Chủ Nhật, 19/5/2024
Dân số và phát triển
Thứ Ba, 26/9/2017 17:39'(GMT+7)

Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta

GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế  phát biểu tại hội thảo (ảnh DP)

GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo (ảnh DP)

Nhân kỷ niệm lần thứ 10, Ngày tránh thai Thế giới (26/9), sáng ngày 26/9/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Lợi ích của tránh thai hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới” với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta”.

Tham dự Hội nghị có GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ Bộ Y tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đại diện 10 bộ, ngành đoàn thể Trung ương, 15 Chi cục DS - KHHGĐ các tỉnh/Thành phố gần Thủ đô Hà Nội, Văn phòng UNFPA tại Việt Nam, đại diện Đoàn viên-Thanh niên và chị em phụ nữ của Hà nội, các tổ chức quốc tế.

Xuất phát từ kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 21 cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này. Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số trên 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn, 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25.

Trước tình hình đó, ngày 26/9/2007, với sự liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sức khoẻ sinh sản đã thống nhất phát động lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai Thế giới, lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 tại Châu Âu.

Ngày tránh thai Thế giới có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

 
 Tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai (ảnh minh họa)

Tại Hội thảo, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cùng với Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra các thông tin hữu ích về tình hình thực hiện KHHGĐ và nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai tại Việt Nam; Thực trạng phá thai trên thế giới và tại Việt Nam; Lợi ích của việc tránh thai cũng như công tác tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, dân số Việt Nam là khoảng 93 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê cho biết, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2016 là 77,6%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 66,8%. Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Đặc biệt nhóm vị thành niên, thanh niên, cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.

Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích:

Chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.

Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…

Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khoẻ sinh sản.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cũng cho biết: Trong năm 2017, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức các buổi nói chuyện, truyền thông về KHHGĐ, giới thiệu các biện pháp tránh thai trong khuôn khổ Chương trình “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” cho các thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ với sự tham gia góp sức của Bayer Việt Nam. Chương trình gồm chuỗi 12 hội thảo tổ chức tại 12 tỉnh thành đã thu hút hơn 1.200 chị em phụ nữ trên toàn quốc đến tham dự trực tiếp. Song song với chuỗi hội thảo, cuộc thi online “Hiểu về tránh thai” của chiến dịch cũng đã thu hút hơn 120.000 chị em tham gia tính đến thời điểm hiện tại và cuộc thi vẫn còn đang tiếp tục đến hết tháng 12/2017. Từ tháng 9 đến tháng 12/2017, một chiến dịch truyền thông mới cũng đã được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức về SKSS, về các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả cho các đối tượng nữ giới trong độ tuổi 18-25 thông qua các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và chuỗi hội thảo được tổ chức tại các trường đại học như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học RMIT...

Để tiếp nối những hoạt động đó, nhân dịp này, với sự phối hợp tổ chức của Hội LHPN Việt Nam và sự đồng hành của Cty TNHH Bayer Việt nam, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ công bố lễ phát động Chương trình hành động 3 năm, giai đoạn 2018 – 2020: “Truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” với mục tiêu cung cấp những thông tin khoa học chính xác và cập nhật về các phương tiện tránh thai hiện đại, trong đó có thuốc tránh thai đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu tránh thai.

Cũng cùng với nỗ lực chung nhằm giảm tình trạng phá thai, mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số, từ ngày 07/8 đến 01/12/2017 Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Tổ chức DKT International tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh “Yêu an toàn - Vạn điều hay” trên mạng năm 2017. Mục đích của cuộc thi này nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về dịch vụ KHHGĐ và các biện pháp tránh thai hiện đại nhằm huy động toàn xã hội, đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên nhận thức đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc tránh thai, từ đó hoạt động tích cực trong việc truyền thông và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần giảm tình trạng phá thai, mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.

Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Cần tăng cường theo dõi sát diễn biến về mức sinh và sử dụng biện pháp KHHGĐ để có kế hoạch và giải pháp quyết cụ thể. Mục tiêu chính là đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai.

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết giữa Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế với Hội LHPN Việt Nam Chương trình truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng với sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer Việt Nam./.

 
Thông điệp Ngày Tránh thai thế giới 2017:


- Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe của mình.

- Phá thai không phải là biện pháp tránh thai. Hãy chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

- Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

- KHHGĐ là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cặp vợ chồng.

- Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.

- Không có biện pháp tránh thai nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để giúp bạn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.

- Thực hiện gia đình hai con, để nuôi con khỏe dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất