Thứ Năm, 16/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 7/9/2017 8:43'(GMT+7)

Không khoan nhượng với nạn tham nhũng

Nhìn lại năm 2016 và đến nay, việc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng như luồng gió mới, là tâm điểm thu hút sự tập trung chú ý, quan tâm theo dõi không chỉ của người dân, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp trong nước, mà còn cả giới quan sát quốc tế và những nhà đầu tư nước ngoài. Điều cảm nhận rõ ràng nhất là sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, sự vào cuộc sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và nỗ lực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong công cuộc PCTN. Việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng giúp củng cố niềm tin, đáp ứng mong đợi của nhân dân, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn nạn tham nhũng hoành hành, và là động lực khích lệ các nhân tố tích cực tham gia cuộc đấu tranh gian nan này.

Trong phiên họp, nhiều đại biểu QH thẳng thắn nêu những ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn cuộc sống, từ suy nghĩ tâm tư của cử tri, người dân cơ sở. Đó là thực tế, qua hơn 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, đến nay tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít. Một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. Điều đó gây tâm lý hoài nghi, bức xúc trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước.

Khi cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu QH, các thành viên Ủy ban Tư pháp của QH bày tỏ phân vân, băn khoăn về nhận định cho rằng, công tác PCTN, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo có dấu hiệu giảm. Trong khi, thực tế cho thấy, tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, các tổ chức (theo luật quy định có tới 19 lĩnh vực phải bảo đảm tính công khai, minh bạch) vẫn chưa được thực hiện tốt. Vấn đề đáng quan tâm nữa là một bộ phận cán bộ trong một số khu vực, ngành vừa qua không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tình trạng lợi ích nhóm ở nhiều nơi, nhiều cấp vẫn diễn ra. Vấn đề kiểm toán nội bộ hay thanh tra chuyên ngành như lâu nay chưa đạt yêu cầu. Trong khi, hình thái tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, khiến cho các vụ án dạng này phức tạp, khó điều tra, khó thu hồi tài sản, nhiều vụ việc có yếu tố nước ngoài,... Lãnh đạo nhiều cơ quan, bộ, ngành, các đại biểu QH cho rằng tình hình tội phạm tham nhũng còn tiềm ẩn không ít nguy cơ đáng lo ngại...

Báo cáo của Chính phủ về PCTN cũng nêu những vụ việc vừa qua, cho thấy việc quản lý tài sản công, vốn đầu tư công trong các doanh nghiệp nhà nước nhiều năm bị buông lỏng, nhiều doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát, lãng phí lớn. Thậm chí lãnh đạo các doanh nghiệp này tham nhũng nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Trong khi đó, việc theo dõi, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả đối với các vụ án tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn.

Từ những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm cao của các đại biểu QH, cử tri tại nhiều diễn đàn, thiết nghĩ, Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành hữu quan cần tiếp thu thấu đáo, cẩn trọng, qua đó cẩn thận rà soát, tổng kết, đánh giá những hạn chế, bất cập trong công tác PCTN, nhất là về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan đơn vị, về kê khai tài sản, thu nhập… Qua đó tham gia đề xuất những giải pháp sửa đổi, bổ sung phù hợp trong Dự án Luật PCTN (sửa đổi) trình QH xem xét tại kỳ họp tới. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kỳ vọng các cơ quan tư pháp, cơ quan thực thi pháp luật tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Bảo đảm thực hiện đạt các chỉ tiêu, yêu cầu về PCTN, đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển đất nước, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Văn Chúc/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất