Thứ Sáu, 10/5/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 22/3/2022 8:5'(GMT+7)

Hoạt động của hội đồng nhân dân bám sát đặc thù địa phương

Quận Ninh Kiều, trung tâm thành phố Cần Thơ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Quận Ninh Kiều, trung tâm thành phố Cần Thơ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cơ cấu đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh có sự thay đổi lớn, số đại biểu hội đồng nhân dân lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, phần lớn chưa được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng hoạt động nên còn lúng túng, bị động.

Tuy nhiên, nhờ việc chọn lựa các vấn đề sát thực tế, thực tiễn đời sống nhân dân, chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các địa phương ngày một tốt hơn.

ƯU TIÊN GẮN VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Tỉnh Long An đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh từ tháng 9/2021, đi đầu về tỷ lệ bao phủ vaccine cho cộng đồng, sớm mở cửa lại khu vực sản xuất, nỗ lực cùng cả nước duy trì chuỗi cung ứng.

Long An thực hiện đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 1,02%; thu hút đầu tư FDI đứng thứ 2 cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An cho biết với tinh thần luôn đổi mới, bám sát thực tiễn, hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công hai chương trình đối thoại phát trực tiếp trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh về vấn đề điện, nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở nông thôn và giải pháp ngăn chặn, xử lý nạn tín dụng đen; tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Đây được xem là điểm nhấn nổi bật, làm đa dạng thêm hình thức giám sát, tương tác, lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được. (Ảnh: TTXVN)

Theo đồng chí Nguyễn Văn Được, Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An sẽ thực hiện vai trò đồng hành, chủ động và dẫn dắt trong các công việc chung của tỉnh, nhất là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách của địa phương.

Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh phân công các Ban của hội đồng nhân dân và gợi ý các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh chủ động nghiên cứu các chính sách, pháp luật, mô hình hay và nắm bắt thực tế ở địa phương để sẵn sàng chuẩn bị các nội dung kỳ họp theo tinh thần “từ sớm, từ xa”, không “chờ đợi” cơ quan trình.

Song song đó, mở rộng nhiều kênh thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi ban hành cơ chế, chính sách của hội đồng nhân dân tỉnh.

Tại Bình Thuận, trong năm, các ban hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện thẩm tra 91 nghị quyết và các báo cáo của ủy ban nhân dân tỉnh, của các cơ quan tư pháp trước khi trình hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp; đồng thời, tham mưu, tổ chức thực hiện các nội dung giám sát chuyên đề.

Nội dung giám sát được ban lựa chọn kỹ lưỡng, những vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm như thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; tình hình thực hiện các dự án sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư kết cấu hạ tầng.

Cùng với đó là các nội dung theo chỉ đạo của thường trực hội đồng nhân dân tỉnh; các vấn đề phát sinh qua phản ánh từ các kênh báo chí, truyền thông địa phương và cử tri về việc chậm trễ kéo dài, vướng mắc…

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận Tiêu Hồng Phúc cho biết, việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch và chương trình giám sát hàng năm của các Ban hội đồng nhân dân tỉnh luôn bám sát các mục đích yêu cầu thực hiện giám sát là vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của đông đảo nhân dân địa phương.

Việc giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch thống nhất, bảo đảm công khai dân chủ, tôn trọng khách quan, tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các địa phương đã rất chủ động, linh hoạt, tổ chức rất nhiều phiên họp chuyên đề; ban hành nhiều nghị quyết rất kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh của địa phương; nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri, bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến…; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, các kiến nghị của cử tri. Tỷ lệ giải quyết các kiến nghị cử tri trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đạt trên 85%, là tín hiệu rất đáng mừng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đến nay, các tỉnh “tứ giác” Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều có những khởi sắc về kinh tế.

BÁM SÁT THỰC TẾ ĐỊA BÀN

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội xem xét, quyết định nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương, tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cả khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là minh chứng rất rõ nét cho hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Cần Thơ bình quân đạt 6,17%/năm, cao hơn chỉ số tăng GDP của cả nước (tăng bình quân 5,9%/năm); diện mạo thành phố thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ, văn minh hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải. (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải, để phát triển thành phố toàn diện và bền vững, đạt các mục tiêu kế hoạch 5 năm, hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết về việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Xuân Hải, để đáp ứng những yêu cầu bức thiết của nhân dân, hội đồng nhân dân thành phố đã chú trọng lựa chọn những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hoặc phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ban hành nghị quyết chuyên đề và chọn lọc những nội dung có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng nguồn lực của địa phương để đưa vào Kế hoạch ban hành nghị quyết hàng năm.

“Coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp từ các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết, đại diện địa phương, các ngành, nhất là đối với những nghị quyết liên quan đến đời sống nhân dân, đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của thành phố”, đồng chí Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.

Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ luôn quan tâm đến “tính dự báo” và “sức sống” của các nghị quyết còn hiệu lực thi hành. Để các quyết sách của hội đồng nhân dân phát huy hiệu quả thiết thực, cần xác định những nội dung, lĩnh vực phải ban hành nghị quyết, đặc biệt làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng và mức độ tác động đến đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương có đảm bảo nghị quyết được thực thi hay không và những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Cùng quan điểm này, theo Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đài Thy, việc lựa chọn vấn đề chất vấn, giải trình và xác định rõ mục đích cần đạt được của vấn đề đưa ra chất vấn và giải trình.

Việc lựa chọn nội dung chất vấn và giải trình dựa vào các ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề đang được xã hội quan tâm, từ đó tìm được nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

Đồng thời sau phiên chất vấn, giải trình, ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan sẽ tìm ra giải pháp căn cơ để khắc phục những hạn chế, yếu kém đối với nội dung được đưa ra chất vấn, giải trình.

Thực tế kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, trước mỗi kỳ họp, các ban của hội đồng nhân dân cần tổ chức khảo sát thực tế, giám sát trực tiếp về kết quả triển khai, thực hiện nghị quyết ở các cơ quan chuyên môn và quận, huyện nắm bắt dư luận xã hội để có thông tin, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng.

Đối với những chính sách lớn, có tầm ảnh hưởng lớn đến số đông, có thể tổ chức khảo sát chuyên đề, tiếp xúc cử tri chuyên đề hoặc tổ chức lấy ý kiến của nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động. Việc ban hành chính sách cần thiết phải có sự tính toán, cân đối, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ hoạt động của hội đồng nhân dân.

Thực hiện các “kỳ họp, phiên họp không giấy” các báo cáo, kết quả giám sát sẽ được sử dụng tối đa thông qua hình ảnh, phóng sự cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Đồng thời, đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu giúp đại biểu có đủ thông tin chính xác để phục vụ xem xét, đánh giá và đề xuất đúng vấn đề./.

Tiến Lực (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất