Thứ Sáu, 3/5/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 1/12/2023 15:19'(GMT+7)

Lai Châu: Gắn phát triển nguồn dược liệu với công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

Phát triển cây dược liệu quý có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển cây dược liệu quý có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

CẦN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỀ NUÔI TRỒNG DƯỢC LIỆU

Lai Châu là tỉnh miền núi, tổng diện tích rừng hiện có là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,44%, có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Lai Châu có tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển kinh tế gắn với phát triển dược liệu.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển cây dược liệu quý đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu, trong nhiều năm qua các cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu phát triển các loại dược liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao.

Phát triển vùng trồng dược liệu...

Phát triển vùng trồng dược liệu cần gắn liền với công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Tỉnh Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... và nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù khác nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu.

Ông Vũ Văn Phi - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Lai Châu cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế khuyến khích phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền từ tuyến cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu, trong những năm qua, ngành y tế đã chỉ đạo 100% các cơ sở KCB phát triển vườn thuốc nam mẫu, các loại cây thuốc nam được trồng phổ biến tại vườn thuốc như: ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, kim tiền thảo, ké hoa vàng, cẩu tích, tía tô, kinh giới, gừng, hẹ, đinh lăng,… 

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà, tại nương để bảo tồn và phát triển các giống cây thuốc nam quý hiếm của địa phương cũng được ngành Y tế phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo các trạm Y tế xã tham mưu cho địa phương vận động Nhân dân tích cực thu hái, sử dụng và mở rộng diện tích.

Thực hiện Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cán bộ y tế cơ sở kết hợp với chính quyền cấp xã, bản khuyến khích và hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc các loại dược liệu quý như sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, sa nhân, đỗ trộng,...

Đến nay, Lai Châu có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, gây trồng được trên 50ha sâm Lai Châu tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Đây là cơ hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới Lai Châu từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo ông Phạm Quang Tuyến, Ủy viên Ban chấp hành Hội sâm Lai Châu để phát triển dược liệu thành một ngành hàng, trước hết cần tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu trồng trọt, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch vùng trồng các sản phẩm với quy mô đủ lớn, loài cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương về tự nhiên và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tại Lai Châu, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực như sâm Lai Châu, cây bảy lá một hoa, đương quy, đảng sâm…

Để làm được điều này thì địa phương cần minh bạch vùng trồng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hàm lượng dược liệu. Về khai thác dược liệu, phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước cũng như của WHO. Về chế biến, cần đa dạng hóa các sản phẩm, xây dựng các cơ sở chế biến tại chỗ, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ dược liệu, đặc biệt là tuân thủ các tiêu chuẩn GACP.

Nhiều cây dược liệu phát triển tươi tốt tại vùng núi cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TNMT.

Nhiều cây dược liệu phát triển tươi tốt tại vùng núi cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TNMT.

Cũng theo ông Tuyến, về tiêu thụ, cần xác định được thị trường các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm trọng điểm, thế mạnh của tỉnh Lai Châu như sâm Lai Châu, tạo ra một ngành hàng đa dạng các sản phẩm dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung nâng cao sức khỏe…

QUY HOẠCH VÙNG TRỒNG PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU GẮN VỚI CÔNG TÁC KHÁM CHỮA BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Trao đổi về việc tỉnh Lai Châu phê duyệt đề án phát triển cây Dược liệu tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 14/01/2020 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, BSCKII Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết: về giai đoạn 2020-2025, tỉnh định hướng phát triển một số cây dược liệu hàng hóa diện tích trên 250 ha, ưu tiên phát triển cây (Hà Thủ ô đỏ, Đảng sâm, Đương quy, Xuyên khung, Actiso,…) trồng tập trung tại một số xã vùng cao như: Giang Ma, Khun Há, Hồ Thầu huyện Tam Đường; Sà Dề Phìn, Làng Mô, Thị trấn,… huyện Sìn Hồ; Mường Khoa, Hố Mít, Trung Đồng huyện Tân Uyên; xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Dào San,.. huyện Phong Thổ.

Đối với giai đoạn 2026-2030: Định hướng phát triển trên 600 ha. Vùng trồng Sâm lai châu, Bảy lá một hoa, Lan kim tuyến 20 ha; Còn lại là ưu tiên các loài cây: Hà Thủ ô đỏ, Đảng sâm, Đương quy, Xuyên khung, Actiso… Đồng thời triển khai kế hoạch phát triển Sâm Việt Nam tại Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, đề án xây dựng từ nay đến 2030 tỉnh Lai Châu phát triển 3.000 ha Sâm (2.700ha dưới tán rừng phòng hộ, 287 ha dưới tán rừng sản xuất, 13 ha trên đất nông nghiệp khác).

Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu BSCKII Nguyễn Thế Phong cũng cho biết bên cạnh việc phát triển vùng dược liệu, ngành y tế Lai Châu sẽ đẩy mạnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền.

Để phát huy thế mạnh của rừng Lai Châu chứa đựng nguồn dược liệu quý và phong phú, ngành Y tế Lai Châu đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, phù hợp với từng giai đoạn, với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.

Hệ thống khám chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại; nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật. 

Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật mới về y dược cổ truyền, tập trung vào các nội dung sau: Một là, nghiên cứu về tính vị và tác dụng theo y học cổ truyền của các vị thuốc nam, thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y học cổ truyền và y học hiện đại có tác dụng trong điều trị một số bệnh, chứng bệnh; Hai là, nghiên cứu lựa chọn các bài thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y dược cổ truyền và y dược hiện đại có tác dụng trong điều trị một số bệnh, chứng bệnh; Ba là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, về các thành tựu của y dược cổ truyền.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh trong công tác quản lý và điều hành các cấp Hội Đông y trên địa bàn, hoạt động của Hội gắn liền với hoạt động quản lý và phát triển của ngành y dược học cổ truyền tại địa phương.

Trong đó, ngành Y tế Lai Châu đã phối hợp với Hội Đông Y tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ: Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Thứ hai, củng cố, phát triển tổ chức hội các cấp, vận động các lương y, lương dược, các y bác sĩ y học cổ truyền tham gia hội các cấp. Phấn đấu đưa nền y học cổ truyền phát triển ở quy mô toàn tỉnh, kế thừa, bảo tồn các bài thuốc quý trong nhân dân.

Thứ ba, tổ chức khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền, đẩy mạnh nuôi trồng dược liệu sạch và sản xuất thuốc đông dược tại địa phương. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị./.

Trọng Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất