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp để đáp ứng Lệnh 259 của Hải quan Trung Quốc về biện pháp quản lý đối với việc kiểm tra và chấp nhận kết quả giám định hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Lý Hưng Kiền, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ nhất trí cao nội dung hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng, ủng hộ Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nông sản chất lượng cao vào Trung Quốc như mô hình thành công của quả sầu riêng.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ủng hộ và thúc đẩy các địa phương liên quan tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương, thúc đẩy việc thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam. Bên cạnh đó, ủng hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ, triển lãm quy mô lớn tại Trung Quốc.

Đồng thời, sẵn sàng tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia các hội chợ, triển lãm do Bộ Công Thương Việt Nam. Năm 2024, phía Trung Quốc sẽ tổ chức các khóa đào tạo đa phương về chuyển đổi số và hoan nghênh cán bộ của Bộ Công Thương tham gia.

Ngày 4/4, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới thời thượng quốc tế Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh tại Hà Nội. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng của Omoda & Jaecoo tại Đông Nam Á, mà còn là lần đầu tiên xe năng lượng mới của Trung Quốc vào Việt Nam xây dựng nhà máy.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sản xuất và lắp ráp xe ô tô chạy bằng động cơ điện và động cơ sử dụng nhiên liệu đốt kèm có nguồn gốc tự nhiên đang là xu thế tất yếu của thế giới; trong đó, có Việt Nam nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo, xây dựng hàng loạt những đề án, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển các loại hình xe chạy bằng động cơ điện, động cơ đốt kèm nhiên liệu có nguồn gốc tự nhiên; trong đó, có cơ chế chính sách khuyến khích những dòng xe như liên danh Geleximco và Omoda & Jaecoo phát triển.

Cũng tại lễ ký kết, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhận định, ô tô là ngành công nghiệp trụ cột quan trọng của công nghiệp hai nước. Việc mở rộng hợp tác giữa hai bên trong ngành công nghiệp ô tô chắc chắn tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước và những điểm tăng trưởng mới.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 13, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào vui mừng đánh giá quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay.

Hai Bộ trưởng cùng khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, nhất là đối với hàng nông sản và thủy sản. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã có những bước cải thiện tích cực trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai nước, hai Bộ trưởng đều khẳng định quyết tâm sẽ phối hợp chặt chẽ và nỗ lực hơn nữa nhằm triển khai hiệu quả những nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt - Trung thời gian qua.

Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung". Trên cơ sở vai trò và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung, hai Bộ trưởng đã trao đổi một số vấn đề cần giải quyết và lĩnh vực trọng điểm cần tăng cường hợp tác thời gian tới. Cùng đó là những định hướng quan trọng trong tương lai nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung phát triển theo hướng ổn định, cân bằng và bền vững./.

UYÊN HƯƠNG (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất