Chủ Nhật, 19/5/2024
Xã hội
Thứ Hai, 18/7/2022 14:57'(GMT+7)

Kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm: Phải truy xuất từ "gốc"

Lực lượng Ban an toàn thực phẩm lấy mẫu thủy hải sản để kiểm tra

Lực lượng Ban an toàn thực phẩm lấy mẫu thủy hải sản để kiểm tra

Người dân đang quan tâm thông tin vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh, có tới gần 50% mẫu rau, quả có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép. Cá biệt có sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc dư lượng nhiều hoạt chất bảo vệ thực phẩm. Đây là 3 chợ đầu mối cung cấp khoảng 70% thực phẩm cho Thành phố Hồ Chí  Minh.

Thông tin được cung cấp từ báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn lại thời gian qua, với nhiều nỗ lực, an toàn thực phẩm của Thành phố đã tốt hơn trước đây. Hàng năm Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu giám sát để phục vụ cho công tác quản lý. Trong 6 năm đã tiến hành lấy 11.624 mẫu kiểm tra giám sát chất lượng đối với các thực phẩm có nguy cơ cao, gây mất an toàn thực phẩm. Kết quả là có 10.940 mẫu đạt 9 tỷ lệ 94,12%) và 684 mẫu không đạt tỷ lệ 5,88%). Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm từ 18 (giai đoạn 2014-2016) còn 12 (giai đoạn từ 2017-2022).

Qua kiểm tra 2.140 mẫu sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” có 95,65% không phát hiện tồn dư hóa chất và không phát hiện tồn dư vượt mức giới hạn. Tuy nhiên cũng đã ghi nhận có 7 mẫu phát hiện tồn dư trong mức giới hạn và 14/2140 mẫu tồn dư hóa chất có tên trong danh mục cấm sử dụng là hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh; hoạt chất permtherine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng…; hoạt chất imidaclopird trên cải ngọt, cà chua, hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản. Tuy chỉ tỷ lệ nhỏ chỉ có 3,69 phát hiện tồn dư trong mức giới hạn nhưng cùng với kết quả kiểm tra tại 3 chợ đầu mối đã khiến dư luận lo lắng.

Từ kết quả phân tích kiểm nghiệm trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có văn bản thông báo cho cơ sở được lấy mẫu có kết quả giám sát không đạt và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của cơ sở, đồng thời yêu cầu cơ sở có báo cáo giải trình.

Đó là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, một đầu mối lớn, năng lực quản lý tốt, còn ở các địa phương khác trong cả nước sẽ ra sao? Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất nông nghiệp tại Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Đồng thời cũng nhận định, việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả, đặc biệt tại các tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân chưa được kiểm soát.

Những con số gây giật mình từ báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho thấy, cái khó hiện nay là cơ quan chức năng không đủ khả năng, tiềm lực để kiểm tra diện rộng, kiểm tra chuyên sâu liên tục mà buộc phải sàng lọc theo nhóm hàng nguy cơ cao, theo mùa vụ để sàng lọc và cảnh báo. Việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên thực tế là số lượng mẫu để được kiểm tra còn là khiêm tốn so với lượng hàng, chưa kiểm tra được nhiều. Kết quả test nhanh mới chỉ có tính chất sàng lọc một số hoạt chất cơ bản, chứ chưa phải là test chuyên sâu. Test chuyên sâu đòi hỏi phải nhiều ngày mới cho kết quả trong khi đặc thù thực phẩm tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn, nếu test cho kết quả không vi phạm thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ hàng. Trường hợp không giữ hàng, chỉ chọn mẫu test ra kết quả vi phạm thì hàng hóa cũng đã được bán đi, chỉ có thể phạt nguội, truy xuất nguồn gốc, cảnh báo. 

Chưa kể, còn một số "rào cản" như nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép, chưa có quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể. Tình hình sản xuất chế biến kinh doanh trái luật ngày càng tinh vi và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến đời sống

Do vậy, kiểm tra các chợ đầu mối cũng chỉ là kiểm tra phần ngọn. Muốn kiểm soát từ gốc phải phối hợp kiểm soát giữa các địa phương với nhau, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ các nơi trước khi đưa về tiêu thụ. Điều này đòi hỏi phải khắc phục hạn chế trong phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm giữa các địa phương. Các bộ chức năng phải hướng dẫn để nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc. 

Mới đây, trong cuộc Tọa đàm khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương Tổ chức nhằm hoàn thiện “Đề án Tổng kết 10  năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới" cũng đã đánh giá: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08, công tác an toàn thực phẩm của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên đối với công tác ATTP có sự chuyển biến rõ rệt; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã coi việc bảo đảm ATTP là bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về ATTP ngày càng hiệu quả hơn. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP đã cơ bản thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội luật hóa được các điều ước, hiệp định quốc tế, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP từng bước được thực hiện nghiêm túc hơn. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Kết luận 11-KL/TW ngày 19/1/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới nêu nhận định, an toàn thực phẩm đã trở thành một thách thức an ninh phi truyền thống. Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng phức tạp, thì quy mô, trình độ sản xuất, chế biến thực phẩm, trồng trọt, chăn nuôi nước ta vẫn còn nhiều mô hình ở quy mô nhỏ, lạc hậu, ý thức người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn coi trọng lợi nhuận hơn đạo đức, trách nhiệm xã hội dẫn đến gian dối, cẩu thả, năng lực quản lý còn chưa đáp ứng được những yêu cầu của một xã hội hướng đến sự chuyên nghiệp, văn minh và an toàn. 

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế, công tác ATTP ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó có việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, chất cấm trong sản xuất chế biến thực phẩm còn diễn biến phức tạp.

Bảo đảm an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài đòi hỏi sự kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát công tác ATTP. Công tác quản lý nhà nước còn bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 08, đánh giá, nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, cần phải chỉ rõ những biện pháp trọng tâm trong thời gian tới. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, bổ sung các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành về ATTP từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP; có cơ chế, chính sách, quy định pháp luật phù hợp.

Để giải quyết quản lý an toàn thực phẩm tốt, trước tiên cần phát huy đúng mức vai trò của chính quyền địa phương, cán bộ lãnh đạo quản lý, ban chỉ đạo ATTP các cấp. Tăng cường phối hợp trong quản lý và thanh tra, kiểm tra về ATTP giữa các ngành tại Trung ương, địa phương và giữa Trung ương với địa phương, cần thiết phải có những quy định chặt chẽ hơn, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, các đầu mối trong chuỗi cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn…

Đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát. Kết luận 11 nêu rõ, cần phải tăng cường, phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, tiêu dùng… Nếu kiểm tra không thường xuyên, xử lý không triệt để, thậm chí kiểm tra xong không công bố thông tin thì sẽ không có tính răn đe, cảnh báo… Do đó, các thông tin thanh tra, kiểm tra về ATTP cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ, mở rộng và kiểm tra sâu hơn. Đồng thời công khai, công bố ngay sau khi phát hiện vi phạm như Ban Quản lý an toàn thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua để cảnh báo cho người dân, ngăn chặn hậu quả, răn đe, giáo dục ý thức đối với vấn đề ATTP hiện nay.

Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra với việc ứng dụng các chuỗi an toàn, công nghệ truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng, áp dụng mã vạch thực phẩm, dãn nhãn sản phẩm OCOP đã dần được đưa vào ứng dụng nhưng chưa phổ biến trên diện rộng. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cần đổi mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý ATTP, nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ hơn nền tảng công nghệ số, mã vạch… để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất