Thứ Bảy, 27/7/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Năm, 23/11/2023 10:46'(GMT+7)

Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại

Một gian hàng tại Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 15/9/2023.

Một gian hàng tại Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 15/9/2023.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Đồng thời, dưới sự hướng dẫn, đôn đốc của Bộ Công thương, ngành công thương và các tổ chức, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước; quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài...

Nhờ các giải pháp và công tác phối kết hợp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, nên thời gian qua, những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của vùng, miền, khu vực như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Chẳng hạn như, qua các lần tổ chức trong năm 2023, Phiên chợ Thanh niên do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp với ngành công thương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức đã không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân và du khách khi đến tham quan, mua sắm, mà còn góp phần tạo nên các “cú hích” quan trọng trong việc “kích cầu” và quảng bá hàng nghìn sản phẩm đến với người tiêu dùng. Trong đó chủ yếu là các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng của thanh niên khởi nghiệp các huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long.

Ngoài mục đích giới thiệu, quảng bá bản sản phẩm, tôn vinh bản sắc văn hóa vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các Phiên chợ Thanh niên của Quảng Nãi còn là dịp để các chủ thể có sản phẩm được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp, liên kết, tìm đầu ra và nâng tầm cho sản phẩm.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 124 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 9 sản phẩm 4 sao và 115 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, địa phương còn nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản vùng miền. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi hiện có 57 hợp tác xã. Trong đó có 46 hợp tác xã đang hoạt động với gần 1.000 thành viên (người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%). Các hợp tác xã đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng được trưng bày bên lề Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” do Bộ Công thương tổ chức ngày 18/11/2023.

Thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đặc biệt chú trọng, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Số chuyến hàng do doanh nghiệp trong và ngoài thành phố thực hiện thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo hàng năm bình quân trên 4 chuyến/ 1 tuần.

Theo Lãnh đạo Sở Công thương Hải Phòng, hạ tầng thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 huyện đảo thuộc thành phố được quan tâm và có nhiều khởi sắc, đã hình thành phương thức kinh doanh mua sắm như chợ, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích tiện lợi; trên 10 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn 2 huyện đảo đã được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc phục vụ theo Đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương; trên 28 lượt cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ tham dự Hội nghị kết nối cung cầu, Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội chợ triển lãm của các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước… Năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023 tại các huyện đảo đã tổ chức được 6 phiên chợ hàng Việt với quy mô mỗi phiên chợ 25 gian hàng của trên 30 doanh nghiệp tham dự, thu hút trên 1.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu mỗi phiên chợ từ 1,5-2,5 tỷ đồng; xây dựng được 1 mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại huyện Cát Hải.

Với vị trí đô thị lớn của khu vực và cả nước, thành phố Hải Phòng đã tích cực phối hợp với các các cơ quan chức năng Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Trong đó, tập trung tổ chức các hội chợ triển lãm, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tổ chức kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp Hải Phòng với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước... Cùng với đó, Sở đã hỗ trợ đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt tiêu chuẩn chất lượng của các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Kon Tum, Tây Ninh... vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và ngược lại…/.

NGỌC QUỲNH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất